Xác định mục đích học tiếng Anh của bản thân

Nguyễn Thị Anh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 15/06/2014

“Yêu cầu của công ty hay các nhà tuyển dụng”, “nếu không có bằng tiếng Anh sẽ không thể ra trường",... Đó là câu trả lời bạn sẽ nhận được khi hỏi “học tiếng Anh để làm gì?”.

Rất ít khi bắt gặp sinh viên nào trả lời học tiếng Anh để có thể tiếp thu thêm nguồn kiến thức phong phú trên thế giới, hay để có thể giao tiếp được với người nước ngoài. Chính vì tâm lý học để ra trường, học để xin được công việc theo yêu cầu của công ty, mà không ít các bạn sinh viên đã đổ xô đi học tiếng Anh chỉ để lấy bằng. 

Học tiếng Anh để xin việc

Đây không phải là một trường hợp hiếm gặp khi bạn hỏi về mục đích học tiếng Anh của sinh viên ngày nay. Rất nhiều sinh viên đều xác nhận việc có được tấm bằng tiếng Anh và bằng Tin học kha khá sau khi ra trường, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi đi xin việc. Bạn Nguyễn Thị Thu Thảo (cựu sinh viên trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) cho biết: “Trước khi ra trường mình cũng có học bằng B tiếng Anh, nhưng sau khi đi làm chỉ sử dụng nó một lần là nộp kèm theo hồ sơ xin việc. Nhưng vì công việc không cần dùng đến, nên cái bằng của mình cũng nằm yên một xó, kiến thức về tiếng Anh thì mình cũng chẳng nhớ”.



Tiếng Anh - nỗi ám ảnh của nhiều sinh viên

Nếu bạn vào Đại học, Cao đẳng hay Trung cấp, dù bạn chọn bất cứ ngành nào đi chăng nữa thì tiếng Anh cũng là môn không thể thiếu trong chương trình học của bạn. Nhiều sinh viên lắc đầu ngao ngán vì phải học môn này đến ba học kỳ và cũng không ít sinh viên phải nộp tiền “ngu” cho học phần này không ít lần.

Bạn Nguyễn Thị Mỹ Ánh (sinh viên trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ: “Nói về tiếng Anh với mình có thể dùng từ “mù chữ”. Tuy đã học tiếng Anh nhiều năm, nhưng mình vẫn rất tệ môn này và chuẩn bị sắp tới mình cũng như nhiều bạn trong lớp phải nộp tiền “ngu” để học lại".

Trong những buổi học tiếng Anh, số lượng sinh viên tham gia có thể nói là ít hơn các học phần khác. Nhiều bạn tham gia đầy đủ các buổi học vì sợ giáo viên điểm danh. Bạn Nguyễn Thị Anh (sinh viên trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) nói: “Khi còn học cấp hai, vì không mặn mà với môn này nên những buổi học trên lớp chỉ mang tính đối phó, lên đến Đại học mình cũng không thoát khỏi và còn phải học nó đến 3 học kỳ. Mỗi lần có tiết là mình cảm thấy chán nản, sợ nhất là những bài kiểm tra kết thúc học phần, nhiều khi thầy cô dễ dãi thì còn hỏi được vài câu trắc nghiệm, nếu không thì chỉ biết làm theo phương pháp “hên xui”.

Không chỉ sinh viên, tiếng Anh còn là nỗi ám ảnh của nhiều người đi làm. Quan sát ở các trung tâm tiếng Anh, nhiều người đi làm quay trở lại trung tâm để học lại tiếng Anh sơ cấp vì công việc của mình cần sử dụng, trong khi trong tay vẫn có bằng tiếng Anh này nọ.

Nói về vấn đề này, bạn Mỹ Ánh (sinh viên trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) cho biết thêm: “Mình dự định học bằng C tiếng Anh ở một trung tâm theo lời giới thiệu của mấy đứa bạn, nhưng mình cũng đang phân vân vì sợ sau này ra trường tấm bằng tốt quá mà mình không biết gì thì cũng khổ. Vì theo như lời giới thiệu của mấy đứa bạn, trung tâm sẽ đảm bảo đầu ra thấp nhất là loại khá”.

Vậy cần xác định lại “học tiếng Anh để làm gì?”


Điều bạn cần làm là xác định ngay từ đầu: “Học tiếng Anh để làm gì?”. Nếu bạn xác định được mục đích học của mình, nó sẽ giúp bạn tránh được tình trạng có bằng, có kiến thức nhưng vì công việc không sử dụng đến mà dần dần quên đi hết. Có bằng loại khá tốt trở lên nhưng lại quay lại học tiếng Anh sơ cấp vì không thể sử dụng chúng trong giao tiếp cũng như công việc.

Đặc biệt khi có được mục đích một cách rõ ràng, bản thân bạn cũng nhận ra được con đường phía trước một cách chính xác, hiểu bản thân cần học gì, cần có phương pháp như thế nào là hợp lý. Khi như thế, việc tiếp thu kiến thức của bạn cũng nhanh hơn, dễ dàng hơn rất nhiều và sẽ tránh việc phí phạm thời gian, công sức lẫn tiền bạc.