Học sinh nói về loạt bình luận khiếm nhã dưới clip TikTok của cô giáo nghỉ hưu: "Con sâu làm rầu nồi canh"

Huy., Theo Phụ nữ số 19:06 16/05/2024

Chứng kiến thái độ thiếu chuẩn mực của một bộ phận netizen về cô giáo về hưu dạy trên TikTok, nhiều học sinh đã không giấu được sự bức xúc.

Vừa qua, mạng xã hội đã tích cực lên án về hành vi kém văn hóa của một bộ phận netizen khi bình luận khiếm nhã dưới loạt clip dạy học của cô giáo về hưu trên TikTok. Vì nhớ nghề và mong muốn mang đến kiến thức cho học sinh, cô giáo Ngô Thúy Trình - một cô giáo Ngữ văn về hưu đã dành thời gian để soạn giáo án, làm video và giảng dạy chẳng kém cạnh các giáo viên khác "lên lớp" chính thức.

Những tưởng việc làm của cô sẽ nhanh chóng truyền cảm hứng tích cực cho nhiều học trò, vậy mà cô lại vô tình trở thành nạn nhân của hàng loạt bình luận tiêu cực đến phản cảm. Đáng nói hơn hết chúng lại xuất phát từ những tài khoản vốn còn ngồi "trên ghế nhà trường".

Học sinh nói về loạt bình luận khiếm nhã dưới clip TikTok của cô giáo nghỉ hưu: Con sâu làm rầu nồi canh - Ảnh 1.

Hàng loạt những bình luận kém văn hóa từ một bộ phận học sinh dưới clip dạy học của cô giáo Ngô Thúy Trình khiến mọi người bức xúc

"Mình không thể chấp nhận nổi"

Người ta vẫn thường nói "Văn học là nhân học" bởi lẽ giá trị của môn học này không chỉ dừng lại ở những tác phẩm nổi tiếng, vô số trang giấy được viết "không hồi kết", mà chúng còn đến từ ở việc hướng con người đến những điều hay ý đẹp về đạo đức. Tầm quan trọng của việc học cũng vì vậy trở nên quan trọng hơn, không chỉ đến từ việc tiếp thu kiến thức bao nhiêu mà còn tiên quyết ở cách đối nhân xử thế.

Là một người chứng kiến những tranh cãi trên, bạn V.M.T (học sinh lớp 11, tại TP.HCM) bày tỏ quan điểm: "Một cá nhân tốt đẹp không thể khiến cuộc đời toàn những điều tốt nhưng chỉ cần một cá nhân sai lệch thì cả tập thể sẽ trở nên xấu xa. Thật sự mình cũng không thể hình dung và cũng không thể chấp nhận những bình luận như vậy. Chẳng phải ngay trước khi biết đến tri thức, con chữ thì không phải chúng ta đều được học về ăn nói sao?".

"Đối với bản thân mình giáo dục cần qua hành vi hơn là nhìn nhận từ góc độ bằng cấp. Đây cũng không phải lần đầu mình nghe và đọc thấy những điều tiêu cực như thế này, cá nhân mình nghĩ bên cạnh việc để học sinh nâng cao kiến thức, việc quan trọng hơn cả là giáo dục về đạo đức và văn hóa ứng xử", cậu bạn chia sẻ thêm.

Cũng theo M.T, một phần nguồn cơn khiến những bình luận khiếm nhã như vậy xuất hiện tràn lan dưới clip của giáo viên đáng kính xuất phát từ thái độ không tốt dưới ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội. Lợi dụng sự ẩn danh, nhiều tài khoản đã "núp" sau những dòng bình luận để không ngại bày tỏ những quan điểm, phát ngôn sai lệch ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cá nhân khác.

Học sinh nói về loạt bình luận khiếm nhã dưới clip TikTok của cô giáo nghỉ hưu: Con sâu làm rầu nồi canh - Ảnh 2.

Sự ẩn danh của mạng xã hội là một trong những nguyên nhân của ngôn từ không kiểm soát

"Con sâu làm rầu nồi canh"

Bạn T.M.A (sinh viên năm 3 tại TP.HCM) cho biết những bình luận tưởng chừng vô hại cũng ảnh hưởng đến nhiều người trong thời điểm Gen Z dễ dàng bị nhìn nhận với những điều tiêu cực. Theo cô bạn, vì không biết cá nhân tạo ra những bình luận là ai để lên án, người ta sẽ có xu hướng quy chụp cho cả một cộng đồng và thế hệ.

"Bản thân mình mình không trách khi ai đó đánh giá về thái độ của Gen Z bởi mình tin họ cũng có lý do. Với mình câu chuyện tranh cãi về cô vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói 'một con sâu làm rầu nồi canh'. Chính thái độ vô lễ, không biết tôn sư trọng đạo của một bộ phận cư dân mạng đã khiến Gen Z chúng mình bị nhìn nhận không tốt", nữ sinh cho hay.

Học sinh nói về loạt bình luận khiếm nhã dưới clip TikTok của cô giáo nghỉ hưu: Con sâu làm rầu nồi canh - Ảnh 3.

Nữ sinh lo ngại việc một bộ phận thiếu ý thức có thể khiến cả tập thể bị ác cảm

Nhiều cư dân mạng cũng thể hiện sự đồng cảm trước những nỗ lực dạy học của cô giáo bởi ở thời điểm xứng đáng được nghỉ ngơi, cô vẫn chăm chỉ "lên lớp" và tích cực làm tròn vai trò của mình. Trong khi đó, nhiều người cũng bày tỏ sự lo lắng cho văn hóa ứng xử của một thế hệ vốn được gọi với danh xưng "mầm non đất nước".

Một tài khoản để lại bình luận: "Mình đang cảm thấy thế hệ hiện tại đang không biết xem trọng giáo lý, tụi nhỏ có quá nhiều điều kiện thuận lợi và đãi ngộ trong thời đại của mình nên quên mất việc phải trân trọng giá trị 'tiên học lễ hậu học văn'. Đáng buồn hơn nữa chính là việc các em cũng không ý thức được những hành động, lời nói của bản thân là sai trái".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày