Điểm danh "sát thủ chất độc" tuyệt đẹp dưới đáy biển (Phần 2)

Cá Thu, Theo 00:00 11/09/2011

Tiếp tục update 6 loài sinh vật "thống trị thế giới chất độc" ở đại dương...

Sau phần 1, chúng mình cùng đến với phần 2 cùng các loài "sát thủ" kịch độc khác bạn nhé!

7. Thủy tức san hô lửa Địa Trung Hải
 
Bất cứ người thợ lặn nào đã từng chạm vào san hô lửa đều hiểu chữ “lửa” trong tên của chúng mô tả điều gì. Đó chính là những chiếc gai nhỏ xíu tạo nên một cảm giác đau đớn như bị đốt cháy vậy.
 
 
Gọi loài thủy tức này là san hô có lẽ sẽ dễ gây hiểu lầm bởi chúng gần hơn với họ sứa biển. San hô lửa có thể phát tán nhanh chóng qua các rặng đá ngầm ở vùng nước ấm. Sử dụng chất độc từ các polyp (cấu trúc thân dạng túi tạo nên san hô) của mình, chúng dễ dàng thuyết phục các loài cá khác rằng tốt nhất là đừng có lảng vảng lại gần.

8. Bạch tuộc đốm xanh
 
Là một nửa của cặp song tấu tử thần, loài bạch tuộc đốm xanh được hưởng lợi từ mối quan hệ cộng sinh với tập đoàn vi khuẩn sinh sống trong tuyến nước bọt của chúng. Các vi khuẩn này sẽ sản sinh ra neurotoxin (một loại chất độc gây loạn thần kinh) cực mạnh, có thể giết chết một người trong vòng vài phút, song lại không có hại gì đối với loài bạch tuộc.
 

 
Thứ nước dãi chứa độc này còn giúp bạch tuộc “xử lý” các loại thức ăn “khó xơi” như cua hoặc động vật thân mềm, được bơm qua lớp vỏ đã bị phá vỡ trước đó bằng một bộ phận trông giống như mỏ chim.
 
9. Cầu gai đại dương
 
Loài động vật không xương sống này có thể phát triển rất nhanh xuyên qua rặng đá ngầm. Một con cái với những chiếc lông cứng chứa chất độc có thể sản sinh ra đến 100 triệu trứng/năm. Đặc biệt, thức ăn yêu thích của cầu gai là san hô sống. Khi xác định được “đối tượng”, chúng trùm dạ dày của mình lên đó, phóng ra enzyme để tiêu hóa tại chỗ các tế bào sống giàu dinh dưỡng.
 
Trong thời kì bùng phát, loài cầu gai tràn ngập các dải đá ngầm ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
 


10. Cá mặt quỷ
 
Cá mặt quỷ thực sự là một chuyên gia trong việc ngụy trang. Chúng thường bị nhầm lẫn với những viên đá nhiều màu sắc hoặc một khóm san hô. Khả năng này giúp chúng phục kích những con cá nhỏ và động vật giáp xác đi qua. Khi cảm thấy mối đe dọa, cá mặt quỷ thường nằm phục sát mặt đất và vẫy vây lưng, phóng ra một loại chất độc nguy hiểm.
 


11. Cá sao Nhật
 
Sử dụng vây ngực như những chiếc xẻng xúc đất, loài cá này núp mình trong những cái hố chúng tự tạo ra dưới dáy biển. Khi đã yên vị trong lớp ngụy trang, cá sao Nhật chỉ để phơi ra ngoài cặp mắt và cái mồm nhằm phát hiện và nuốt sống những con mồi đi qua.
 
Hơn thế nữa, nếu cảm thấy có mối nguy hiểm xung quanh, chúng có thể tạo ra một cú giật điện đến 50 volt bởi một bộ phận đặc biệt ở sau mắt.
 


12. Cá chình sọc
 
Đây là loài cá chình duy nhất được tìm thấy ở các rặng san hô. Đôi khi, chúng cũng chuyển “địa bàn hoạt động” sang cửa sông, các vũng nước triều (các vũng nước sót lại khi thủy triều) hay dòng hải lưu đi qua khu vực Ấn Độ Dương hoặc Thái Bình Dương.
  
 
Trái ngược với vẻ ngoài tương đối... dễ thương, mỗi chú cá chình sọc đều mang trong mình rất nhiều xương nhọn chứa độc ở vây lưng và vây ngực. Khi bị chích, kẻ thù sẽ cảm thấy rất đau đớn. Tuy nhiên, nọc độc của loài này không đủ để gây chết người.