Gia phả xe đạp từ thời cổ lỗ sĩ tới loại có gắn Wi-Fi

Pikachu , Theo 00:00 31/08/2011

Cùng ngược dòng thời gian để tìm hiểu về lịch sử của xe đạp: từ bản thiết kế trên giấy thời xưa cho tới hình ảnh chiếc xe đạp hiện đại tích hợp WiFi.

Xe đạp là một phương tiện giao thông gọn nhẹ, dễ điều khiển và không gây hại tới môi trường; bởi thế mà nó luôn là một trong những loại xe được ưa chuộng trên thế giới. Hãy thử xem những phiên bản "cổ lỗ sĩ" của xe đạp như thế nào, và điểm lại một vài dấu mốc quan trọng của xe đạp bạn nhé!



Chiếc xe đạp đầu tiên

Bản phác thảo ở Milan này trước đây được cho là thiết kế đầu tiên về xe đạp trong lịch sử. Tuy nhiên, sau một thời gian tìm hiểu, người ta phát hiện ra rằng bản phác thảo này thực chất là nhái lại bản phác thảo của nghệ sĩ – nhà phát minh đại tài Leonardo da Vinci.

Bản phác thảo về chiếc xe đạp của Leonardo da Vinci có từ năm 1493 nhưng tới thế kỷ XX, nó mới tình cờ được tìm thấy ở Milan. Trong bản phác thảo của ông, xe đạp khi ấy đã có cả pê-đan và dây xích, giống hệt như thời bây giờ. 

Bản phác thảo này nằm trong sách chép tay Đại Tây Dương của Leonardo da Vinci, đây là cuốn bản thảo dày 1.286 trang và được phục hồi vào gần giữa thế kỉ XX.



Máy chạy

Tác phẩm “Frankenstein” (cuốn tiểu thuyết kể về một thí nghiệm sai lầm khi tạo ra cuộc sống nhân tạo, và kết quả là đã tạo ra một con quái vật) của Mary Shelley và xe đạp có điểm gì chung? Câu trả lời là cả hai đều sinh ra vào thời điểm xảy ra vụ phun trào của núi lửa Tambora ở In-đô-nê-xi-a vào năm 1815 - một trong những thảm họa tự nhiên lớn nhất trong lịch sử. 

Baron Karl von Drais là người phát minh ra phiên bản đầu tiên của xe đạp tại Đức vào năm 1817 với mong muốn sẽ dùng chiếc xe này để thay thế cho việc di chuyển bằng xe ngựa kéo. Vì sao vậy?

Bạn biết không, năm 1816 tại Đức quả thực là một năm không có mùa hè. Năm đó, các vụ phun trào của núi lửa Tambora đã đem hàng tấn tro bụi vào trong bầu khí quyển; điều kiện thời tiết bất thường; mùa màng thất bát cùng với nạn đói lan rộng còn động vật thì kiệt sức. Trước tình hình đó, Von Drais đã chế tạo thành công một phương tiện có thể thay thế ngựa giúp ông đi lang thang khắp nơi.

Von Drais đã gọi nó là “máy chạy” bởi vì, không giống như xe đạp ngày nay, “máy chạy” này không có bàn đạp và người lái chiếc xe này vẫn phải chạy để đẩy hai bánh xe di chuyển. Năm 1818, ông được cấp bằng sáng chế thiết kế và chiếc xe này có biệt danh là “con ngựa duyên dáng”.



Xe goòng

Bằng sáng chế đầu tiên cho xe đạp hiện đại tại Mỹ đã được trao cho Pierre Lallement vào ngày 20 tháng 11 năm 1866. Chiếc xe đạp hiện đại khi ấy có cả bàn đạp và thiết bị lái bằng điện. Pierre Lallement gọi phát minh của mình là xe goòng (theo nghĩa tiếng Anh, có nghĩa là “nhanh chân”)

Nhưng danh tiếng của Lallement đã bị hoen ố bởi ông chủ thuê người Paris - người đã thuê Lallement làm việc trong thời gian trước đó. Ông tố cáo rằng Lalement đã đánh cắp ý tưởng và đòi bồi thường. Quả thực sự thật đúng là như vậy; tuy nhiên, Lallement và Ernest Michaux (con trai của ông) đã có công thêm vào ý tưởng đó bàn đạp và hệ thống quay để biến chiếc xe ấy trở thành một chiếc xe đạp thực thụ.



Kirkpatrick MacMillan, một thợ rèn người Scotland cũng được biết đến như là người đầu tiên thêm bàn đạp và lắp vành sắt cho bánh xe gỗ. Người ta còn kể rằng ông đã làm cho cỗ máy kì quặc của mình trở nên nổi tiếng sau khi đi trên chiếc xe này từ Scotland tới Glasgow - chặng đường dài 109km. Tuy nhiên, câu chuyện đó chỉ là bịa đặt.

Penni-Fađinh

Không lâu sau, các nhà sản xuất phát hiện ra rằng bánh xe lớn hơn thì sẽ đi nhanh hơn và cự ly bánh lăn trên mặt đất dài hơn. Bởi thế, các nhà sản xuất đã chế tạo ra chiếc xe có bánh trước to vĩ đại. Mặc dù vậy, bánh xe sau lại nhỏ hơn bánh xe trước rất nhiều. Sự khác biệt về kích thước giữa bánh trước và bánh sau khiến chiếc xe này có biệt danh “Penni-Fađinh” (lấy ý tưởng từ đồng tiền xu thời bấy giờ: đồng Fađinh có kích cỡ bằng 1/4 đồng Penni) - có hình dáng giống như chiếc xe đạp này vậy.


Chiếc xe có thiết kế khá nguy hiểm. Quả thực, không dễ dàng gì để leo lên và lái một chiếc xe như thế!

Xe đạp an toàn

Đây là chiếc xe gần nhất với xe đạp hiện đại của chúng ta, chiếc xe này có tên là “xe đạp an toàn” bởi lẽ nó hoạt động ít nguy hiểm hơn hẳn so với chiếc “xe đạp cổ” (bánh to bánh nhỏ Penni-Fađinh). Với chiếc xe này, các tay đua có thể chạm bàn chân xuống mặt đất và thậm chí nhảy ra khỏi chiếc xe mà không phải bay lên và không sợ gãy cổ.



J.K. Starley, một người đàn ông Anh đã phát minh ra “Rover”, một trong những chiếc xe đạp phổ biến nhất. Chiếc xe này có hai bánh xe cùng kích cỡ và có cả hệ thống dây xích. Lúc bấy giờ, người ta gọi thiết kế xe này của ông là “khung kim cương”. Chiếc xe đạp này an toàn hơn; bởi thế, nó quan trọng và phổ biến hơn. Một thời gian sau đó, chiếc xe này còn có lốp cao su bơm hơi giúp xe đi êm hơn rất nhiều.

Cuộc đua xe đạp ở Pháp

Cuộc đua xe đạp nổi tiếng nhất mọi thời đại diễn ra vào ngày mùng 1 tháng 7 năm 1903. Theo trang web của Tour de France, cuộc đua này là ý tưởng của Geo Lefevre, một nhà báo ở tạp chí Auto L' và biên tập viên của ông.

60 người tham dự cuộc đua sẽ phải trải qua một chuyến đi dài 2.500 km trên khắp nước Pháp. Kết quả là chỉ có 21 người hoàn thành cuộc đua và người chiến thắng là Maurice Garin.


Bức ảnh này là từ cuộc đua Tour de France năm 1935, các tay đua đang chụp hình với xe đạp của họ.

Xe đạp thời tương lai

Cho đến nay, các nhà phát minh vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo và ấp ủ ý tưởng về những chiếc xe đạp của tương lai.



Trong tương lai xe đạp sẽ như thế nào nhỉ? Theo mình thì chắc hẳn nó sẽ hiện đại, tiện lợi và có công nghệ cao hơn nhiều đấy. Bạn biết không, iBike, loại xe đạp mà Apple đã đăng ký bản quyền sáng chế trong thời gian gần đây được chế tạo bằng kim loại lỏng (kỹ thuật được dùng trong các sản phẩm cao cấp của Apple) và bạn có thể dùng iPod hay iPhone để kiểm soát các dữ liệu về người lái xe. Chiếc xe này còn có tích hợp WiFi và hỗ trợ điều khiển bằng giọng nói nữa đấy!