Giải mã "bác học Vitamin C" và Freddie Mecury qua Google

Hồng Phượng, Theo 10:19 16/09/2011

Các bạn có để ý trên Google từ đầu tháng có gì hay ho không?

Nhà bác học đầu tiên tìm ra Vitamin C


Ắt hẳn các bạn sẽ rất ngạc nhiên khi truy cập vào Google hôm nay khi hình ảnh về hai quả cam “to oạch” xuất hiện chính giữa màn hình. Tại sao lại thế nhỉ? Đừng đi đâu cả, hãy ngồi yên trên ghế vì chúng tớ đã có trong tay câu trả lời cho các bạn rồi! 

Đó chính là truyền thống tưởng nhớ các danh nhân thế giới của “người khổng lồ tìm kiếm” thông qua logo website. Và nhân vật được vinh danh hôm nay là nhà bác học Albert Szent Györgyi, người đầu tiên tìm ra Vitamin C. Ông cũng chính là người đã tìm ra các thành phần và phản ứng của acid citric - một chất bảo quản tự nhiên và cũng được sử dụng để bổ sung vị chua cho thực phẩm hay các loại nước ngọt.
Logo tưởng nhớ sinh nhật lần thứ 118 của nhà bác học lỗi lạc.
 
Nhà bác học lỗi lạc này có tên đầy đủ rất dài: Albert von Szent-Györgyi de Nagyrápolt. Ông sinh ngày 16/9/1893 và mất ngày 22/10/1986. Ông đã đem lại vinh quang cho nền khoa học Hungary khi đạt giải Nobel Sinh học năm 1937.

Ông sinh ra tại thủ đô Budapest (Hungary). Cha của ông là một địa chủ giàu có trong khi mẹ ông lại sinh trưởng trong gia đình hiếu học, có hai người em đều là giáo sư bộ môn Giải phẫu học tại trường Đại học Eötvös Loránd. Chính những điều kiện này đã giúp cậu bé Albert có nhiều cơ hội được tiếp xúc với khoa học ngay từ nhỏ, nuôi dưỡng tình yêu với nó cho đến khi trở thành một nhà bác học lỗi lạc.

Chân dung nhà bác học Albert Szent Györgyi.
 
Không chỉ có vậy, Albert còn được đánh giá là một tài năng âm nhạc khi chơi piano rất cừ. Chính tiếng đàn piano đã giúp ông giải tỏa căng thẳng sau những giờ nghiên cứu miệt mài.
 
Năm 1911, Albert bắt đầu theo học tại trường Đại học Semelweis nhưng nhanh chóng cảm thấy chán nản với trường lớp. Ông bắt đầu những nghiên cứu của mình trong phòng thí nghiệm của người cậu ruột. Tuy nhiên, công trình và việc học hành của Albert bị gián đoạn bởi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Ông phải tòng quân năm 1914 và được trở về nhà năm 1916 do bị địch bắn bị thương ở vai trong một chiến dịch. Năm 1917, ông kết thúc việc học ở trường.
 
Mặc dù không có nhiều tình cảm cho việc trường lớp nhưng ông lại hiến dâng cả trái tim của mình cho khoa học.
 
Năm 1927, ông nhận tấm bằng tiến sĩ của trường Đại học Cambridge nhờ công trình nghiên cứu các chất hóa học có trong quá trình hô hấp của tế bào. Đây là một kết quả xứng đáng so với công sức mà ông bỏ ra trong thời gian trước đó.
 
Năm 1930, ông và đồng nghiệp phát hiện acid Hexuronic thực chất là Vitamin C và chiết suất loại sinh tố quý này thành công từ rau cải. Năm 1937, ông nhận giải Nobel danh giá vì những đóng góp của mình cho sự phát triển của khoa học Thế giới.
 
Ngay cả khi đã có tuổi, nhà bác học của chúng ta vẫn miệt mài công việc nghiên cứu.
 
Có thể nói rằng, việc tìm ra Vitamin C là một bước tiến rất vĩ đại của khoa học bởi nó đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống con người. Việc thiếu hụt Vitamin C sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả như chảy máu nướu răng, chậm lành vết thương, các vết thâm tím rộng trên da (mảng xuất huyết dưới da, dân gian thường gọi là “vết ma cắn”). Thêm vào đó là các vết thương hở rất dễ bị nhiễm trùng, động kinh hoặc trầm cảm.
 
Đài tưởng niệm ông tại quê nhà.
 
Tóm lại, phát hiện của nhà bác học Albert Szent Györgyi đã tạo đà cho các nghiên cứu nhằm đem đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người. Vì những đóng góp to lớn đó, giờ đây có lẽ các bạn đã hiểu vì sao ông xứng đáng được vinh danh trên logo của Google rồi chứ?
 

Huyền thoại nhạc rock Freddie Mecury

 
Trước "nhà bác học tìm ra Vitamin C", ngày 5/9, một nhân vật vô cùng quan trọng khác cũng được tưởng nhớ trên Google, đó là: Freddie Mercury.
 
Có thể, đối với các bạn, cái tên này hoàn toàn xa lạ nhưng thực tế, ông lại là một trong những cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong làng âm nhạc Thế giới.
 
Logo tưởng nhớ sinh nhật lần thứ 55 của huyền thoại nhạc Rock người Anh.
 
Freddie Mercury sinh ngày 5/9/1946, mất ngày 24/11/1991. Ông được biết đến với tư cách ở cương vị ca sĩ hát chính của nhóm nhạc rock huyền thoại – Queen. Nhờ giọng hát xuất sắc cùng cách biểu diễn sôi động có phần hơi phô trương, Freddie sở hữu lượng fan hâm mộ vô cùng đông đảo. Không những thế, ông còn trực tiếp sáng tác rất nhiều hit bất hủ của nhóm như “Bohemian Rhapsody", "Killer Queen", “We will rock you”, "Somebody to Love", "We Are the Champions hay Crazy Little Thing Called Love.

Huyền thoại Freddie Mercury qua đời ở tuổi còn rất trẻ.
 
Ông sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ và được báo chí nhắc đến như “siêu sao nhạc Rock gốc Á đầu tiên của Anh”. Tuy nhiên, “chữ tài đi với chữ tai một vần”, ông từ giã Thế giới ở tuổi 45 do bệnh viêm phế quản vốn gây ra bởi HIV/AIDS. Điều đáng nói ở chỗ Freddie qua đời chỉ một ngày sau khi công chúng biết anh mắc chứng bệnh trên.
 
Ông là ca sĩ có khả năng thiên bẩm về làm chủ sân khấu.
 
Giới báo chí đã tốn biết bao giấy mực để viết về Freddie Mercury, đặc biệt là về giới tính không rõ ràng của ông. Theo một số tờ báo, ông là người lưỡng tính (thích cả nam lẫn nữ) nhưng số khác lại cho rằng ông là “gay chính hiệu” và không ngần ngại thể hiện điều đó.
 
Freddie cùng ảnh chụp các thành viên nhóm nhạc Queen.

Đáp trả cho điều đó, huyền thoại này đáp trả như sau: “Tôi là chính tôi. Có vấn đề gì ở đây nhỉ?”. Và câu nói nổi tiếng nhất của ông về giới tính của mình là: “Tôi gay như một bông hoa thủy tiên”, ngụ ý sự tự hào về bản thân mình mà không mảy may người khác nghĩ sao. Câu nói này đã để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm về một Freddie Mercury “không - lẫn – vào – đâu – được” trong lòng khán giả qua nhiều thập kỷ.
 
Tượng đồng mô phỏng lại dáng biểu diễn huyền thoại của ông.
 
Để tưởng nhớ nhân vật huyền thoại này, “gã khổng lồ tìm kiếm” không chỉ dành tặng ông một logo trên trang chủ của hãng mà thêm vào đó, họ còn chế tác lại nhạc phẩm “Don’t stop me now” với phong cách rất… Freddie. Mời các bạn thưởng thức!
 
Tác phẩm "Don’t stop me now" qua minh họa của Google.
 
Và dĩ nhiên là chúng ta cũng không thể quên những ca khúc bất hủ do Freddie trình bày rồi!
 
Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của Queen - "Somebody to love". Các bạn biết không, các ngôi sao series phim âm nhạc truyền hình nổi tiếng Glee cũng hát thể hiện lại ca khúc này trong season 1 đấy!

Máu lửa cùng "We will rock you" và "We are the champions". Các ca khúc này rất hay được bật trong các sự kiện thi đấu thể thao. Có lẽ, các bạn nam hay xem bóng đá thì sẽ dễ nhận ra tác phẩm này hơn.
 
 
Và quả thật là thiếu sót nếu không nhắc đến “Bohemian Rhapsody" khi nói đến Queen.