"Giải oan" cho sự ngu ngốc và cứng đầu của loài lừa

A, Theo Mask Online 10:43 16/05/2012

Cùng các cập nhật: Vinasat-2 mang "cờ đỏ, sao vàng" đã lên quỹ đạo, quạ có thể nhận biết tiếng nói con người.


"Giải oan" cho sự ngu ngốc và cứng đầu của loài lừa


Khi trả lời câu hỏi lừa là loài cứng đầu hay thông minh, chuyên gia Ben Hart cho rằng, loài vật này đã bị hiểu nhầm và mang tiếng oan.

Đây không chỉ là "dăm chuyện phải trái trên bàn nhậu" mà là nội dung cuộc hội thảo của Khoa Nghiên cứu Đông phương học và châu Phi, thuộc Đại học London cuối tuần trước. Với chủ đề "Văn hóa lừa và la trên thế giới", hội thảo này thu hút sự chú ý của đông đảo các chuyên gia hàng đầu không chỉ trong lĩnh vực sinh học.



Khi trả lời câu hỏi lừa là loài cứng đầu hay thông minh, chuyên gia Ben Hart đến từ một khu bảo tồn lừa cho rằng: lịch sử tiến hóa của lừa và la đã dẫn tới các hành vi trong đó dễ bị hiểu nhầm và góp phần vào định kiến rằng chúng rất khó bảo. Đó là do việc con người sử dụng lừa, la vào mục đích thồ hàng nặng trong khi bản năng tự nhiên của hai loài này chưa thể điều chỉnh phù hợp, kể cả khi đã thuần hóa. Việc "nổi loạn" thường xuyên của những con lừa khi đang thồ hàng khiến những chủ nhân ngàn đời của nó truyền miệng về sự ngu ngốc của nó.

Lừa và la đã được gắn với "cứng đầu" từ thời gian trước Công nguyên qua câu thành ngữ "Ngu, hèn hạ và cứng đầu như lừa" của người Hy Lạp cổ đại. Cũng theo các chuyên gia, la - sản phẩm lai tạo giữa ngựa đực và lừa cái có xu hướng hành xử theo loài ngựa nhưng nhiều khi lại ngược với thông thường vì hai loài này được gọi là "những con ngựa nhỏ có cái tai to".

(Nguồn tham khảo: Livescience)

Quạ có thể nhận biết tiếng nói con người


Theo một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học thuộc Đại học Vienna cho biết, quạ có thể học cách nhận ra tiếng người quen thuộc và tiếng kêu của những con chim quen thuộc khác loài.

Nhóm nghiên cứu cho biết, phát hiện của họ cho thấy khả năng trên có thể giúp quạ “sống khỏe” ở những môi trường đô thị, sử dụng những tín hiệu thanh âm của các “hàng xóm” người và chim để tìm thức ăn hoặc cảnh giác với những hiểm họa tiềm tàng.

“Ở các thành phố, quạ sống cùng với nhồng, ác là, hải âu, và con người. Một số người có thể rất tốt với quạ, cho chúng ăn, còn số khác có thể cảm thấy kinh tởm và đuổi chúng đi”, chuyên gia nghiên cứu Claudia Wascher nói.



Các nhà khoa học đã sử dụng các đoạn ghi âm tiếng nói con người và tiếng kêu của nhồng để kiểm tra phản ứng của 8 con quạ ở chuồng chim của Đại học Vienna. Họ ghi âm tiếng nói của 5 người cho quạ ăn mỗi ngày và 5 người khác “chưa bao giờ nhìn thấy chúng”. Khi các đoạn ghi âm được mở cho các con quạ nghe, chúng phản ứng nhiều hơn khi nghe những tiếng nói không quen thuộc, nhìn lên và quay về hướng âm thanh.

“Do con người có thể là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với quạ, nên nếu chúng nghe người lạ nói, chúng phải cảnh giác”, bà Wascher nói. Theo bà, dù quạ là một loài vật rất thông minh, phần lớn các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào khả năng chúng nhận biết và giao tiếp với đồng loại.

(Nguồn tham khảo: BBC/Khoahoc)

Vinasat-2 mang "cờ đỏ, sao vàng" đã lên quỹ đạo


5h49' sáng nay (16/5), tên lửa Ariane 5 đã hoàn tất quá trình đưa 2 vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam và JCSAT-13 của Nhật Bản lên quỹ đạo, từ bãi phóng Kourou (Guyana).

Tên lửa Ariane 5 đưa 2 vệ tinh rời mặt đất.

Hành trình kéo dài 36 phút của Ariane 5 và 2 vệ tinh kết thúc thành công vào lúc 5h49' sau khi Vinasat-2 (mang hình ảnh cờ đỏ, sao vàng) được tách khỏi tên lửa đẩy và tiến chính xác vào vị trí 131,8 độ Đông trên quỹ đạo. Trước đó, với sự hỗ trợ của 2 tên lửa phụ, Ariane 5 đã rời khỏi mặt đất lúc 5h13'.

Khi phóng lên quỹ đạo, vệ tinh Vinasat-2 tiếp tục đảm bảo cung cấp các dịch vụ truyền hình, truyền dữ liệu, truyền dẫn thoại và Internet với chất lượng dịch vụ tốt, phục vụ thiết thực cho các yêu cầu công ích, phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc/ICTPress)