Loài bò sát "đặc sản" mang tên nhà khoa học Việt Nam

Cá Thu, Theo 14:00 17/01/2012

Loài này có tên khoa học là Leiolepis ngovantrii - được đặt theo tên nhà khoa học Ngô Văn Trí đấy các bạn ạ!

Khách du lịch đến với vùng đồng bằng sông Mê Kông từ lâu đã có cơ hội được thưởng thức một món “đặc sản” - đó là một loài nhông cát đặc hữu. Tuy nhiên, ít người biết rằng, món ăn tồn tại trong thực đơn của các quán nhậu đến hàng thập kỷ ấy là một loài bò sát chỉ mới được nhận dạng và ghi lại trong các báo cáo khoa học trong năm vừa qua.

Loài nhông này được phát hiện bởi Ngô Văn Trí (một nhà khoa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khi ông có dịp đến Bà Rịa - Vũng Tàu.


Nhận thấy đây là con vật lạ, nhà khoa học này đã chụp ảnh và gửi cho Lee Grismer, nhà nghiên cứu động vật bò sát thuộc Đại học La Sierra (Mỹ) để ông cùng nghiên cứu.

Bằng các biện pháp nghiên cứu khoa học, loài nhông này được xác định thuộc họ thằn lằn Leilopis, được tìm thấy nhiều ở vùng Đông Nam Á, trong lãnh thổ các quốc gia như Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Ngoài ra, chúng còn sinh sống ở phía Nam Trung Quốc, Indonesia và Malaysia.

Hình ảnh loài nhông Leiolepis ngovantrii.


Loài nhông này có kích cỡ tương đối nhỏ, chiều dài đầu và thân mình khoảng 11,5cm. Chúng sở hữu màu sắc cơ thể đẹp, trên lưng là những đốm nâu trắng nhạt hình mắt lưới, nhỏ dần về phía đuôi cùng với các sọc vàng bên cạnh thân. Màu sắc này giúp chúng ngụy trang tránh kẻ thù tốt hơn khi ở trong rừng.

Nó sống hầu hết ở khu vực ven biển, các khu có rừng tràm, nơi chúng có thể xây dựng được những hang, hốc trong đất cát. Chính vì thế mà chúng được đặt cái tên là nhông cát. Những chú nhông này hoạt động nhiều nhất trong suốt thời gian vào buổi sáng và sẽ rút lui vào trong hang khi nắng lên tới đỉnh đầu. 


Khi phân tích DNA, điều khiến các nhà khoa học quan tâm ở loài nhông này là hầu hết số nhông trong quần thể đều là con cái. Điều đặc biệt hơn là việc những chú nhông cát này sinh sản theo hình thức sinh sản vô tính, vốn chỉ thấy ở các loài sinh vật nguyên sinh đơn bào hay một số thực vật và nấm. Bên cạnh đó, chỉ có một số trường hợp hiếm hoi các loài động vật khác sinh sản không cần thụ tinh như rồng Komodo, một vài loài cá mập và một vài loài thằn lằn. Bởi số con nhông cái trong quần thể chiếm ưu thế nên chỉ cần có một cá thể cái là có thể duy trì giống nòi, các cá thể con sinh ra sẽ mang bộ gen giống hệt cá thể mẹ.

Hình ảnh rồng Komodo - một trong số những loài động vật khác sinh sản không cần thụ tinh.

Một vài giả thiết đưa ra cho rằng, sinh sản vô tính ở động vật đa bào có thể mang đến thuận lợi lớn cho sự phát triển của quần thể (trong điều kiện môi trường ổn định), đồng thời duy trì mức độ biến dị qua quá trình đột biến ngẫu nhiên. 

Loài nhông cát này là một trong bốn loài nhông cát đặc hữu đã được phát hiện tại Việt Nam. Với tình trạng hiện hữu thường xuyên trong thực đơn của các nhà hàng như vậy, chúng rất cần được đưa vào Sách đỏ để bảo vệ trước khi tuyệt chủng.