Ngỡ ngàng lễ hội đào mộ, nhảy múa với… xác chết

Lê Giang, Theo Mask Online 00:01 17/05/2012

Họ đào mộ của ông bà tổ tiên lên, lấy xác chết hoặc xương quấn vào một tấm vải rồi tất cả cùng ôm lấy xác chết giơ cao lên trời và nhảy múa, hát hò.

Madagascar là một quốc đảo nằm ở Ấn Độ Dương ngoài khơi phía Đông châu Phi. Cư dân ở đây có một lễ hội quái dị đến rợn người nhằm... thắt chặt tình thân trong gia đình được gọi là Famadihana. Họ đào mộ của ông bà tổ tiên lên, lấy xác chết hoặc xương quấn vào một tấm vải rồi tất cả cùng ôm lấy xác chết giơ cao lên trời và nhảy múa hát hò.

Nghi lễ này được truyền từ đời này sang đời khác, gọi dân dã là "lễ thay xương". Có người cho rằng, nguồn gốc của nghi lễ này bắt nguồn từ Đông Nam Á, giống như lễ cải táng.


Nghi lễ này được tổ chức đều đặn bảy năm một lần, khi đó, những ngôi mộ của gia đình được đào lên, thi thể người quá cố sẽ được thay quần áo mới. Sau đó, đại gia đình bắt đầu nhảy múa cùng người đã khuất trong niềm hân hoan, hứng khởi.


Ban nhạc được sắp xếp để biểu diễn ngay tại nơi mọi người cùng nhảy múa. Gia đình giết mổ rất nhiều gia súc để chiêu đãi khách tới dự. Các trưởng lão trong làng giải thích cho con cháu của mình về tầm quan trọng của thi thể những người đang nằm bất động ngay trước mặt họ.


Lễ Famadihana được xem là dịp để người trần thể hiện tình yêu thương với người thân đã quá cố. Các gia đình quây quần, tụ họp để tưởng nhớ người đã khuất và thắt chặt thêm tình cảm gia đình.


Theo tín ngưỡng của người Madagascar, người không phải sinh ra từ cát bụi, mà là từ máu thịt của tổ tiên. Do đó, họ rất tôn thờ những bậc tiền bối.


Cư dân đảo quốc Madagascar cũng tin rằng, ngay cả khi xác thịt đã bị phân hủy hoàn toàn, người chết vẫn chưa biến mất vĩnh viễn mà vẫn hiện diện đâu đó để giao tiếp với người đang sống. Vì vậy, cho đến khi người đã khuất hóa thành xương cốt, họ vẫn được các thành viên gia đình quan tâm và yêu thương trong các lễ hội Famadihana.


Vào dịp này, tất cả mọi người đều tham gia vui vẻ và nhiệt tình. Khi người chết được đưa lên khỏi mộ, không ai được khóc, chỉ có tiếng đàn và nhạc vang lên, mọi người cùng nhau nhảy múa trong niềm hân hoan cùng các xác chết.


Điều thú vị hơn, Famadihana không phải là tục lệ có nguồn gốc từ xa xưa, mà lễ hội này chỉ mới xuất hiện và phổ biến từ thế kỷ 17. Ngày nay, để tiến hành nghi lễ Famadihana, người ta phải chuẩn bị một khoản tiền khá lớn cho những món ăn cầu kỳ để chiêu đãi khách cũng như quần áo mới cho cả người sống và thi hài người chết.


Một số người nghèo không đủ tiền để xây đắp mộ tổ, họ phải tiết kiệm trong rất nhiều năm mới có thể xây dựng và tổ chức nghi thức Famadihana. Theo truyền thống, gia đình nào không tổ chức nghi lễ Famadihana khi có đủ điều kiện kinh tế đều bị cho là mắc tội nghiêm trọng.


Sau khi các thi thể được thay quần áo mới và nhảy múa với người thân, họ phải trở lại ngôi nhà của mình - hầm mộ trước khi Mặt trời lặn. Những xác chết này có thể được xịt nước hoa trước khi được quay trở lại “giường đá” của họ cùng với các món quà như hoa, rượu, thậm chí cả tiền bạc. Khi các cánh cửa của ngôi mộ được niêm phong, các gia đình có thể yên tâm trở về nhà vì biết rằng, họ đã dâng đủ lễ vật, lòng thành kính, sự biết ơn sâu sắc với người quá cố.


Một khoảng lặng với người đã chết. Những người dân ở Madagascar cho rằng, chết không phải là đã kết thúc. Những người đã khuất sẽ còn sống mãi, nhìn xuống trần gian để hướng dẫn, giúp đỡ con cháu có cuộc sống an lành.


Hình ảnh người phụ nữ giữ bức chân dung của một trong những người thân quá cố của mình, được cử hành nghi lễ Famadihana hôm tới.


Hiện nay, một số người cho rằng tập tục này có phần hơi lãng phí bởi việc tổ chức lễ hội Famadihana là khá tốn kém. Họ tin rằng, thay vì tiêu tiền vì người chết thì hãy dùng nó để chi tiêu cho cuộc sống hiện tại.


Tuy nhiên, ông Rakotonarivo Henri (55 tuổi) - một nông dân cho biết: “Chúng ta nợ tổ tiên mọi thứ, vì vậy đây là dịp để chúng ta nói lời cảm ơn. Trong dịp này, tôi cầu mong sức khỏe, tiền tài cho gia đình”. Không tổ chức lễ Famadihana sẽ bị coi là báng bổ tổ tiên, do đó mà nhiều gia đình có thể tập trung lại và tổ chức cùng lúc với nhau để tiết kiệm chi phí.


Anh Jean Ratovoherison (30 tuổi) làm quản lý một hãng công nghệ lại có quan điểm khác: “Tôi không tin người chết có thể giao tiếp được với người sống nhưng tôi tin rằng lễ hội Famadihana giúp chúng tôi thắt chặt tình cảm gia đình qua các thế hệ”.



Có nhiều ý kiến mâu thuẫn và quan điểm trái chiều nhau. Tuy nhiên, người dân Madagascar vẫn tổ chức lễ hội với tất cả niềm tin của mình.


Cùng nhảy múa với người dân Madagasca để hiểu hơn về tập tục kỳ lạ này của họ qua clip dưới đây: