Những vụ phun trào núi lửa kèm sét "hoành tráng" nhất

Hương Ú, Theo 09:58 13/02/2011

Núi lửa phun trào bình thường thôi đã ghê gớm lắm rồi nhưng có nhiều trường hợp còn thêm vào "phụ gia" sét điện cực ấn tượng. <img src='/Images/EmoticonOng/02.png'>

Hình dung của bạn về một đợt phun trào núi lửa là như thế nào : những dòng dung nham nóng đỏ sôi sục, khói bụi tro mịt mù che phủ cả khoảng trời và những tiếng nổ đinh tai nhức óc.
 
Nay bạn có thể thêm vào hình ảnh đó những tia sét núi lửa rạch ngang bầu trời, góp phần vào quang cảnh kỳ vĩ, đầy ấn tượng của hiện tượng tự nhiên này.
 
 
Các nhà nghiên cứu về hiện tượng núi lửa vẫn chưa biết được chính xác sét núi lửa được tạo ra như thế nào do việc khó khăn trong việc cài đặt những bộ cảm biến trong một môi trường bất ổn như núi lửa, tuy nhiên người ta cho rằng đó là những tĩnh điện được tích lại dần trong những đám mây tro bụi, đến một mức nhất định sẽ phóng ra dưới dạng tia sét như chúng ta đã thấy.
 
Núi lửa Chaitén (Chile)
 
 
Vào ngày 2 tháng 5 năm 2008, núi lửa Chaitén ở Chile đã “tỉnh giấc” sau một giấc ngủ dài 9.500 năm. Nó đã phun một đợt mây tro bụi khổng lồ cao tới 30.000 m, che mờ cả một khoảng trời vốn đang quang đãng tại Andean. Nhìn từ khoảng không, những đám mây này bị gió thổi dạt về phía Đông Nam tràn qua cả lãnh thổ nước láng giềng Argentina và cuối cùng tiêu tan trên vùng biển Nam Đại Tây Dương.
 
 
Vụ phun trào núi lửa này thực sự chưa phải “khủng khiếp” lắm như nhiều vụ đã được ghi nhận trước đó, tuy nhiên màn phóng tia sét lửa làm quang cảnh trở nên thực sự ấn tượng.
 
Núi lửa Eyjafjallajökull (Iceland)
 
 
Vào ngày 20 tháng 3 năm 2010, núi lửa Eyjafjallajokull bắt đầu hoạt động trở lại sau lần phun trào đầu tiên vào năm 1823, đem đến cho các nhiếp ảnh gia một cơ hội tuyệt vời để ghi lại những cảnh ngoạn mục của sét núi lửa.
 
 
Đợt phun trào của Eyjafjallajökull chủ yếu là tro bụi với một số ít những dòng chảy dung nham. Trong quang cảnh mịt mù, tối tăm do những đám mây tro khổng lồ đã che phủ toàn bộ khu vực ở miền Nam Iceland, những tia sét núi lửa lóe sáng rực rỡ trong bóng tối trông thực sự nổi bật.
 
 
Núi lửa Vesuvius (Ý)
 
 
Ngọn núi Vesuvius, nằm ở phía Đông Naples, Ý là một trong những ngọn núi lửa nổi tiếng nhất và cũng nguy hiểm nhất của thế giới. Sau những đợt phun trào khủng khiếp chôn vùi 2 thành phố Pompeii và Herculeneum, người ta ghi nhận hàng chục đợt phun trao khác của ngọn núi này và gần đây nhất là vào mùa xuân năm 1944 khi hàng chục máy bay ném bom của Mỹ đã bị hư hại hoặc bị phá hủy bởi tro bụi và đá nung đỏ phun ra từ đây.
 
 
Những đợt phun trào của Vesuvius lặp lại theo một quy luật với 8 đợt xảy ra vào thế kỉ 19 và 3 đợt nối tiếp trong thế kỉ 20. Đáng lo ngại hơn là với một thời gian “ngủ yên” lâu dài như hiện nay, nó có thể dẫn tới một đợt phun trào khủng khiếp hơn rất nhiều lần, gây đe dọa tính mạng cho hàng triệu người đang sống trong phạm vi gần miệng núi lửa.
 
Núi Sakurajima (Nhật Bản)
 
 
Sakurajima là một núi lửa phức hợp với ba đỉnh núi nằm ở vịnh Kagoshima, ngay phía Nam của thành phố Kagoshima Nhật Bản. Vốn trước đây là một hòn đảo, đợt phun trào của ngọn núi này vào năm 1914 đã tạo ra những dòng dung nham khủng khiếp kéo dài trong nhiều tháng, cuối cùng đã nối liền hòn đảo này với đất liền.
 
Vào năm 1955, Sakurajima bước vào thời kì hoạt động liên tục và vào năm 2010 nó ghi dấu một đợt phun trào khủng khiếp với hàng trăm những viên đá nung đỏ rực bắn lên trời ở độ cao hàng nghìn m kèm theo những tia sét lóe sáng rực cả một góc trời.
 
 
Sakurajima phát sinh từ các bồn chứa magma khổng lồ, gây nên một vụ phun trào với qui mô vô cùng lớn cách đây 22.000 năm trước, hình thành miệng núi lửa Aira mở rộng gần 23 km. Nếu xảy ra một vụ phun trào với qui mô tương tự như vậy ngày nay thì thiệt hại về người và của là không thể đo đếm được.
 
Núi lửa Tavurvur (Papua New Guinea)
 
 
Tavurvur là một trong những núi lửa đang hoạt động tại miệng núi lửa Rabaul của New Britain, một hòn đảo có hình lưỡi liềm ngay phía Đông của Papua New Guinea. Năm 1994, Tavurvur và Vulcan đã phun trào cùng lúc làm 5 người thiệt mạng trong đó có một người bị sét núi lửa đánh trúng.
 
 
Núi lửa Tarvurvur ít được biết đến do vị trí cô lập của nó nhưng những đợt phun trào của nó thì thực sự khủng khiếp. Năm 1937, vụ phun trào cùng lúc của Tarvurvur và Vulcan đã giết chết hơn 500 người trong khi vụ phun trào năm 2006 bắt đầu với việc làm bắn tung các cửa sổ ra xa hơn 7.45 m. Đợt phun trào gần đây nhất của Tarvuvur là vào tháng 1/2009 và người ta chưa dự đoán được thời điểm nào nó sẽ lại tiếp tục bùng phát.
 
Núi Redoubt (Alaska, Mỹ)
 
 
Núi Redount cao 2.700 m, nằm khoảng 180 km về phía Tây Nam của Anchorage, Alaska là một dạng núi lửa chứa những lớp nham thạch lẫn với bụi, rất dễ xảy ra những vụ phun trào dữ dội. Núi lửa Redoubt đã hoạt động được hàng nghìn năm và đã có bốn lần phun trào trong thế kỉ 20, lần gần đây nhất là vào đầu năm 2009.
 
 
Một đoàn thám hiểm với mục đích giải mã những bí ẩn về sét núi lửa đã lên kế hoạch tiếp cận núi lửa Redoubt khi nó có một màn trình diễn âm thanh và ánh sáng ngoạn mục vào tháng 3/2009. Theo như lời một nhà nghiên cứu trong đoàn “ Tính hoạt động của sét ở đây còn mạnh hơn so với những cơn bão có kèm theo sét mà chúng tôi đã từng thấy.” Những tiếng ồn với tần số vô tuyến được tạo ra thì mạnh mẽ và liên tục, làm ngưng trệ mọi hoạt động của các đài truyền hình phát sóng gần đó.
 
Núi Shinmoedake (Nhật Bản)
 
 
Núi lửa Shimmoedake, một phần của dãy núi lửa Kirishima ở Tây Nam Nhật Bản, bắt đầu phun trào vào cuối tháng Giêng năm 2011. Vụ phun trào mới nhất và cũng là lớn nhất là vào năm 1959, được đánh giá là vụ phun trào lớn thứ ba trong thế kỉ. Những đám mây tro bụi khổng lồ làm đen kịt cả bầu trời, tô điểm thêm cho quang cảnh đó là những tia sét rực rỡ màu trắng xanh.
 
 
Một điều làm cho nơi này càng trở nên nổi tiếng khi nó là nơi đặt trụ sở chính của SPECTRE trong bộ phim “ You only live twice” của James Bond vào năm 1967.