Phát hiện loài chim có họ hàng với khủng long

Lê Giang, Theo Mask Online 10:32 01/06/2012

Cùng các cập nhật: “Siêu núi lửa” hình thành nhanh hơn ta tưởng, áo phông có chức năng sạc điện thoại, giải mã sự sụp đổ của nền văn minh cổ đại đầu tiên...

Loài chim có họ hàng với khủng long


Phó giáo sư Arkhat Abzhanov - nhà sinh học tiến hóa và Tiến sĩ Bhart Anjan Bhullar đã tìm ra bằng chứng cho thấy, sự tiến hóa của loài chim chính là kết quả từ sự thay đổi mạnh mẽ trong quá trình phát triển loài khủng long. Theo đó, điểm khác biệt giữa hai loài chỉ là ở quá trình tiến hoá. Thay vì phải mất nhiều năm để đạt tới độ trưởng thành về mặt sinh lý giống như khủng long thì tiến độ phát triển ở các loài chim được đẩy nhanh hơn rất nhiều (thậm chí có loài chỉ cần 12 tuần).

Anchiornis Huxleyi - loài khủng long có họ hàng rất gần với loài chim. 

Abzhanov cho biết, “Bằng cách thay đổi cách thức sinh trưởng và phát triển, thiên nhiên đã tạo ra loài chim hiện đại - 1 sinh vật hoàn toàn mới với khoảng 10.000 loài ngày nay, dựa trên mô hình khủng long”.

Nhà cổ sinh vật học Mark Norell nói, “Bằng cách phân tích bằng chứng hóa thạch từ xương, trứng và mô mềm của những loài khủng long giống chim và các loài chim nguyên thủy từng được tìm thấy, chúng tôi còn nhận thấy sự tương đồng đặc biệt giữa chúng với loài khủng long ăn thịt Theropod”.

(Nguồn tham khảo: Discovery)

“Siêu núi lửa” hình thành
nhanh hơn ta tưởng


Theo kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ, những núi lửa lớn nhất trên Trái đất, hay còn gọi là “siêu núi lửa”, chỉ mất vài trăm năm để hình thành và phun trào chứ không phải hàng trăm nghìn năm như các nhà khoa học trước nay vẫn nghĩ. 

Một vụ "siêu phun trào" có thể gây ảnh hưởng tới khí hậu toàn cầu.

Những vụ "siêu phun trào" như vậy có thể sinh ra hàng ngàn kilômét khối đất, đá… nhiều gấp vài trăm lần so với các trận núi lửa được chứng kiến trong lịch sử nhân loại. Nó cũng có thể tạo ra lượng tro đủ để ảnh hưởng tới khí hậu toàn cầu trong nhiều năm. Vào thời điểm hiện tại, các nhà địa chất tin rằng, không có bể dung nham núi lửa khổng lồ nào trên Trái đất có nguy cơ phun trào.

(Nguồn tham khảo: Dailymail)

4 tỉ năm nữa sẽ xảy ra va chạm thiên hà


Theo Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA, thiên hà của chúng ta có thể sẽ va chạm với Andromeda, một thiên hà khác trong khoảng 4 tỉ năm nữa.



Các nhà khoa học cho biết Andromeda đang tiến về Trái đất với vận tốc 402.000 km/giờ. Tốc độ này đủ để đi từ Trái đất tới Mặt trăng trong 1 giờ.

(Nguồn tham khảo: Space)

Giải mã sự sụp đổ của nền văn minh
cổ đại đầu tiên


Các nhà khảo cổ học vừa giải mã được nguyên nhân sụp đổ của nền văn minh Indus (bao quát toàn bộ Ai Cập và Lưỡng Hà) - một trong những nền văn hóa đô thị lớn đầu tiên trên thế giới. Nền văn minh Indus đã bị lãng quên cho đến khi di tích được khai quật vào năm 1920. 

Sau một thời gian dài nghiên cứu, các nhà khảo cổ học tin rằng, sự biến đổi khí hậu đã xóa sổ nền văn minh Indus từng phát triển mạnh khoảng hơn 4.000 năm trước đây. 
 
Tàn tích của nền văn minh Indus.

Các con sông đem lại sự sống cho nền văn minh Indus, tuy nhiên, khi những cơn gió mùa gây mưa biến mất thì nền văn minh cổ đại này cũng biến mất theo. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lượng mưa giảm làm suy yếu các con sông, trong khi, nguồn nước sông lại đóng vai trò quyết định đến sự sống còn của nền văn hóa người Harappan - nhóm người chiếm 10% dân số thế giới thời cổ đại, tạo nên sự phát triển rực rỡ của nền văn minh Indus.

(Nguồn tham khảo: Livescience)

Áo phông có chức năng sạc điện thoại


Đại học South Carolina (Mỹ) đã phát triển thành công một công nghệ mới có khả năng chuyển hóa các hạt cotton thành chất dẫn điện linh hoạt. Như vậy, các loại áo phông bằng vải cotton có thể tích hợp thêm tính năng sạc điện thoại, rất tiện lợi cho người sử dụng.


Thử nghiệm cho thấy, hiệu suất hoạt động của sản phẩm ngang ngửa với những siêu tụ điện carbon trên thị trường. Sau 1.000 lần sạc, khả năng hồi lại của sản phẩm là 97,3%. Theo ước tính của nhà sản xuất, sử dụng sợi cotton trực tiếp từ các nhà máy dệt có chi phí rẻ hơn 10 lần so với quy trình xử lý hóa học than đá và dầu mỏ thành carbon hoạt hóa.   

(Nguồn tham khảo: Bee)