Phát hiện loài sứa bờm sư tử "phàm ăn"

Lê Giang, Theo Mask Online 10:36 19/09/2012

Cùng các cập nhật: Chặn thảm họa dầu tràn bằng nam châm, ngăn bong bóng thành hình khi nước sôi...

Phát hiện loài sứa bờm sư tử siêu "phàm ăn"


Trôi nổi giống như một loại trái cây khổng lồ ở các vùng biển băng giá của biển Trắng thuộc miền Bắc nước Nga, sứa bờm sư tử (tên khoa học Cyanea capillata) được cho là loài sứa lớn nhất thế giới. Chúng có thể phát triển cơ thể đến 70cm theo bề ngang và các xúc tu trong suốt của nó có thể kéo dài đến 15m.

phat-hien-loai-sua-bom-su-tu-pham-an

Sứa bờm sư tử sử dụng các xúc tu để tiêm chất độc vào con mồi và gây cho nạn nhân nỗi đau đớn nhưng không gây chết người. Chúng phàm ăn và đó là lý do tại sao cơ thể nó to lớn đến như thế. Đôi khi trong “dạ dày trôi nổi” của sứa bờm sư tử chứa cùng một lúc từ 5 đến 6 con sứa trăng đang cựa quậy trong tuyệt vọng.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Ban hành Nghị quyết chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật


Hội nghị Bảo tồn Toàn cầu do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN - International Union for Conservation of Nature) vừa thông qua Nghị quyết 027 kêu gọi toàn thế giới chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu.

phat-hien-loai-sua-bom-su-tu-pham-an

Nghị quyết kêu gọi các nước đóng cửa hoàn toàn cơ sở nuôi nhốt và chích hút mật gấu; ngăn chặn sự phát triển của hoạt động này tại Trung Quốc; những người ủng hộ hoạt động này sẽ phải có báo cáo khoa học chi tiết và giải trình tại Hội nghị tiếp theo của IUCN. 

Nghị quyết cũng đặc biệt khuyến khích Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục những nỗ lực ngăn chặn và chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu tại hai nước này thông qua việc nghiêm cấm tuyệt đối hoạt động chích hút mật gấu, phối hợp chặt chẽ với cộng đồng và các cơ quan chức năng liên quan khác để ngăn chặn và chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu một cách sớm nhất.

(Nguồn tham khảo: Datviet)

Phát hiện làm tiêu tan ước mơ mọc lại chi ở người


Đuôi mọc lại ở thằn lằn không phải là phiên bản hoàn hảo của chiếc đuôi ban đầu. Đây được coi là một phát hiện "phủ bóng đen" lên hy vọng tái mọc chi ở người.

phat-hien-loai-sua-bom-su-tu-pham-an
Đuôi mọc lại không linh hoạt bằng đuôi cũ.

Các nhà nghiên cứu ở ĐH Arizona (Mỹ) phát hiện những khác biệt chủ chốt về tổ chức và kết cấu khi so sánh giữa chiếc đuôi ban đầu và đuôi mọc lại ở thằn lằn cây Bắc Mỹ. 

Nhóm chuyên gia cho hay đuôi tái tạo đã được hỗ trợ bằng một ống sụn dài thay vì chuỗi đốt sống thật sự như ở chiếc đuôi gốc và giữa chúng cũng có những khác biệt về cơ. Điểm khác biệt chính trên cho thấy đuôi mọc lại không linh hoạt bằng đuôi ban đầu.

(Nguồn tham khảo: Newscientist)

Chặn thảm họa dầu tràn bằng nam châm


Các nhà khoa học tại Mỹ đã tìm ra phương pháp tách dầu khỏi nước bằng nam châm, một kỹ thuật đơn giản, nhanh chóng và tiết kiệm.

phat-hien-loai-sua-bom-su-tu-pham-an

Họ đã trộn các hạt nano kim loại màu không thấm nước với dầu. Khi đó, các hạt nano sẽ bám chặt vào các phân tử dầu và giúp máy móc tách chúng ra khỏi nước.

Shahriar Khushrushahi, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Nhờ nam châm, chúng ta có thể tách dầu ra khỏi nước rất nhanh vì lực hút từ tính mạnh hơn rất nhiều so với độ kết dính giữa nước và dầu. Chúng ta thực sự có thể thực hiện quá trình này nhanh hơn và liên tục mà không cần tốn công sức”.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Ngăn bong bóng thành hình khi nước sôi


Mới đây, các chuyên gia của ĐH Khoa học và Công nghệ vua Abdullah (Ả Rập Xê Út) đã phát minh một loại vật liệu nano mới có khả năng làm biến mất mọi bong bóng thường hình thành khi nước sôi.

Để hiểu được cơ chế hoạt động của vật liệu mới, cứ hình dung một cái chảo nóng. Khi bề mặt bắt đầu ấm lên, nước phủ lên nó sẽ tạo ra bong bóng, nhưng khi chảo nóng đủ, các giọt nước sẽ trải khắp mặt chảo nhằm tạo đệm nước trong lúc bốc hơi, gọi là hiệu ứng Leidenfrost.

phat-hien-loai-sua-bom-su-tu-pham-an

Lợi dụng hiệu ứng này, các chuyên gia tạo ra một bề mặt lởm chởm siêu chống nước làm từ hạt nano bao phủ bằng hợp chất hữu cơ kháng nước. Khi một que thép được phủ lớp vật liệu này bị nung nóng, một màng hơi nước sẽ bốc lên nhưng không bị sủi bọt.

Phát hiện này có thể mở ra các phương pháp mới nhằm ngăn chặn những vụ nổ nguy hiểm trong các nhà máy điện hạt nhân.

(Nguồn tham khảo: Nature)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày