Phát hiện người tiền sử cũng biết sử dụng giường

June, Theo 01:02 12/12/2011

Và còn thông tin về loại san hô sinh trưởng được trong "môi trường axít" nữa nhé!

Người tiền sử cũng biết sử dụng giường

Tuần qua, giới khoa học đã phát hiện ra chiếc giường được xem là cổ nhất thế giới với niên đại 77.000 tuổi tại một hang động ở Nam Phi.

Chiếc giường này được tết từ những cây lá thuốc, phủ lên trên là lớp lá cây và gia cố bằng các vật dụng tự chế khác. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, dựa trên lớp trầm tích dày 3m, đội khảo cổ phát hiện chiếc giường này có ít nhất 15 lớp “đệm lá”. Điều này cho thấy sự tiến bộ và sáng tạo của người tiền sử với mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống.




“Người tiền sử đã biết thu thập các loại cây dọc bờ sông uThongathi để trải sàn và làm ra những chiếc giường đầu tiên” – trích lời nhà nghiên cứu Lyn Wadley thuộc Đại học Witwatersrand, Nam Phi. Trước đây, chiếc chăn cổ nhất thế giới được phát hiện ra có niên đại 50.000 tuổi, được xem là một dạng giường thời tiền sử. Với phát hiện này, các nhà khoa học sẽ có thêm thông tin về cuộc sống trước kia của con người.

Tàn tích cho thấy người tiền sử đã sử dụng loại cây thuốc có tên khoa học là Cryptocarya. Đây là loại cây có thể chế thành thuốc đuổi muỗi. Điều này xem ra rất hợp lý khi con người đã sử dụng loại cây này để bảo vệ giấc ngủ cho mình. Việc sử dụng có chọn lọc loại lá thuốc để làm giường đã khẳng định trí tuệ, sự vượt trội trong tiến hóa của loài người so với các loài động vật thời đó. Nó giúp ta hiểu hơn về tập quán sinh hoạt của tổ tiên cách đây 77.000 năm.

Phát hiện san hô dưới đáy biển giàu axít

Thông thường, san hô không thể sinh trưởng trong môi trường acid (nồng độ pH nhỏ hơn 4). Tuy nhiên, việc phát hiện ra rạn san hô sinh trưởng một cách mạnh mẽ tại vùng biển Ca-ri-bê đã khiến giới khoa học bất ngờ.



Điều kiện lý tưởng nhất để san hô phát triển có nồng độ pH từ 6,7 – 7,3. Nếu nồng độ pH quá cao, các chồi san hô non sẽ không thể tổng hợp dưỡng chất đi nuôi cơ thể, ngăn cản việc định hình cấu trúc “xương”. Sau khi phát hiện sự “lạ đời” này, các nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu. Họ nhận ra rằng, vẻ ngoài phát triển “mạnh mẽ” là thế nhưng kỳ thực, cấu trúc “xương” của loài san hô này rất yếu.


Do phải sinh trưởng trong môi trường không thuận lợi nên mật độ “xương” của chúng rất thưa, thu hút nhiều loại sinh vật sống cộng sinh với chúng. Song, cũng chính từ “tình bằng hữu” này (qua các loại thức ăn sinh vật cộng sinh thu được) mà loài san hô này có thể tồn tại trong môi trường nước giàu axít. Vì mọi nghiên cứu đều được thực hiện trong môi trường tự nhiên nên các nhà khoa học cho rằng san hô không chỉ tồn tại được ở môi trường giàu axít khắc nghiệt mà còn có thể là trong các môi trường khác, mới mẻ hơn.