Tìm ra khuôn mặt đẹp nhất nước Anh

Lê Giang, Theo Mask Online 10:50 21/04/2012

Cùng các cập nhật: Cây gậy phép 500 tuổi, châu Phi nằm trên bể nước ngầm khổng lồ, nghiên cứu loài gấu Bắc cực "già" tới 600.000 năm.


Khuôn mặt đẹp nhất nước Anh

Vừa qua, cô sinh viên 18 tuổi Florence Colgate vừa chiến thắng trong cuộc thi tìm kiếm khuôn mặt tự nhiên đẹp nhất nước Anh. Các bộ phận trên khuôn mặt của Florence đều đạt tỷ lệ vàng về sự cân đối, hoàn mỹ theo tính toán của giới khoa học và nghệ thuật.


Khuôn mặt Florence đạt đến tỷ lệ vàng về sự cân đối, hoàn mỹ.
 
Ví dụ, theo nghiên cứu, khuôn mặt của phụ nữ hấp dẫn nhất khi khoảng cách giữa hai đồng tử mắt gần bằng 1/2 chiều rộng khuôn mặt. Ở khuôn mặt Florence, tỷ lệ này là 44%. Khoảng cách lý tưởng giữa mắt và miệng bằng 1/3 chiều dài khuôn mặt từ đường chân tóc đến cằm. Tỷ lệ này của Florence là 32,8%.

Tìm thấy cây gậy phép bí ẩn 500 năm tuổi


Trong lúc sửa chữa tu viện cổ Furness Abbey ở thành phố Barrow-in-Furness, hạt Cumbira, Anh vào năm 2010, các công nhân tình cờ phát hiện một cây gậy được cho là gậy phép và một chiếc nhẫn. 

Gậy phép và chiếc nhẫn trong một ngôi mộ tại tu viện Furness Abbey.

Cây gậy phép được làm bằng đồng, là vật mà chỉ những người nắm chức vụ cao trong giáo hội Thiên Chúa có quyền giữ. Nó nằm trong một ngôi mộ chưa từng bị khai quật ở chính điện, vị trí cao quý nhất trong tu viện. Đó là mộ của một người từng đứng đầu tu viện, song danh tính của người này vẫn là một bí ẩn. Các chuyên gia cho rằng ngôi mộ được xây từ thập niên 50 của thế kỷ 12.

Trước đây chỉ những người nắm giữ chức vụ cao trong nhà thờ được quyền giữ gậy phép.

Phần trên của gậy phép được làm bằng đồng. Nghệ nhân xưa trang trí nó bằng huy chương mạ bạc có hình ảnh Thánh Michael đánh bại một con rồng và đầu một con rắn. Phần gỗ ở cán gậy và miếng vải bọc cán vẫn còn nguyên.

Chiếc nhẫn được tìm thấy cùng cây gậy phép.

Được khánh thành vào năm 1124, tu viện Furness Abbey từng là một trong những tu viện lớn và giàu nhất tại Anh. Ngày nay, người ta có thể cảm nhận vị thế và mức độ giàu của tu viện khi chiêm ngưỡng những viên sa thạch đỏ còn sót lại. Gậy phép và chiếc nhẫn nạm đá quý sẽ được trưng bày tại tu viện Furness Abbey, Anh từ ngày 4 đến 7/5 tới.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Nghiên cứu loài gấu Bắc cực "già" tới 600.000 năm


Theo một nghiên cứu mới nhất cho thấy, gấu Bắc cực đã xuất hiện cách đây 600.000 năm, sớm hơn nhiều so với những đánh giá loài này chỉ chừng 150.000 năm tuổi như ta tưởng. Nghiên cứu của Frank Hailer và các cộng sự công bố hôm 19/4 vừa qua cho thấy, loài này đã có 600.000 năm làm quen với điều kiện vùng cực. Nó cũng có nghĩa là gấu Bắc cực không thể thích nghi với tình trạng thay đổi khí hậu nhanh.

Những chú gấu Bắc cực.

Các nghiên cứu trước đó chỉ tập trung vào cấu trúc mtDNA, vốn là một phần nhỏ trong bộ gene gấu và được truyền từ mẹ sang con. Người ta kết luận rằng, gấu Bắc cực được sinh ra từ một loài gấu nâu phương Bắc. Hailer đã kiểm tra dữ liệu từ nhiều vùng mang đặc điểm di truyền khác nhau trong bộ gene và thấy rằng, cả gấu nâu lẫn gấu Bắc cực đều xuất hiện từ trước đó rất lâu so với các tính toán của chúng ta. Các đặc điểm "nguồn gốc sơ khai" chỉ rõ gấu Bắc cực là một loài đã có thời gian dài sống trong điều kiện lạnh giá thế nên chúng có nhiều thời gian để thay đổi, thích nghi. Hailer cho biết, "Tuy nhiên sự thiếu đa dạng gene trong loài gấu Bắc cực là bằng chứng chỉ ra những thay đổi nhanh trong môi trường, như các giai đoạn Trái đất ấm lên, có thể thu hẹp quy mô dân số loài này".

Nghiên cứu này cảnh báo các thay đổi về thói quen sống, sự săn bắn tràn lan của con người, các chất độc hại thải ra môi trường và những "yếu tố gây stress" khác do con người tạo ra có thể "làm tăng lên các tác động biến đổi môi trường hiện nay", gây nên những đe dọa lớn lao với sự sinh tồn của loài gấu Bắc cực.

(Nguồn tham khảo: Discovery)

Phát hiện loài chuột tưởng đã tuyệt chủng


Loài chuột có tên khoa học Crateromys australis, mà người ta quen gọi chuột đám mây, lần đầu tiên được các nhà khoa học thu thập mẫu vào năm 1975 trên đảo Dinagat, Philippines. William Oliver - nhân viên Quỹ bảo tồn đa dạng sinh học Philippines cho biết, chuột đám mây có môi trường sống duy nhất trên đảo Dinagat. Và 20 năm qua, người ta không còn nhìn thấy chúng nên cho rằng, chuột đám mây đã tuyệt chủng. 

Chuột đám mây.

Đầu năm nay, cặp vợ chồng nhà khoa học Milada Rehakova và Vaclav Rehack (Czech) kết hợp đi nghỉ tuần trăng mật và thực hiện nghiên cứu khoa học tại đảo Dinagat. Họ đã lắp đặt các thiết bị và kết quả là thu được một đoạn video, đồng thời ghi âm được hoạt động của một con chuột đám mây. Đó là con chuột đã trưởng thành với sắc lông xám - nâu pha vàng, nó sở hữu cái đuôi dài với hai phần màu đen trắng tách biệt. Hình ảnh cho thấy chú chuột hoạt động ở 3 vị trí khác nhau, nó leo trèo và tìm thức ăn trong bụi rậm.

Mặc dù đã tìm thấy chuột đám mây nhưng các nhà khoa học vẫn xếp chúng vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng rất cao vì hoạt động khai thác khoáng sản đang diễn ra tại Dinagat.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Châu Phi nằm trên bể nước ngầm khổng lồ


Các nhà khoa học Anh nói rằng, lục địa khô châu Phi nằm trên một bể nước ngầm khổng lồ, với trữ lượng lớn hơn 100 lần nước trên bề mặt Trái đất. Tuy nhiên, kỹ thuật khoan giếng trên diện rộng có lẽ không phải là cách tốt nhất để khai thác nước, nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Environmental Research Letters cho biết.

Trên khắp châu Phi, hơn 300 triệu người chưa được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn. Nhu cầu nước được dự báo sẽ tăng đáng kể trong các thập kỷ tới do sự phát triển dân số và canh tác mùa màng. Những con sông, hồ nước ngọt thường trải qua các trận lũ lụt và hạn hán theo mùa, giới hạn khả năng cung cấp nước cho con người và mùa màng. Hiện mới chỉ 5% đất có thể canh tác được tưới nước.

Giờ đây, lần đầu tiên các nhà khoa học ở Cục Địa chất Anh (BGS) và ĐH London có thể thực hiện một phân tích về nước ngầm trên khắp lục địa và vẽ bản đồ chi tiết.


Châu Phi có nhiều nước hơn chúng ta thường nghĩ.

Helen Bonsor, nhà khoa học ở BGS, nói rằng các bản đồ nước sẽ mở rộng tầm nhìn của mọi người về tiềm năng nước ở châu Phi. Do biến đổi khí hậu, Sahara đã trở thành sa mạc từ nhiều thế kỷ trước, các tầng ngậm nước ngầm đã được duy trì từ 5.000 năm cho tới nay.

Các nhà khoa học kiểm tra và so sánh thông tin từ các bản đồ nước - địa chất và 283 nghiên cứu về tầng ngậm nước. Họ nói rằng các bản đồ mới cho thấy nhiều quốc gia được coi là “hiếm nước” hiện nay lại có trữ lượng nước ngầm đáng kể.

Các nhà khoa học còn nói rằng lượng nước ngầm đủ cho người dân đối phó với sự "đỏng đảnh" của biến đổi khí hậu. Thậm chí ở các vùng nửa khô hạn, nơi rất ít có mưa, thì các tầng ngậm nước vẫn có thể cung cấp nước trong 20-70 năm.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng không nên khoan giếng ồ ạt để khai thác nước ngầm, mà cần tính toán để khoan ở vị trí thích hợp, dùng bơm tay để khai thác từ từ.

Vì nhiều tầng ngậm nước không được cung cấp thêm nước do thiếu mưa, nên các nhà khoa học sợ rằng việc khoan giếng trên diện rộng có thể nhanh chóng làm cạn nguồn nước ngầm.

(Nguồn tham khảo: Datviet/BBC)