Không chỉ “hack não”, Tenet còn là bom tấn gây chia rẽ cộng đồng nhất của Nolan

Đông Sương, Theo Báo dân sinh 19:40 30/08/2020

Sau khi xem Tenet, người sẽ coi đây là một trong những siêu phẩm xuất sắc nhất thập kỷ, kẻ lại cho rằng phim được đánh giá cao khi quá phức tạp và khó hiểu.

(Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim. Các bạn cân nhắc trước khi đọc)

Việc sử dụng lý thuyết khoa học hay thêm các nút thắt bất ngờ là quá đỗi bình thường trong phim của Christopher Nolan. Từ Memento (2000), The Prestige (2006) cho tới Inception (2010), vị đạo diễn người Anh đã "hack não" không biết bao nhiêu tín đồ điện ảnh. Tuy nhiên, Tenet lại là một ngoại lệ đặc biệt khi mà lý thuyết phim khó hiểu đến mức chóng cả mặt.

Người khen sẽ có đủ mọi lý do để gọi Tenet là siêu phẩm!

Phim gì đâu áp dụng lý thuyết vật lý một cách tuyệt vời

Không chỉ “hack não”, Tenet còn là bom tấn gây chia rẽ cộng đồng nhất của Nolan - Ảnh 1.

Nhìn lại, Nolan rất thích áp dụng các lý thuyết khoa học, cụ thể là vật lý, vào các tác phẩm của mình. Trong The Prestige là giả thuyết về dòng điện xoay chiều, Inception là ăn cắp ý tưởng từ giấc mơ hay Interstellar (2014) là hố đen vũ trụ. Trong khi đó, Tenet chọn ý tưởng về hàm Entropy hỗn loạn. Bằng cách nghịch đảo được nó, con người ở tương lai có thể tạo ra những vật chất "nghịch đảo thời gian".

Đơn giản, họ có thể khiến kết quả tới trước nguyên nhân, viên đạn bay ngược vào khẩu súng khi bóp cò. Bằng cách chế tạo những chiếc máy từ công thức trên, con người cũng có thể nghịch đảo thời gian khi đơn giản là… hoàn thành nhiệm vụ trước rồi giật ngược lại bước đầu tiên. Lý thuyết đơn giản này đã biến không thể thành có thể, bất khả thi thành khả thi và một bộ phim trở thành siêu phẩm.

Đã thế biên đạo hành động lại cực chất

Không chỉ “hack não”, Tenet còn là bom tấn gây chia rẽ cộng đồng nhất của Nolan - Ảnh 2.

Như đã đề cập, con người trong Tenet cũng có hành động giật ngược với cả thế giới. Mọi thứ trong mắt họ vẫn theo thời gian thông thường nhưng thực tế là đi ngược với tất cả mọi người. Từ đây, phim mang đến nhiều cảnh chiến đấu vô cùng hấp dẫn và kịch tính theo một cách rất riêng khi những kẻ ngược dòng đối đầu với nhau.

Không những thế, tác phẩm còn mang đến một chiến thuật mới là tấn công theo kiểu "gọng kìm thời gian" khi một nhóm sẽ đi xuôi, nhóm còn lại sẽ đi ngược và nắm hết thông tin từ cả hai chiều. Tất cả cuối cùng hội tụ tại một điểm tạo ra rất nhiều những "nghịch lý" thú vị.

Lại thêm nội dung chồng chéo hấp dẫn nữa

Không chỉ “hack não”, Tenet còn là bom tấn gây chia rẽ cộng đồng nhất của Nolan - Ảnh 3.

Một điểm thú vị khác của du hành thời gian chính là đạo diễn có thể chồng chéo các sự kiện quá khứ, hiện tại đan xen. Và đây chính là thế mạnh của Nolan. Từng mảnh ghép được hé lộ một cách rời rạc nhưng rồi lại ráp nối thành một tổng thể hoàn chỉnh về mặt kể chuyện. Đồng thời, anh cũng khéo léo cài cắm hàng loạt bí ẩn nhỏ xung quanh như thân phận Neil (Robert Pattinson), nguồn gốc công nghệ nghịch đảo,... để người xem tò mò khám phá.

Không chỉ “hack não”, Tenet còn là bom tấn gây chia rẽ cộng đồng nhất của Nolan - Ảnh 4.

Thêm một điểm cộng cho phần âm nhạc xuất sắc

Không chỉ “hack não”, Tenet còn là bom tấn gây chia rẽ cộng đồng nhất của Nolan - Ảnh 5.

Một điểm đáng khen khác của Tenet chính là phần âm nhạc xuất sắc của Ludwig Göransson. Những giai điệu dồn dập như đập thẳng vào tim người xem trong mỗi cảnh hành động kịch tính. Nhờ đó mà chúng càng trở nên nghẹt thở hơn gấp bội khi mỗi lần nhân vật chuẩn bị khám phá ra một sự thật đáng sợ hay đối đầu với kẻ thù nào đó.

Nhưng những người chê cũng có lỹ lẽ thuyết phục của họ

Phim gì mà khó hiểu và phức tạp thế!

Không chỉ “hack não”, Tenet còn là bom tấn gây chia rẽ cộng đồng nhất của Nolan - Ảnh 6.

Thế mạnh phức tạp cũng chính là điểm yếu của Tenet. Lý thuyết vật lý Entropy vốn chỉ xuất hiện trong chương trình Đại học của các trường kỹ thuật và chẳng phải ai cũng… qua môn hay nhớ chính xác những gì đã học sau nhiều năm. Không những thế, Nolan còn đảo ngược hẳn một hàm số bất khả thi khiến phim càng khó hiểu hơn.

Đau đầu để hiểu thì thôi, tác phẩm còn tung ra một loạt cảnh hành động nghịch đảo mà không ai kịp suy nghĩ xem nó có đúng hay không. Dĩ nhiên, nhân vật trong phim từng nói "Đừng có hiểu nó. Hãy cảm nhận nó," nhưng xem phim mà không hiểu vì sao lại như thế thì có ức chế không kia chứ. Thậm chí sẽ có khán giả xem đi xem lại hai ba lần vẫn không biết cái quái gì đã xảy ra nữa kìa.

Nhân vật kém phát triển nghĩ mà nản

Không chỉ “hack não”, Tenet còn là bom tấn gây chia rẽ cộng đồng nhất của Nolan - Ảnh 7.

Những ai từng xem qua các phim của Nolan hẳn sẽ ít nhiều thất vọng với cách xây dựng nhân vật thiếu chiều sâu của Tenet. Ở The Prestige, cả hai ảo thuật gia đều có câu chuyện riêng khiến họ đối đầu nhau bằng cả tính mạng, Cooper (Matthew McConaughey) của Interstellar đau khổ khi vừa xa nhà vài tiếng thì với cô con gái đã là chục năm dài đằng đẵng, Cobb (Leonardo DiCaprio) trong Inception ám ảnh vì cái chết của vợ và không thể gặp lại con.

Nhưng ở Tenet, đạo diễn người Anh đã dành hết thời lượng để triển khai ý đồ nghịch đảo thời gian. Điều này khiến nhân vật chính do John David Washington thủ vai hay Neil đều khá một chiều. Họ chỉ là mẫu anh hùng cứu thế giới vì… điều đó đúng quen thuộc. Họ không hề có câu chuyện quá khứ, chẳng có tính cách nổi bật hay cảm xúc gì xuyên suốt bộ phim. Kat (Elizabeth Debicki) là chưa đủ để kéo lại mặt diễn xuất.

Trailer Tenet

Nhìn chung, Tenet là một phim tốt nhưng chưa phải xuất sắc nhất của Nolan và hay hay dở thì vẫn tùy vào góc nhìn mỗi người. Phim hiện đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Nguồn ảnh: Warner Bros