Lắm tiền nhiều của, vì sao ông lớn Marvel và Netflix vẫn loay hoay tìm chỗ đứng cho siêu anh hùng nhà mình?

Minh Quân, Theo Trí Thức Trẻ 15:14 14/03/2018

Dù đã hợp tác với nhau đến 8 series nhưng Marvel và Netflix vẫn chưa giải quyết được những vấn đề liên quan đến nhịp điệu phim.

Việc hợp tác với Marvel đã giúp cho Netflix có được những TV show cực kỳ nổi tiếng. Trong khi Daredevil là cái tên bùng nổ thì mùa 1 của Jessica Jones là một trong những phim truyền hình siêu anh hùng nổi bật nhất trong năm 2015. Nhưng dù có ấn tượng thế nào đi chăng nữa thì những bộ phim này cũng chẳng thể coi là hoàn hảo được và một trong những vấn đề nổi bật nhất của Netflix trong các phim siêu anh hùng là nhịp điệu (pacing).

Lắm tiền nhiều của, vì sao ông lớn Marvel và Netflix vẫn loay hoay tìm chỗ đứng cho siêu anh hùng nhà mình? - Ảnh 1.

Pacing có thể hiểu là tốc độ mà các bộ phim sử dụng để kể câu chuyện của mình. Những show truyền hình làm tốt phần nhịp điệu là những show biết cách sử dụng tốc độ kể chuyện một cách đa dạng và hiểu quả, thể hiện qua những cảnh hành động kịch tích đan xen với những tình tiết xây dựng, định hình nhân vật được miêu tả một cách chậm rãi và dễ thẩm thấu hơn. Mỗi series phải biết tìm ra trạng thái cân bằng nhất cho câu chuyện của mình, hiểu được nó kể về cái gì, đặc tính của thể loại này và sự tương tác giữa các nhân vật.

Một khi tất cả những điều này được đặt vào đúng chỗ mà nó nên ở, bộ phim sẽ giống như một chuỗi những tình tiết co giãn nhanh chậm cuốn người xem vào bên trong câu chuyện mà nó đang kể, khiến cho họ không còn tâm trí để nghĩ đến việc khác ngoài nhập tâm vào các tình tiết đang diễn ra. Các show siêu anh hùng Marvel của Netflix luôn bị chỉ trích là quá chậm và ì trong các tình tiết. Điều này khiến các fan tin rằng series sẽ chở nên hay hơn nếu cắt giảm số lượng các tập phim. Nhưng liệu đó có phải là cốt lõi của vấn đề?

Chính sách phát sóng đồng loạt

Một trong số các vấn đề của Netflix là các series của họ ra trọn bộ các tập phim cùng một lúc. Điều này khiến cho họ không thể xác định được cách tiếp cận của người xem đối với các series. Có người thì xem liền mạch không ngừng nghỉ. Có người thì chọn cách xem từ từ từng tập một trong những quảng thời gian tách biệt nhau như các show trên TV.

Như vậy, thay vì chỉ phải xác định cách kể chuyện cho 1 kiểu xem như các bộ phim trên truyền hình cáp, Netflix phải làm 2 thứ cùng 1 lúc. 1 mặt, họ phải đảm bảo rằng từng tập phim đều có sức hấp dẫn nhất định. Một mặt, họ phải khiến cho tất cả các tập kết dính với nhau thành một chuỗi cuốn hút liền mạch.

Lắm tiền nhiều của, vì sao ông lớn Marvel và Netflix vẫn loay hoay tìm chỗ đứng cho siêu anh hùng nhà mình? - Ảnh 2.

Chính sách phát sóng phim của Netflix còn khiến cho tình hình tệ hơn bởi họ thường chỉ cho ra tầm 5 hoặc 6 tập đầu tiên của series trước khi cho đăng tải toàn bộ series lên sóng với mục đích để tạo sự mong chờ và đợi các bài bình luận ra mắt. Không may, những tập phim đầu tiên trong các series thường là những tập phim mắc phải vấn đề nhịp điệu nhiều nhất. Ở đây thuơng xuất hiện nhiều những đoạn hồi tưởng đột ngột, những màn điều tra lê thê và những câu chuyện nguồn gốc siêu anh hùng cũ mòn.

Một ví dụ cụ thể là series Luke Cage mùa 1. Phải đến khi 4 tập đầu tiên đã kết thúc thì series mới chịu thúc đẩy nhịp phim lên nhanh hơn. Trong khi đó, series được cho là đối trọng với Luke Cage ở đài CW là Black Lightning lại gây dựng được một số lượng nội dung tương tự chỉ trong 1 tập phim. Vấn đề này có mặt trong cả Daredevil, Jessica Jones, Luke Cage và Iron Fist.

Kịch bản nghèo nàn và thiếu định hướng

Có vẻ đã nhận ra được điều này, Netflix đã tìm cách cắt giảm số tập phim của series The Defenders – series tập hợp tất cả các siêu anh hùng trên lại. Tuy nhiên, kết quả vẫn không thay đổi. Tổng số tập của The Denfenders là 8 tập. Trong đó 3 tập đầu tiên dùng để sắp đặt những tình tiết nền móng.

Cả series giống như một ván cờ, trong đó 3 tập đầu tiên dùng để đưa những quân cờ vào đúng vị trí của nó, phần còn lại là để khai triển các miếng đánh từ thế cờ đã xây dựng được. Điều này khiến cho các fan vẫn cảm thấy thất vọng vì không lẽ cả 5 series trước đó chưa đủ để kết nối các siêu anh hùng lại hay sao mà lại tốn thêm 3 tập nữa?

Lắm tiền nhiều của, vì sao ông lớn Marvel và Netflix vẫn loay hoay tìm chỗ đứng cho siêu anh hùng nhà mình? - Ảnh 3.

Điều này lại làm bộc lộ ra một điểm yếu kém khác của Marvel, đó là sự hời hợt trong việc xây dựng kế hoạch dài hạn, điều mà họ làm rất tốt ở mặt trận phim điện ảnh. Khi Marvel ký hợp đồng sản xuất phim với Netflix, chắc chắn họ có nghĩ đến chuyện sẽ cho ra mắt The Defenders. Một kế hoạch dài hạn đủ tốt sẽ đặt các siêu anh hùng đến đúng nơi cần đến để tụ hội với các siêu anh hùng khác trong tập cuối cùng của series nhưng trên thực tế thì Marvel đã không thực hiện điều này.

Do đó, vấn đề thực sự ở đây không phải là số lượng tập phim mà là sự thiếu định hướng và nói thẳng ra ở đây, là kịch bản nghèo nàn. Jessica Jones mùa 2, series mới nhất của Netflix vẫn bị chỉ trích là có tốc độ quá đơn điệu và nhàm chán, điều này xuất phát từ việc bộ phim không có nhân vật phản diện rõ ràng.

Bên cạnh đó, một tập phim hồi tưởng quá khứ cũng khiến mạch chung của cả series bị gián đoạn, khán giả bất đắc dĩ phải chứng kiến 53 phút câu chuyện quá khứ chèn thô bạo vào mạch phim gốc. Ngoài ra, tuyến truyện phụ cũng không tỏ ra ăn nhập và bổ trợ được cho tuyến chính, tạo thành một tổng thể rời rạc và hỗn độn.

Giải pháp nào cho tình hình hiện nay?

Dù vậy, series có nhịp điệu tốt nhất lúc này có lẽ chính là 2 mùa của Daredevil. Mùa 1 của Daredevil có tập 1 tóm lược và kể cho khán giả biết tất cả những gì mà họ cần biết. Những đoạn hồi tưởng ngắn gọn mà hiệu quả, giải thích được cỗi lõi sự hình thành của siêu anh hùng Daredevil. Phần nội tâm, trầm lắng của nhân vật chính được cân bằng với nhịp điệu nhanh, gấp gáp của những màn hành động giữ dội. Đó là một tập pilot điển hình với những thông tin căn bản để phát triển hướng đi của cả series sau này.

Lắm tiền nhiều của, vì sao ông lớn Marvel và Netflix vẫn loay hoay tìm chỗ đứng cho siêu anh hùng nhà mình? - Ảnh 4.

Mùa 2 của Daredevil cũng vậy. Ở bề mặt, mùa 2 đem lại cảm giác rời rạc và thiếu kết nối giữa 2 mạch chuyện của Punisher và the Hand nhưng kết cấu của bộ phim khiến cho mùa 2 đem lại cảm giác đây là một series liền mạch và thống nhất. Tuyến truyện the Hand được reo mầm một cách cẩn thận trong nửa đầu của mùa 2 trong khi nhân vật Punisher được khéo léo giới thiệu ở nửa còn lại. Tập cuối cùng của mùa là tập kết nối và kết thúc cho cả 2 tuyến kịch bản.

Như vậy, chìa khóa cốt lõi cho vấn đề nằm ở định hướng kịch bản. Việc các khán giả cảm thấy bộ phim quá dài và lê thê là dễ hiểu nhưng lỗi không nằm ở thời lượng phim mà nằm ở chỗ phân bổ và định hướng những tình tiết như thế nào. Điều quan trọng là các series phải đem đến một cảm giác chắc chắn về mặt định hướng, tạo ra được một cốt truyện chặt chẽ và tập trung hơn. Nhân vật Luke Cage sau khi đã được giới thiệu kha khá ở Jessica Jones mùa 1 rồi thì không nên kể lể lan man nữa mà cần phải tập trung vào ngay cốt truyện chính.

Lắm tiền nhiều của, vì sao ông lớn Marvel và Netflix vẫn loay hoay tìm chỗ đứng cho siêu anh hùng nhà mình? - Ảnh 5.

Ngoài vấn đề kịch bản thì có vẻ như các series Marvel của Netflix không được biên tập rõ ràng. Những chương trình truyền hình thông thường được cắt dựng liên tục bởi vì độ dài của tập phim đã được cố định. Kịch bản được đặt hàng để viết cho một thời lượng phim nhất định và nhà đài phải tìm cách giữ cho tập phim có được cấu trúc cần thiết.

Những nhà biên tập giỏi thường cẩn thận cắt gọt bớt những cảnh làm gián đoạn truyến truyện hoặc làm đứt nhịp điệu của bộ phim. Một ví dụ điển hình cho tầm quan trọng của các nhà biên tập phim đối với các tác phẩm điện ảnh là trường hợp của phim The Last Jedi, rất nhiều đoạn phim đã bị loại trừ ra khỏi sản phẩm cuối bởi vì nó gây hại đến mạch truyện chung của cả bộ phim.

Trong khi đó thì có vẻ như Netflix chưa nhận ra điều này mà chỉ đổ lỗi cho thời lượng phim. Không có dấu hiệu nào cho thấy các series Marvel của Netflix đã được biên tập cẩn thận. Kịch bản mỏng, thiếu tinh giản và cốt truyện quanh co. Mỗi tập phim có thời lượng giao động từ 50 cho đến 70 phút, không có những phân đoạn bị cắt nào được công bố. Đó là những chi tiết rất nhỏ nhưng cần thiết để tạo nên một nhịp phim tốt.

Lắm tiền nhiều của, vì sao ông lớn Marvel và Netflix vẫn loay hoay tìm chỗ đứng cho siêu anh hùng nhà mình? - Ảnh 6.

Giải pháp cho vấn đề này là Marvel cần phải thuê một nhà giám chế khác có kinh nhiệm trong mảng phim đề tài hình sự. Những câu truyện mà Marvel định hướng cho Netflix thường mang tính trinh thám cao và có liên quan nhiều đến việc khám phá hoặc đi tìm lời giải cho một bí ẩn nào đó. Vì vậy nên những tình tiết điều tra cần phải được thực hiện thật tốt để tạo nên sự thuyết phục cho câu truyện.

Những giám chế hiện tại của Marvel Netflix không có kinh nhiệm ở mảng phim này nên những tình tiết điều tra trong phim đều xa lầy vào kiểu kể chuyện bi kịch và nặng tính tự sự. Họ không có sự cuốn hút cần có của những bộ phim trinh thám. Cho đến nay, Marvel và Netflix đã hợp tác với nhau làm đến 8 series và những vấn đề liên quan đến nhịp điệu vẫn liên tục bị phàn nàn mỗi lần có series mới ra mắt. Có lẽ đã đến lúc để các nhà làm phim thay đổi cách làm của mình.

(Nguồn: Screenrant)