Liverpool bao giờ mới hết kiếp “dở ông dở thằng”?

Minh Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 14:14 03/03/2017

Chẳng có gì sai khi sống với niềm tự hào quá khứ. Nhưng thời thế đã thay đổi và nếu vẫn sống dựa dẫm vào quá khứ hoành tráng thì mãi mãi không bao giờ hết kiếp “dở ông dở thằng”.

Nếu có cơ hội thăm sân Anfield, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy một niềm tự hào cuộn chảy trong dòng máu Liverpool . Nó thể hiện qua tấm bảng in dòng chữ "This is Anfield" được huyền thoại Bill Shankly gắn trên tường ngay trong đường hầm từ phòng thay đồ ra sân. Tất cả các cầu thủ muốn bước ra mặt cỏ Anfield đều phải nhìn thẳng vào dòng chữ này.

Liverpool bao giờ mới hết kiếp “dở ông dở thằng”? - Ảnh 1.

Steven Gerrard và tấm bảng in dòng chữ "This is Anfield".

Tấm biển ấy là một lời khẳng định đầy hào sảng của Liverpool về tầm vóc của họ. "Đây là Anfield", nó giống như một lời đe dọa và nhắc nhở đối thủ nhớ rằng, họ đang có mặt ở sân đấu của CLB xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Anh.

Liverpool luôn sống với niềm tự hào này. Đã từng có một thời gian dài họ tỏ ra trịnh thượng, sang trọng hơn so với phần còn lại của Premier League. Mặc kệ những đối thủ khác thay nhau chạy theo đồng tiền, cố gắng hơn thua nhau từng chi tiết nhỏ, Liverpool luôn cho rằng họ ở một đẳng cấp khác.

Liverpool bao giờ mới hết kiếp “dở ông dở thằng”? - Ảnh 2.

David Luiz và cú đá phạt giúp Chelsea rời sân Anfield với 1 điểm hôm 1/2 vừa qua.

Tiếc rằng, cùng với thời gian, bất chấp Premier League đã chuyển sang một trang sử mới, nhưng Lữ đoàn đỏ vùng Merseyside thì vẫn luẩn quẩn với những niềm tự hào cũ kỹ.

The Kop giống với trường hợp của thương hiệu máy ảnh sử dụng phim Kodak. Trong suốt thế kỷ 20, Kodak đã thống trị thị trường máy ảnh phim trên toàn nước Mỹ. Thậm chí vào năm 1976, Kodak còn bị liệt vào thành phần doanh nghiệp độc quyền, vì nó chiếm tới 90% thị phần.

Nhưng thời đại số lên ngôi, máy ảnh phim lỗi thời, nhưng thay vì chạy theo dòng chảy thời đại, Kodak vẫn trung thành với niềm tự hào một thời. Và hệ quả là theo báo cáo mới nhất, Kodak chỉ còn chiếm vỏn vẹn 7% thị phần máy ảnh. Sự ra đời của máy ảnh kỹ thuật số đã đẩy dòng máy phim vào dĩ vãng, và hệ quả là Kodak phá sản.

Liverpool cũng giống như một chiếc máy ảnh phim, đã từng rất hào nhoáng, nhưng giờ đây thì hiệu quả kém xa những chiếc máy ảnh kỹ thuật số thời thượng, được tích hợp wifi như Chelsea, Man City chẳng hạn.

Liverpool bao giờ mới hết kiếp “dở ông dở thằng”? - Ảnh 3.

Mùa giải 1989/90, là lần cuối cùng Liverpool đăng quang tại giải đấu số 1 nước Anh.

Trong nhiều năm gần đây, Liverpool vẫn luôn chơi tốt trong những trận đại chiến, nhưng lại thường xuyên mất điểm trước những đối thủ yếu. Mùa bóng này chính là ví dụ. Theo thống kê của Guardian, Liverpool mới đánh rơi vỏn vẹn 8 điểm trong những trận đối đầu với Top 6, ít nhất trong 6 đội bóng dẫn đầu. Chelsea thậm chí còn mất tới 11 điểm vì những trận đại chiến. Nhưng Chelsea chỉ rơi vỏn vẹn 2 điểm trong những trận đối đầu với nhóm 14 CLB xếp từ thứ 7 – 20, trong khi đó Liverpool lại rơi tới… 20 điểm.

Người ta đã từng giải thích thế này: Những trận đấu lớn luôn kích thích được lòng tự tôn của Liverpool sống lại. Chỉ khi gặp những đối thủ mạnh, The Kop mới nhớ họ đã từng hào hùng thế nào và họ chiến đấu vì lòng tự tôn. Nhưng chức vô địch Premier League không được quyết định bởi kỹ năng đá đại chiến. Ngược lại: Càng mất ít điểm từ những trận đấu nhỏ càng dễ vô địch.

Liverpool bao giờ mới hết kiếp “dở ông dở thằng”? - Ảnh 4.

Liverpool thua tan tác trước Leicester City trong trận đấu cuối cùng cùa tháng 2.

Tất cả đều hiểu xu thế này, ngoại trừ Liverpool . Dường như The Kop luôn tư duy rằng, phải thắng những trận đấu lớn mới xứng với tầm vóc của họ. Cách tư duy này không hề sai. Nhưng bóng đá bây giờ nói chuyện danh hiệu chứ ai nói chuyện cốt cách, sang trọng nữa? 

Nói như Jose Mourinho thì "đá hay, ghi nhiều bàn thắng mà không vô địch thì cũng vô nghĩa". Trong khi những Chelsea , Man United sẵn sàng đá xấu xí để vô địch thì Liverpool cứ phải đá đẹp, đá cống hiến cốt chỉ để được NHM tôn vinh. 

The Kop thích đóng vai một sứ giả truyền tải cảm xúc, còn chức vô địch là chuyện của người khác.