Loạt công trình đình đám ở Trung Quốc từng bị tố “đạo nhái” ý tưởng trắng trợn, có nơi cố “làm lố” hơn bản gốc nhưng vẫn bị chê tơi tả

Minh Hiếu, Theo Trí Thức Trẻ 16:32 15/05/2020

Cứ nơi nào có mặt trên thế giới thì cũng thấy xuất hiện ở Trung Quốc!

Việc các "bản sao" của loạt toạ độ nổi tiếng xuất hiện khắp nơi không còn là chuyện lạ, đặc biệt tại các khu du lịch hay công viên kỳ quan mô phỏng một "thế giới thu nhỏ". Tuy nhiên, nhắc đến Trung Quốc, có thể khẳng định rằng hầu như ở nước ngoài có gì là quốc gia châu Á này cũng cố gắng mang về cho bằng được một phiên bản tương tự!

Dưới đây chính là 4 công trình đình đám từng gây tranh cãi không ít trên MXH bởi sự "sao chép" ý tưởng khá rõ ràng. Có nơi dù đã được biến đổi trong thiết kế cho khác đi một chút nhưng hầu như vẫn nhận nhiều chỉ trích từ dân mạng vì đã "làm lố" nhưng cũng chưa tới đâu!

1. Cầu Thái Hồng Tiên Thủ

Vào giữa tháng 8 năm ngoái, cộng đồng mạng được một phen sửng sốt trước những hình ảnh về một công trình được cho là "đạo nhái" Cầu Vàng nổi tiếng của Việt Nam xuất hiện tại Trung Quốc. Được biết, cây cầu này có tên là Thái Hồng Tiên Thủ, là công trình nổi bật nhất tại khu du lịch Cổ Khê Tinh Hà thuộc huyện Vưu Khê, thành phố Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến.

Cây cầu Thái Hồng Tiên Thủ ở Trung Quốc từng khiến cộng đồng mạng Việt Nam phẫn nộ vì sao chép ý tưởng từ Cầu Vàng nổi tiếng tại Đà Nẵng. 

Cây cầu dài 99m, điểm nổi bật nhất là bàn tay Phật ngọc khổng lồ có chiều cao 19m, dài 23m uốn cong giữa núi rừng hùng vĩ. Ngay khi được khánh thành vào ngày 17/8, cầu Thái Hồng Tiên Thủ khiến nhiều người liên tưởng đến cầu Vàng ở Đà Nẵng - công trình kiến trúc nổi tiếng được truyền thông quốc tế nhiều lần ca ngợi. Đa số mọi người đều để lại bình luận "cà khịa" cây cầu bản sao kia rằng đã "copy" ý tưởng nhưng làm chưa tới và trông có phần xấu hơn phiên bản gốc của Việt Nam.

Dù đã copy ý tưởng và cố gắng thay đổi trong lối thiết kế, tuy nhiên cây cầu vẫn vấp phải nhiều lời chê bai là... làm chưa tới như Cầu Vàng của Việt Nam. 

2. Bức tượng tình nhân "Flying Kiss"

Mới đây nhất, trong một group kín trên Facebook tại Việt Nam xuất hiện bài đăng chia sẻ về một công trình có tên là "Flying Kiss" ở Trung Quốc. Theo tìm hiểu từ video gốc trên TikTok, đây là một bức tượng vừa được cho ra mắt ở tỉnh Trùng Khánh. Bên dưới bài đăng tại Việt Nam, hàng trăm bình luận được để lại bàn tán xôn xao về công trình độc lạ này. Đa phần các ý kiến đều cho rằng bức tượng này là phiên bản "đạo nhái" có cải tiến từ tác phẩm điêu khắc "Ali và Nino" – bức tượng tình nhân "biết đi" cực nổi tiếng đặt tại một bãi biển ở thành phố Batumi (Gruzia).

Bức tượng mang tên "Flying Kiss" vừa được khai trương tại Trùng Khánh đang vấp phải phản ứng trái chiều từ dân mạng. 

Loạt công trình đình đám ở Trung Quốc từng bị tố “đạo nhái” ý tưởng trắng trợn, có nơi cố “làm lố” hơn bản gốc nhưng vẫn bị chê tơi tả - Ảnh 4.

Nhiều người thẳng thắn cho rằng nó cố tình "đạo nhái" ý tưởng từ bức tượng tình nhân "Ali và Nino" nổi tiếng tại thành phố Batumi (Gruzia).

Công trình "Flying Kiss" ở Trung Quốc bao gồm 2 bức tượng mô phỏng cho 1 cặp nam – nữ tiến lại gần nhau và kề sát môi như đang hôn nhau. Bên trên 2 cánh tay đang giơ cao được lắp đặt chỗ ngồi cho du khách. Không chỉ bị tố là "đạo nhái", tác phẩm vừa được ra mắt này còn bị dân mạng Việt Nam chê là trông chẳng khác nào… 2 người đàn ông. Theo đó, người phụ nữ được thiết kế với bộ váy áo màu đỏ, nhưng gương mặt lại có phần quá cứng cáp, thiếu những đường nét tự nhiên của người phụ nữ. Trong khi đó, người đàn ông lại có nét nữ tính nhiều hơn.

Gương mặt của 2 bức tượng được đánh giá là quá cứng cáp, trông cứ như... 2 người đàn ông hơn là 1 cặp tình nhân nam - nữ!

3. Khu đô thị Tianducheng 

Ở thành phố Hàng Châu của Trung Quốc, người ta còn xây dựng cả một khu đô thị mang tên Tianducheng giống y hệt "kinh đô ánh sáng" Paris trên từng thiết kế dù là nhỏ nhất. Nơi đây còn được gọi bằng tên Sky City, là một khu đô thị nằm ở ngoại ô thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. "Paris thu nhỏ" này được phát triển bởi công ty Zhejiang Guangsha Co Ltd, xây dựng và hoàn thành vào năm 2007 với tổng kinh phí lên đến nửa tỷ USD.

Tháp Eiffel thật (bên trái) và phiên bản "sao chép" được đặt tại khu đô thị Tianducheng (bên phải).

Trải rộng trên diện tích 31 km vuông, Tianducheng bao gồm những ngôi nhà, biệt thự sang trọng được mô phỏng hoàn toàn theo lối kiến trúc của "kinh đô ánh sáng" Paris. Chính giữa khu đô thị là bản sao tháp Eiffel cao 108m, chỉ bằng 1/3 phiên bản gốc. Tuy nhiên khi lên ảnh, không ít người nhầm tưởng đây là nước Pháp xa xôi.

4. Khu đô thị Hallstatt

Thị trấn cổ tích Hallstatt được xem như di sản nghìn năm của nước Áo với những ngôi nhà cổ kính nhiều màu sắc tựa lưng vào vách núi, phía trước là mặt hồ lung linh, huyền ảo. Từ lâu, nơi đây luôn mệnh danh là "thị trấn hút khách nhất trên Instagram". Tuy vậy, ở Trung Quốc cũng có một nơi "sao chép" gần như y nguyên toạ độ nổi tiếng thế giới này.

Đây là thị trấn cổ tích Hallstatt lừng danh ở nước Áo. 

Dự án phát triển nhà ở này nằm ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Kế hoạch xây dựng một "bản sao" của địa điểm du lịch đình đám nước Áo được nảy lên từ năm 2011. Được biết, các công ty mỏ và kim loại Trung Quốc đã dành ra tới 940 tỷ USD để xây dựng công trình này. Hiện nay, nơi đây cũng trở thành một điểm đến khá nổi tiếng đối với du khách khi đến Trung Quốc.

Loạt công trình đình đám ở Trung Quốc từng bị tố “đạo nhái” ý tưởng trắng trợn, có nơi cố “làm lố” hơn bản gốc nhưng vẫn bị chê tơi tả - Ảnh 9.

Ở Trung Quốc cũng có một bản sao được làm lại gần như y hệt thị trấn Hallstatt ở Áo, từng khiến không ít người phẫn nộ.

Hiện tại, nơi đây được phục vụ như một khu nhà ở cho dân cư cũng như địa điểm du lịch hút khách ở Trung Quốc.