Miễn thi Ngoại ngữ và quy điểm giỏi, thế có công bằng?

Quang Anh, Theo Gia đình & Xã hội 10:24 24/05/2019

Sở GD&ĐT Đà Nẵng vừa bất ngờ bỏ thi môn Ngoại ngữ tại kỳ thi vào lớp 10, lý do là bởi có hàng nghìn học sinh có chứng chỉ được miễn thi và được quy điểm 9 - 10, trong khi nhiều em có học lực trung bình khá. Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng miễn thi môn Ngoại ngữ và quy điểm cao tuyệt đối ở

Miễn thi Ngoại ngữ và quy điểm giỏi, thế có công bằng? - Ảnh 1.

Miễn thi Ngoại ngữ và quy điểm cao nhất đối với thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ đã bộc lộ một số bất cập. Ảnh minh họa: Q.Anh

Bỏ thi Ngoại ngữ vì quá nhiều chứng chỉ

Những ngày qua, người dân Đà Nẵng, nhất là những gia đình có con em dự thi vào lớp 10 THPT sắp tới cảm thấy bất ngờ, nhiều người “hụt hẫng” vì Sở GD&ĐT Đà Nẵng bất ngờ bỏ thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi vào 10. Nguyên nhân của vấn đề này là do quy đổi từ kết quả thi chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế sang thang điểm 10 chưa hợp lý.

Trước đó, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng đã có quy định cho phép học sinh lớp 9 có chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế được miễn thi môn Ngoại ngữ và được quy đổi thành điểm 9 - 10 cho kỳ thi vào lớp 10. Việc sử dụng quy đổi bài thi Ngoại ngữ để miễn thi cho học sinh giỏi Tiếng Anh thì mức điểm được Sở lựa chọn để quy đổi đạt điểm 9 trong bài thi TOEFL Junior và TOEFL ITP là mức điểm mà học sinh học trung bình cũng có thể đạt được. Vì vậy, việc áp dụng thang điểm quy đổi không hợp lý. Trong thời gian qua, đông đảo học sinh lớp 9 tại Đà Nẵng đã đổ xô đến trung tâm Ngoại ngữ học và thi chứng chỉ.

Trước đó, ngày 15/5 Đà Nẵng bất ngờ thông báo bỏ thi và xét tuyển môn Tiếng Anh. Học sinh chỉ còn thi hai môn Ngữ Văn và Toán, theo đề xuất của Sở GD&ĐT. Theo giải thích của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, trong hơn 2.300 em có chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế thì 40% học lực môn Ngoại ngữ lớp 9 chỉ trung bình và khá. Các trường “top trên” lại ít học sinh có chứng chỉ quốc tế hơn trường xếp cuối bảng.

Cụ thể, kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 - 2020 có 13.227 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 2.312 thí sinh đăng ký miễn thi môn Ngoại ngữ (chiếm 17,48%). Trong số này, có 27 thí sinh có điểm trung bình môn Ngoại ngữ cả năm dưới 5 điểm; 252 thí sinh có điểm trung bình môn Ngoại ngữ cả năm từ 5.0 đến dưới 6,5; 661 thí sinh có điểm trung bình môn Ngoại ngữ cả năm từ 6,5 đến dưới 8,0.

Thi cử cần có sự công bằng, bình đẳng

Không chỉ Đà Nẵng, một số địa phương cũng áp dụng việc có chứng chỉ môn Ngoại ngữ để làm điểm cộng, miễn thi môn này ở tuyển sinh đầu cấp lớp 10. Thậm chí, trong kỳ thi THPT Quốc gia cũng đã áp dụng hình thức miễn thi môn Ngoại ngữ cho các thí sinh là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, thứ hai là thí sinh có một trong các chứng chỉ (Bộ GD&ĐT đã ban hành danh mục, nơi cung cấp chứng chỉ) Ngoại ngữ có giá trị đến thời điểm trước kỳ thi. Nhiều trường ĐH, CĐ cũng sử dụng chứng chỉ Ngoại ngữ làm căn cứ xét tuyển và quy điểm cao.

Câu chuyện thí sinh được miễn thi Ngoại ngữ, kèm với đó là nghiễm nhiên đạt điểm 9, 10 từ vài năm qua đã trở thành đề tài “nóng” giữa các thí sinh. Bởi thay vì khuyến khích học Ngoại ngữ để nâng cao khả năng, trình độ và giảm áp lực của kỳ thi, nhiều kỳ thi, tuyển sinh lại áp dụng quy ra điểm tuyệt đối khiến nhiều thí sinh “tị nạnh” vì không cần thi có điểm cao, được miễn thi có thời gian để ôn tập các môn khác... trong khi đi thi, chưa chắc đã đạt được điểm 10. Trong khi, các loại chứng chỉ Ngoại ngữ hiện nay vẫn có thể xảy ra phát sinh tiêu cực trong học, cấp bằng.

Để công bằng trong thi tuyển, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: “Trường hợp chứng chỉ Ngoại ngữ của thí sinh được cấp bởi những trung tâm đã được kiểm duyệt chất lượng thì việc miễn thi cho các em là nên làm. Điều này sẽ làm giảm thí sinh dự thi cũng sẽ giảm tốn kém, tạo điều kiện cho khâu tổ chức thi... Tuy nhiên, cần căn cứ vào bảng điểm kết quả của học sinh hoàn thành chứng chỉ để quy ra điểm, không nên cùng cho điểm tối đa như vậy. Có thể miễn thi, nhưng chỉ là dùng trong trường hợp được tốt nghiệp, còn điểm tuyệt đối là không nên, điều này là bất cập”.

Nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, quy định miễn thi môn Ngoại ngữ ở các kỳ thi đầu cấp, thi THPT Quốc gia, ngoài tác dụng kích thích học sinh học tốt Ngoại ngữ, song cũng không loại trừ khả năng xảy ra tình trạng tiêu cực như: Mua chứng chỉ Ngoại ngữ, làm chứng chỉ giả... Điều này là bất công với những với thí sinh vùng nông thôn không có điều kiện học và thi ở các trung tâm. Theo đó, miễn thi môn Ngoại ngữ là không cần thiết. Để công bằng, cần tổ chức kỳ thi bình đẳng giữa các thí sinh, nếu đã học tốt Ngoại ngữ, chắc chắn sẽ đạt điểm cao, không ai nghi ngờ chuyện tiêu cực nào cả.

Bộ GD&ĐT vừa công bố danh sách các đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ Ngoại ngữ theo Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT) gồm 8 trường đại học. Ngoài ra, có thêm 5 trường đại học đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ ra đề thi Ngoại ngữ, chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ chấm thi nói và viết Ngoại ngữ theo các định dạng đề thi đánh giá năng lực Tiếng Anh theo Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT không chịu trách nhiệm đối với các đơn vị không có tên trong danh sách và các chứng chỉ không theo mẫu đã công bố.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày