Nữ tài xế công nghệ không còn là hình ảnh quá xa lạ với người dùng. Vượt qua định kiến “nghề của đàn ông”, những bác tài nữ ngày càng cho thấy khả năng cầm lái của mình, từng bước trở thành một phần quan trọng trong cộng đồng tài xế.
Cùng bạn đồng hành trên muôn nẻo đường, liệu bạn có thắc mắc túi đi làm của các nữ tài xế có những vật dụng nào không thể tách rời, và cả sâu trong “túi tâm tư” của họ chứa đựng những câu chuyện nghề, chuyện đời nào chưa kể? Hãy cùng mở khóa!
Gần như cả ngày đều rong ruổi trên khắp các tuyến đường từ Đức Hòa (Long An) đến TP.HCM đưa đón khách, chị Nguyễn Thị Anh Đào luôn mang theo nước uống và bánh kẹo để có thể nạp năng lượng bất cứ khi nào. Đồng thời, cơm trưa cũng luôn có sẵn trên xe của chị, vừa tiết kiệm lại vừa ngon miệng vì “cái gì của nhà cũng hợp khẩu vị mình nhất”.
Chị Đào cho biết, do phạm vị hoạt động khá rộng nên chị luôn thủ sẵn những dụng cụ sửa xe cơ bản, phòng khi gặp sự cố phương tiện giữa đường còn có thể xoay sở. Nhờ đó mà từ một người chẳng có chút kiến thức gì về xe cộ, giờ đây chị đã biết tự thay bugi, châm nước mát,… thậm chí biết nghe tiếng xe để “bắt bệnh”.
Chọn cái nghề mà mọi người vẫn thường hay gán chỉ dành cho nam giới, nhưng chị Đào vẫn chẳng mảy may bận lòng. Chị vẫn chăm sóc bản thân, vẫn làm đẹp cho mình mỗi ngày. Đó là lý do chị không thể thiếu kem chống nắng và son môi khi đi làm. “Ngồi trong xe nhưng nắng vẫn chiếu vào, vẫn có tia UV nên mình luôn phải bôi kem chống nắng để chống lão hóa. Rồi thêm cả son môi cho tươi tắn hơn nữa, ngoại hình mình chỉn chu mới dễ tạo được thiện cảm với khách hàng”, chị Đào chia sẻ.
Không chỉ trang bị cho mình, chị Đào còn chuẩn bị cả khăn ướt, khăn giấy khô và cồn sát khuẩn để khách sử dụng. Chị cho biết: “Nhiều khách họ bận lắm nên khi lên xe họ thường tranh thủ ăn nhẹ này kia, lúc đó mình có khăn, cồn để họ lau tay cho sạch sẽ. Mình chu đáo với khách thì khách cũng sẽ quý mình thôi”.
Với hành trang đi làm đầy đủ như trên, tưởng rằng chị Đào hẳn phải là người có thâm niên trong nghề nhưng ít ai biết rằng, chị chỉ mới bén duyên với Grab hơn 5 tháng.
Trước kia chị làm nhân viên văn phòng, sau biến cố hôn nhân đã chuyển sang kinh doanh riêng để có thời gian chăm sóc mẹ tuổi đã cao và con gái. Đến năm 2023, trong một lần nhìn thấy tài xế Grab đón khách tại trung tâm thương mại, chị Đào chợt thấy “cái nghề này hay quá ta”, thế là chị đánh liều đến hỏi thăm cách đăng ký làm tài xế công nghệ.
Bảo là “đánh liều” vì chị Đào vốn rất sợ xe ô tô. Chị kể: “Hồi trước cứ mỗi lần lên xe là chóng mặt, buồn nôn, mắt nhắm hết lại đến nơi mới dám mở ra. Nhưng nhìn các tài xế khác họ làm nghề mình thấy thích quá, nên mình quyết tâm học lái ô tô để đăng ký cho bằng được. Cuối cùng mình đã lấy được bằng lái trong 6 tháng và chính thức nên duyên với Grab hồi tháng 10/2023”.
Từ một người chỉ cần nghe đến ô tô là sợ, giờ đây chiếc ô tô ấy đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết của chị Đào, vừa mang đến nguồn thu nhập chính, vừa tạo ra niềm vui lẫn cơ hội phát triển bản thân cho chị.
“Ngoài việc cải thiện kinh tế, mình thích nghề này ở nhiều điểm lắm. Thứ nhất là mình được mở mang tầm mắt. Bình thường mình đâu có thời gian đâu mà xách xe chạy sang quận này, quận nọ xem họ xây cầu nào mới, đường nào mới. Vậy mà nhờ chạy Grab, nhờ khách đặt xe mình biết đường sá, xã hội đã phát triển ra sao.
Thứ hai nữa là mình rèn được sự khéo léo khi giải quyết các tình huống. Chẳng hạn như chạy những chuyến vào giờ cao điểm kẹt xe, mình nhanh ý trò chuyện với khách, khơi chuyện để họ cởi mở hơn, dù kẹt xe đến mấy cũng thấy chuyến xe ngắn lại.
Rồi nghề này còn thôi thúc mình trau dồi ngoại ngữ nữa. Hồi đó ở nhà có bao giờ mình lôi sách vở ra học “Hi”, “Hello” gì đâu, đến khi chạy Grab gặp khách nước ngoài khiến mình quyết tâm học. Lúc đợi chuyến mới là mình lên mạng học các câu cơ bản như mời khách lên xe, thông báo tới nơi rồi, báo tổng số tiền cần trả,… Bây giờ gặp khách Tây tự tin hẳn luôn”, chị Đào kể.
Với tinh thần học hỏi không ngừng, chị Đào tiết lộ sắp tới chị sẽ tranh thủ học thêm các nội dung đào tạo như bảo dưỡng phương tiện và kỹ năng tự vệ,... sắp được Grab triển khai. Đây cũng là một trong những hoạt động thuộc chương trình “Nữ đối tác tài xế Grab”. “Cái gì chưa giỏi mình càng phải học, càng sợ mình càng muốn vượt qua, tính mình vậy đó”, chị Đào hồ hởi nói.
Tự nhận mình là người đơn giản nhất nhì cộng đồng nữ tài xế Grab, chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm (1985, Tân Phú, TP.HCM) cho biết bản thân chỉ mang theo những vật dụng cơ bản.
“Tất nhiên hành trang không thể thiếu của mình phải là điện thoại rồi, vật bất ly thân của tài xế công nghệ mà. Tiếp đến là sạc dự phòng, phòng khi điện thoại hết pin là sạc ngay vì mình nhận chuyến cả ngày ngoài đường. Rồi bình nước để uống và tai nghe để sử dụng khi cần thôi. Như thế với mình là đầy đủ “đồ nghề” rồi”, chị Trâm nói.
Trở thành đối tác tài xế của Grab đã nhiều năm, đưa đón cả ngàn khách hàng, chị Trâm tiết lộ hành trang đi làm của mình luôn luôn gọn nhẹ là có nguyên do cả. “Việc treo móc lỉnh kỉnh sẽ gây vướng víu trong quá trình lái xe, đem nhiều đồ cũng dễ bị cướp giật nữa. Mà tình huống nào xảy ra cũng đều gây mất an toàn cho mình lẫn khách hàng hết. Phòng bệnh hơn chữa bệnh nên mình ưu tiên mang đơn giản nhất có thể”.
Không chỉ dừng lại ở đó, mỗi khi đón khách, thấy chị em phụ nữ nào mang túi xách, chị cũng đều dặn dò họ cẩn thận để vào phía trong. Khi túi nặng hoặc có đồ quan trọng, nếu khách đồng ý chị sẽ hỗ trợ cất vào cốp xe để đảm bảo an toàn khi đi đường.
Xuyên suốt những câu chuyện nghề chị Trâm kể, dễ dàng thấy rằng chị luôn đặt sự an toàn của khách lên hàng đầu. Chị nói rằng chị rất trân trọng từng vị khách của mình và công việc hiện tại, vì chính nghề tài xế công nghệ đã góp phần vực dậy chị sau những biến cố cuộc sống.
Được biết, trước đây chị Trâm làm nhân viên văn phòng, nhưng công ty giải thể do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, chị quyết định trở thành đối tác tài xế của Grab. Cuộc sống đang dần ổn định thì vào đầu năm 2023, mẹ chị nhận chẩn đoán ung thư. “Thật sự lúc ấy mình rất suy sụp, nhưng mình buộc phải cố gắng để làm điểm tựa cho mẹ, còn nước còn tát. May sao mẹ mình đáp ứng thuốc tốt nên giai đoạn này đã tạm ổn”, chị Trâm xúc động nói.
Để đủ tiền trang trải thuốc thang hàng tháng, chị Trâm phải nỗ lực gấp 2, 3 lần ngày xưa, thậm chí còn nhận cả chuyến đêm. “Nghề này hay ở chỗ mình ổn định được thu nhập mà vẫn có thể linh động thời gian. Sau khi chăm sóc cho mẹ xong thì mình sẽ bật app nhận cuốc đến tối. Hiện tại ứng dụng có tính năng “Ưu tiên nhận khách hàng nữ” nên những cuốc xe đêm mình thấy an tâm hơn. Vừa rồi mình còn nhận được sự giúp đỡ từ “Điều ước phía sau tay lái” - một chương trình hỗ trợ đối tác tài xế có hoàn cảnh khó khăn của Grab. Sự quan tâm đó là động lực để mình cố gắng hơn nữa”, chị Trâm bộc bạch.
Bên cạnh cơ hội thu nhập, chị Trâm cho biết chạy xe công nghệ cũng giúp chị học hỏi được nhiều điều và trở nên vui vẻ, lạc quan hơn. Chị nói: “Mình vừa tập được tính kiên nhẫn, vừa mở mang thêm kiến thức khi nói chuyện với khách. Hồi trước mình sống khá khép kín, nhưng từ khi chạy xe công nghệ mình đã cởi mở hơn, hoạt động nào của Grab mình cũng tranh thủ tham gia, nhất là các hội nhóm nữ tài xế để chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống và công việc”.
Mỗi người mỗi dáng vẻ khi đi làm, có người ưa gọn nhẹ như chị Trâm, người lại thích đa dạng như chị Đào. Dù vật dụng có ít nhiều khác biệt nhưng hành trang sống và làm nghề của họ lại mang nhiều nét tương đồng, đó chính là sự tận tâm với công việc, với những khách hàng của mình cùng tinh thần mạnh mẽ, lạc quan trước những khó khăn của cuộc sống.
Sáng ngày 23 tháng Chạp (tức 22/1 dương lịch), sau khi làm lễ cúng, người dân Thủ đô đem cá chép thả xuống ao, hồ để tiễn ông Công, ông Táo về trời.
ShowLive · Elliot James Reay - nam thần Anh Quốc mới nổi đã có buổi trò chuyện thân mật...