Ca sĩ Việt đang lợi dụng “thảm họa Vpop”

Thanh Huyền, Theo 09:46 11/07/2011

Giờ đây không còn tự bị khán giả gán vào, nhiều ca sĩ Việt đã mượn danh tự phong cho mình là... “thảm họa Vpop” để gây chú ý.

Thời gian vừa qua, làn sóng “thảm họa Vpop” trở lại với sức mạnh kinh hoàng. Các MV, ca khúc thảm họa liên tiếp xuất hiện, gây sự chú ý trong cộng đồng mạng. Các trang báo từ nhỏ đến lớn đều đưa tin về những gương mặt thảm họa. Người nghe nhạc chửi, dư luận lên án, nghệ sĩ chân chính lắc đầu ngao ngán. Thế nhưng thảm họa vẫn cứ nổi như cồn. Ca sĩ của thảm họa đi diễn show mệt nghỉ, nhạc chuông nhạc chờ bán đắt như tôm tươi, MV phát trên sóng truyền hình theo yêu cầu của khán giả liên tục. Vì thế có nhiều ca sĩ thích gắn cho mình cái mác “thảm họa”, hoặc lôi “thảm họa” ra để gây sự chú ý cho…. chính những sản phẩm của mình.
 
Vĩnh Thuyên Kim gần như "đổi đời" với ca khúc bị cho là "thảm họa Vpop" - "Vọng cổ teen"

“Thảm họa” ngày càng… hốt bạc

Nếu tìm kiếm trên google cụm từ “thảm họa Vpop” được 691.000 kết quả trong có 0,04 giây, đủ để thấy cụm từ này được quan tâm như thế nào trong một thời gian ngắn. Vũ Hà, ca sĩ đời F1 của “thảm họa Vpop” nổi như cồn sau khi bị dư luận dập tơi tả về một loạt các bài hát nhái nhạt nhẽo, lố bịch, ca từ vô vị. Sau khi được xướng tên trên bảng phong thần thảm họa, Vũ Hà lập tức xuất hiện trong danh sách của các bầu show. Ban đầu chỉ là những show diễn tỉnh, miền Tây, sau đó là show diễn ở các thành phố lớn. Trước đó Vũ Hà cũng làm ca sĩ, nhưng không ai nhớ đến anh. Vậy mà sau thảm họa Nobody, Vũ Hà tạo thành trào lưu trên thế giới ảo.

Mới đây nhất, đời F2 sau Vũ HàPhi Thanh Vân, ban nhạc gây sóng gió trên youtube HKT đã lập được kỉ lục khi MV được 2 triệu lượt truy cập chỉ trong chưa đầy 2 tuần. HKT từ nhóm nhạc chuyên đi hát ở các sân khấu nhỏ miền Tây, trở nên nổi tiếng và đi diễn các show lớn ở khắp các tỉnh thành cũng như thành phố lớn. Những nhóm nhạc được đào tạo bài bản, có thực lực như V.Music, The Men… có nằm mơ cũng không dám nghĩ MV của mình được số lượng truy cập khủng như vậy. Điều bất ngờ hơn, nhạc chuông nhạc chờ của HKT được tải về với số lượng cực lớn. Trên kênh truyền hình chuyên phát các MV ca nhạc do khán giả yêu cầu, clip của HKT vẫn được phát ngày, phát đêm với những đoạn nhạy cảm bị cắt đi.
 
HKT "thành công" đến kinh ngạc trên mọi mặt trận

HKT không phải là người đầu tiên kiếm được tiền từ bài hát thảm họa của mình. “Tiền bối” đời F1 là  Vĩnh Thuyên Kim với ca khúc Teen vọng cổ đã kiếm được cả tỉ đồng tiền nhạc chuông nhạc chờ trong năm vừa qua.

Mượn danh “thảm họa” để gây chú ý

Sau làn sóng dư luận về “thảm họa Vpop”, trên youtube xuất hiện tràn lan những clip với giật title liên quan đến thảm họa để thu hút sự chú ý. Nhiều ca sĩ không ai biết mặt đặt tên, bài hát cũng ở mức tầm tầm, không hay mà cũng chẳng đáng xếp vào hàng thảm họa, cũng tự đặt tên mình vào danh sách thảm họa. Nếu tìm kiếm cụm từ “thảm họa Vpop” trên youtube, bạn sẽ được khá nhiều kết quả các clip của ca sĩ thảm họa, và cả những clip không biết ở đâu cũng gắn mắc thảm họa.

Rất nhiều ca sĩ, trong thời gian làn sóng thảm họa làm mưa làm gió, cũng “mượn gió bẻ măng”, lên báo phát biểu những câu rất hung hồn. PTV sau một thời làm "náo loạn" Vpop với series Da nâu, tiếp tục con đường ca hát ồn ào với hẳn một album hoành tráng mang tên Tâm hồn là vĩnh cữu. Mặc cho mọi ý kiến chỉ trích, người đẹp vẫn hùng hồn tuyên bố album của mình là một sản phẩm chất lượng. Người đẹp TN muốn lấn sân sang ca hát. Đột nhiên một số trang báo đưa nghi vấn “TN sẽ là thảm họa Vpop mới”, và tất nhiên ngay sau đó là lời đính chính của khổ chủ: “Tôi sẽ không là thảm họa Vpop”. Hay nam ca sĩ TK, sau một thời gian đi hát không mấy thành công đã quyết định làm một cuộc “cách mạng” cho sự nghiệp của mình khi cho ra mắt ca khúc với cái tên không thể chấp nhận được và tự phong cho mình là “đại thảm họa Vpop”.
 

 
Những nghệ sĩ có tiếng thì trả lời ngắn gọn: “Đó có phải là âm nhạc không mà chúng ta cần để ý”, nhưng cũng không ít những nghệ sĩ bỗng dưng muốn nói về thảm họa trong các bài phỏng vấn của mình.

Tạm kết

Không phủ nhận những ca khúc thảm họa có sức lan tỏa mạnh mẽ. Người ta cứ vào phê phán, cứ bình luận chê bai, chửi bới. Cái đã nổi tiếng, dù là tai tiếng, cũng khiến người ta tò mò muốn xem. Tuy nhiên có cung thì mới có cầu, những ca sĩ thảm họa không thể chạy show thường xuyên, đứng cùng sân khấu với những ca sĩ thực thụ chỉ vì khán giả đi xem để thỏa sức tò mò. Bầu show mời ca sĩ, ắt hẳn phải bán được vé. Vậy những “thảm họa” vẫn có khán giả riêng?

Việc đồng loạt tấn công vào những “thảm họa” nhạc Việt để ngăn chặn chúng, vô hình chung lại khiến những thảm họa khác bùng nổ mạnh mẽ, táo bạo và kinh khủng hơn những cái được coi là thảm họa trước đó.  Điều đó đòi hỏi khán giả phải có cái nhìn nghiêm túc hơn về trách nhiệm của mình trong việc thưởng thức, bình luận, đánh giá về sản phẩm để nhanh chóng đào thải những "mầm mống" có hại khỏi Vpop.