Người cao tuổi sống tại khu vực đô thị dễ bị sốc nhiệt do nắng nóng kéo dài

Định Nguyễn, Theo Thời Đại 23:30 05/06/2017

Trước ghi nhận có 2 trường hợp đột tử nghi do nắng nóng tại Hà Nội, bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, nhiều người già ở khu vực đô thị, có thể dễ bị sốc nhiệt trong đợt nóng kéo dài.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, mấy ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng gió phơn hoạt động mạnh nên ở Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã xảy ra nắng nóng trên diện rộng.

Từ ngày 2-5/6 xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, một số nơi ở Bắc Bộ nhiệt độ cao vượt mức lịch sử: tại Hà Đông (Hà Nội) 42.5 độ (kỷ lục năm 2015 là 40.8 độ), tại Lạng Sơn 38.8 độ (kỷ lục năm 2012 là 38.4 độ), tại Bắc Giang 40.5 độ (kỷ lục năm 1994 là 38.7 độ), tại Phủ Liễn (Hải Phòng) 39.5 độ (kỷ lục năm 2001 là 39 độ).

Người cao tuổi sống tại khu vực đô thị dễ bị sốc nhiệt do nắng nóng kéo dài - Ảnh 1.

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc mấy ngày qua nắng nóng kỷ lục.

Liên tiếp các trường hợp đột tử nghi do nắng nóng

Hiện tại ở Hà Nội đã ghi nhận 2 trường hợp đột tử nghi do nắng nóng. Theo đó, khoảng 10h sáng 5/6, một cụ bà 70 tuổi, ở khu vực Xã Đàn, Ô Chợ Dừa, Hà Nội, bị chóng mặt sau đó ngã gục trên đường. Những người chứng kiến cho biết lúc đó cụ bà đang đi giữa phố Xã Đàn bỗng dưng có biểu hiện chóng mặt và ghé vào bên đường rồi gục xuống. Thấy vậy, người dân khu vực đã nhanh chóng sơ cứu và gọi cấp cứu. Tuy nhiên, khi lực lượng 115 có mặt thì bà cụ đã tắt thở.

Thời điểm xảy ra sự việc, trên chiếc giỏ xe máy của cụ bà vẫn còn nguyên một túi đá lạnh vừa đi mua về. Khu vực xảy ra sự việc rất gần nhà nạn nhân. Đến 10h40 cùng ngày, lực lượng chức năng cùng gia đình đã đưa thi thể nạn nhân về nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai để khám nghiệm.

Trước đó, khoảng 15h chiều ngày 3/5, một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi được phát hiện chết gục bên gốc cây nhiều giờ tại tuyến đường thôn Lễ Pháp, thị trấn Đông Anh, Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch UBND thị trấn Đông Anh xác nhận vụ việc và cho biết nguyên nhân khiến người đàn ông tử vong có thể là do nắng nóng. Tuy nhiên, để biết nguyên nhân chính xác phải chờ cơ quan chức năng làm rõ.

Người cao tuổi sống tại khu vực đô thị dễ bị sốc nhiệt do nắng nóng kéo dài - Ảnh 2.

Trưa cùng ngày, thi thể cụ bà được đưa về nhà tang lễ BV Bạch Mai để khám nghiệm.

Nắng nóng, người cao tuổi dễ bị sốc nhiệt

Trước tình hình nắng nóng gay gắt, đỉnh điểm như mấy ngày vừa qua, tiến sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời điểm nắng nóng như trên người dân dễ bị sốc nhiệt. 

Sốc nhiệt rất dễ ảnh hưởng tới người cao tuổi sống trong các căn hộ hoặc nhà thiếu điều hòa không khí, nhà không được thông khí tốt. Các nhóm nguy cơ cao khác bao gồm người ở bất cứ lứa tuổi nào không uống đủ nước, có bệnh mãn tính, hoặc những người uống quá nhiều bia rượu.

Người cao tuổi sống tại khu vực đô thị dễ bị sốc nhiệt do nắng nóng kéo dài - Ảnh 3.

Theo bác sĩ, người cao tuổi dễ bị sốc nhiệt giữa những ngày nắng nóng kỷ lục.

Theo bác sĩ Chính, sốc nhiệt có liên quan chặt chẽ với chỉ số nhiệt (heat index), chỉ số nhiệt là một đại lượng đo lường xem bạn cảm thấy nóng như thế nào khi những ảnh hưởng của độ ẩm tương đối và nhiệt độ không khí được kết hợp. Độ ẩm không khí trên 60% làm cản trở việc đổ/bài tiết mồ hôi do đó làm cản trở khả năng tự làm mát của cơ thể.

Nguy cơ rơi vào các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt tăng đáng kể khi chỉ số nhiệt leo lên tới trên 90 độ. Vì vậy, điều quan trọng (đặc biệt trong đợt nóng) là chú ý tới chỉ số nhiệt được báo cáo, và cũng cần nhớ rằng tiếp xúc hoàn toàn với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng chỉ số nhiệt được báo cáo lên 15 độ.

"Nếu bạn sinh sống ở khu vực đô thị, bạn có thể dễ bị sốc nhiệt trong đợt nóng kéo dài, đặc biệt nếu điều kiện khí quyển trì trệ (không có gió) và chất lượng không khí kém. Hiện tượng được gọi là "hiệu ứng đảo nhiệt" (nhựa đường và nhà kho bằng bê tông bị đốt nóng vào ban ngày và chỉ tỏa dần nhiệt vào ban đêm) làm cho nhiệt độ ban đêm cao hơn", bác sĩ Chính thông tin.

Các yếu tố nguy cơ khác kết hợp với các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt bao gồm:

+ Tuổi: trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 4 tuổi và người lớn trên 65 tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương do nhiệt bởi vì họ thích nghi với nhiệt chậm hơn so với những người khác.

+ Tình trạng sức khỏe: các bệnh lý tim, phổi hoặc thận, béo phì hoặc thiếu cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần, bệnh hồng cầu hình liềm, nghiện rượu, bỏng nắng, và bất cứ tình trạng nào gây sốt... đều rất dễ bị tổn thương do nhiệt.

+ Thuốc: khi sử dụng các thuốc kháng histamin, thuốc giảm cân, thuốc lợi tiểu, thuốc an thần, các thuốc kích thích, thuốc chống động kinh, thuốc tim mạch và huyết áp (thuốc chẹn beta, thuốc co mạch), và các thuốc điều trị bệnh tâm thần (thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần)... làm tăng nguy cơ tổn thương do nhiệt. Ma túy (cocain, methamphetamin) cũng liên quan tới việc tăng nguy cơ bị sốc nhiệt.

Những người có bệnh đái tháo đường - có nguy cơ cao phải vào cấp cứu, nhập viện, và tử vong do các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt – thường đánh giá thấp nguy cơ của họ trong đợt nóng.

Hãy đi khám bác sĩ nếu thấy tình trạng sức khỏe và thuốc men của bạn có thể ảnh hưởng tới khả năng đối phó với nhiệt độ và độ ẩm cao (đặc biệt trong các đợt nóng).

Sơ cứu ban đầu sốc nhiệt:

Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị sốc nhiệt, hãy gọi số điện thoại cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Bất cứ sự trì hoãn việc tìm kiếm hỗ trợ y tế nào đều có thể khiến bệnh nhân tử vong.

Trong khi đợi y tế đến, cần phải tiến hành sơ cứu. Đưa bệnh nhân tới môi trường có điều hòa nhiệt độ, hoặc ít nhất là một khu vực râm mát, và cởi bỏ bất cứ quần áo nào không cần thiết.

Nếu có thể được, đo nhiệt độ trung tâm cơ thể của bệnh nhân và bắt đầu tiến hành sơ cứu bằng cách làm mát để hạ nhiệt độ trung tâm cơ thể xuống 38,33 – 38,880C (101 - 1020F). Nếu không có nhiệt kế, không do dự tiến hành sơ cứu.

Bạn có thể thực hiện các phương pháp làm mát sau:

+ Quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước

+ Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da cho nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể.

+ Nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát, hoặc bồn tắm nước đá.

Nếu hỗ trợ y tế tới muộn, bạn có thể gọi điện tới các phòng cấp cứu trong bệnh viện để được hướng dẫn thêm.

Khi bạn đã hồi phục sau sốc nhiệt, bạn có thể nhạy cảm hơn với nhiệt độ cao trong các tuần tiếp theo. Vì vậy, tốt nhất là tránh thời tiết nóng và tập luyện nặng cho tới khi bác sĩ nói với bạn rằng bạn đã an toàn để quay lại các hoạt động bình thường.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày