Người phụ nữ Hà Nội mất 620 triệu sau cuộc nói chuyện qua điện thoại với "trung úy công an"

Hoàng An, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 13:49 21/03/2021

Đến lần thứ hai bị "trung úy công an" yêu cầu rút 200 triệu từ ngân hàng, bà T. mới biết đã bị kẻ gian lừa đảo.

Ngày 20/3, Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, đang phối hợp cùng đơn vị chức năng điều tra vụ lừa đảo xảy ra trên địa bàn, qua hình thức gọi điện thoại, giả danh công an.

Theo đó, nạn nhân là bà T. P. T. (trú tại quận Hoàng Mai) trình báo với cơ quan công an, chiều 19/3, có nhận được số điện thoại 88223638768 gọi vào số di động của bà. Kẻ đầu máy bên kia giới thiệu là nhân viên bưu điện, nói bà có một thư bảo mật, "hỏi có cần xem trước nội dung không".

Khi bà T. đồng ý, bên kia điện thoại nói "bà có mở một thẻ ngân hàng Chi nhánh Đà Nẵng, hiện nợ hơn 38 triệu đồng". Nghe vậy người phụ nữ phủ nhận.

Tiếp đến kẻ lạ hỏi "bà có muốn báo án hay không" và yêu cầu bà giữ máy. Khoảng 5 phút sau, một giọng nam giới thiệu là Trung uý Nguyễn Hùng Sơn, đang công tác tại Công an thành phố Đà Nẵng.

"Trung úy Sơn" tuyên bố bà T. P. T. liên quan đến tội phạm rửa tiền quốc gia, và yêu cầu bà kết bạn với tài khoản Zalo tên là Nguyễn Hùng Sơn. Ngay sau đó, "Trung úy Sơn" còn gửi một lệnh bắt tạm giam đến bà Trần.

Thấy nạn nhân đã hoảng loạn, kẻ này yêu cầu bà T. cung cấp số tài khoản ngân hàng và mật khẩu tài khoản Internet Banking để phối hợp điều tra. Đối tượng gửi tin nhắn Zalo cho bà T. 5 hình ảnh mã QR code, yêu cầu đăng nhập.

Làm theo hướng dẫn của "Trung úy Sơn", bà T. kiểm tra tài khoản, phát hiện tổng số tiền 620 triệu đồng đã bị rút hết. Khi bà hỏi lại, đối tượng nói là đang phong toả tiền để quốc gia giữ hộ.

Tuy nhiên, sang hôm 20/3, "Trung úy Sơn" tiếp tục sử dụng tài khoản Zalo liên lạc, yêu cầu bà T. P. T. rút nốt số tiền 200 triệu đồng từ sổ tiết kiệm ngân hàng. Lúc này, nạn nhân mới biết bị lừa đảo.

Sau vụ việc, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi có nội dung thông báo việc điều tra vụ án qua điện thoại. Mọi người nên từ chối các cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền, nhận bưu phẩm của kẻ giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm.

Đặc biệt, người nghe điện thoại không nên đưa thông tin cá nhân, số điện thoại, OTP cho bất kỳ người lạ nào. Khi thấy tin nhắn hỏi vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền qua mạng xã hội, người dân cần trình báo công an nơi gần nhất.

Trước đó, Bộ Công an cho hay, chỉ tính riêng các vụ lừa đảo được người dân trình báo, tố giác, trong 6 tháng đầu năm 2020, Công an 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiếp nhận 776 vụ, với số tiền bị lừa đảo lên đến hàng nghìn tỉ đồng.