Nhà khoa học cho lĩnh vực mới tại VinFuture: 4 đại diện hàng đầu thế giới được vinh danh nhờ nghiên cứu chữa bệnh thiết thực

Chi Chi, Theo Phụ nữ mới 22:08 20/12/2023

Giải thưởng Đặc biệt trị giá 500.000 USD dành cho nhà khoa học lĩnh vực mới đã vinh danh nghiên cứu trong lĩnh vực y tế.

Vào tối ngày 20/12, lễ trao giải VinFuture mùa 3 đã chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. VinFuture là nơi hội tụ các trí tuệ khoa học lỗi lạc nhất cùng những công trình nghiên cứu mang tính đột phá, giúp thế giới phục hồi sau đại dịch và góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp, bền vững hơn cho hàng triệu người.

Nhà khoa học cho lĩnh vực mới tại VinFuture: 4 đại diện hàng đầu thế giới được vinh danh nhờ nghiên cứu chữa bệnh thiết thực - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại lễ trao giải

Hệ thống giải thưởng VinFuture bao gồm: Giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD, 3 giải Đặc biệt mỗi giải trị giá 500.000 USD. Năm nay, giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới đã thuộc về 4 nhà khoa học: Giáo sư Daniel Joshua Drucker đến từ Canada, Giáo sư Jens Juul Holst đến từ Đan Mạch, Giáo sư Joel Francis Habener đến từ Mỹ và Phó Giáo sư Svetlana Mojsov đến từ Serbia.

Công trình nghiên cứu được vinh danh là tìm ra các isoform chức năng của peptide giống glucagon 1 (GLP-1), tạo nền tảng điều trị bệnh tiểu đường và béo phí hiệu quả, giúp thúc đẩy các liệu pháp điều trị mới cho các bệnh thoái hóa thần kinh, góp phần kiến tạo một thế giới khỏe mạnh hơn. Vì lý do sức khỏe, Giáo sư Joel Francis Habener không có mặt trong buổi lễ ngày hôm nay.

Nhà khoa học cho lĩnh vực mới tại VinFuture: 4 đại diện hàng đầu thế giới được vinh danh nhờ nghiên cứu chữa bệnh thiết thực - Ảnh 2.

3 nhà khoa học nhận giải Đặc biệt cho nghiên cứu lĩnh vực mới

Giáo sư Daniel Joshua Drucker cho biết: "Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực của quỹ VinFuture đã đóng góp xây dựng cộng đồng quốc tế mạnh mẽ hơn, tốt hơn. Tôi gửi lời cảm ơn đồng nghiệp, bao gồm cả Joel Francis Habener không có mặt tại đây. Khoa học luôn có nhiều thử thách và trong những ngày tháng khó khăn, nhưng tôi luôn được hỗ trợ của cha mẹ, vợ và con cháu giúp tôi vượt qua những năm tháng đó. Sự công nhận này cũng là thành quả kết tinh của hàng nghìn nghiên cứu sinh, những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm và bệnh nhân, những ng tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng. Và gần đây 1 tạp chí khoa học đã coi phát minh này là Phát minh của năm và GLP1 tiếp tục là nền tảng cải thiện sức khỏe con người toàn cầu".

Giáo sư Jens Juul Holst thì phát biểu: "Tôi vui mừng có mặt ở đây và hạnh phúc khi các bạn công nhận đây là phát kiến quan trọng thời gian qua. Có thể coi đây là đột phá trong năm nay về KHCN. Công trình của chúng tôi đã bắt đầu từ năm 1980 và chúng tôi không nghĩ những gì đạt được tiến triển xa như hôm hay. Rõ ràng ta đã đạt được thành tựu và giải quyết được vấn đề nhân loại đang đối mặt. Hy vọng tiềm năng GPL -1 tiếp tục được tận dụng và nhờ đó thực sự giải quyết được vấn đề chúng ta đang gặp phải".

Phát biểu nhận giải thưởng, Phó Giáo sư Svetlana Mojsov chia sẻ: "Tôi vinh dự được nhận Giải thưởng VinFuture cho công trình GLP-1. Tôi đặc biệt vui mừng khi công trình của tôi và đồng nghiệp đem lại ảnh hưởng tích cực cho cuộc sống người dân toàn cầu. Tôi xin gửi lời cảm ơn đồng nghiệp vì đã hỗ trợ hết mình và thành viên Hội đồng giải thưởng đã công nhân nỗ lực của chúng tôi".

Được ra đời với sứ mệnh vinh danh các nhà khoa học, VinFuture năm nay mang chủ đề "Chung sức toàn cầu". Các giải thưởng được trao tặng là những công trình, nghiên cứu nhằm giải quyết các thách thức chung của nhân loại, hướng tới một thế giới bình đẳng, tốt đẹp hơn. Theo thông tin từ ban tổ chức, VinFuture 2023 đã thu hút số lượng hồ sơ đề cử kỷ lục - 1.389 công trình khoa học công nghệ đến từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là con số hiếm giải thưởng lớn nào trên thế giới đạt được. Con số này cho thấy tầm vóc và phạm vi ảnh hưởng ngày càng tăng của Giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu đầu tiên do người Việt khởi xướng.