Nhìn lại những sự kiện giáo dục tiêu biểu, nổi bật nhất năm 2022

Huỳnh Đức - Design: Mai Linh, Theo Tổ quốc 15:24 27/12/2022

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, tăng lương cho giáo viên, tạm hoãn thi IELTS… là những sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2022.

Quy chế mới trong tuyển sinh đại học

Theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 6/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, công tác tuyển sinh năm 2022 cơ bản giữ ổn định tuy nhiên cũng có một số điểm mới so với mọi năm. Cụ thể:

Thứ nhất: Thí sinh đăng ký xét tuyển sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến (trên Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia) nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thuận tiện cho thí sinh ở mọi nơi, mọi lúc.

Thứ hai: Tất cả các nguyện vọng xét tuyển đại học của thí sinh xét tuyển đợt 1 được đăng ký và ghi nhận vào hệ thống trong khoảng thời gian quy định, từ sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho tới khi công bố kết quả thi và kết quả điểm phúc khảo (nếu có).

Thứ ba: Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh được từng trường xét tuyển, sơ tuyển trước (nếu cần), đưa lên phần mềm xử lý nguyện vọng theo hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhìn lại những sự kiện giáo dục tiêu biểu, nổi bật nhất năm 2022 - Ảnh 1.

Công tác tuyển sinh năm 2022 cơ bản giữ ổn định tuy nhiên, có một số điểm mới

Thứ tư: Các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau. Việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ và lộ trình hợp lý, tránh làm ảnh hưởng tới việc học tập, ôn luyện của các thí sinh.

Thứ năm: các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường THPT rà soát và cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành kết quả học tập THPT của thí sinh để đồng bộ sang hệ thống hỗ trợ tuyển sinh, nhằm hỗ trợ thí sinh và các trường về dữ liệu trong công tác xét tuyển. Thí sinh sẽ không cần công chứng hoặc yêu cầu trường THPT xác nhận kết quả học tập, giảm thủ tục hành chính cho các em.

Thứ sáu: Các trường quy định phương án giải quyết các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển sinh, làm rõ các cam kết, giúp thí sinh có cơ hội tốt hơn. Từ năm 2023, các trường xây dựng quy chế tuyển sinh của riêng cơ sở đào tạo theo quy định.

Thứ bảy: Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và 1 năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Thứ tám: Việc tính mức điểm ưu tiên được điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau, áp dụng theo lộ trình từ năm 2023.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11, sách giáo khoa tiếng dân tộc và tài liệu giáo dục địa phương; tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018.

Nhìn lại những sự kiện giáo dục tiêu biểu, nổi bật nhất năm 2022 - Ảnh 2.

Năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018

Tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành báo cáo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có những chuyển biến tích cực; mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.

Lạm thu đầu năm

Năm học 2022-2023, Bộ GDĐT đã ban hành những quy định về quản lý, công khai các khoản thu, chi đầu năm học. Tuy nhiên, tại một số trường vẫn xuất hiện những khoản thu, chi kỳ lạ khiến phụ huynh bất ngờ đến... "ngã ngửa". Chẳng hạn như: Góp 300.000 đồng để... chọn giáo viên chủ nhiệm "xịn" cho con tại trường Tiểu học Đội Cung (TP Vinh, Nghệ An), đề nghị 37 phụ huynh đóng góp 26 triệu để xây trạm biến áp tiền tỷ tại trường THPT Lê Chân (Hải Phòng)...

Nhìn lại những sự kiện giáo dục tiêu biểu, nổi bật nhất năm 2022 - Ảnh 3.

Năm học 2022-2023, tại một số trường vẫn xuất hiện những khoản thu, chi kỳ lạ đầu năm học mới

Chứng kiến tình trạng lạm thu như vậy, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ có những giải pháp quyết liệt để chấm dứt tình trạng này. Ngoài việc xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu, sự kiên quyết từ các địa phương và việc hiểu đúng, hiểu rõ từ cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh để giải quyết thấu đáo vấn đề.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ tăng cường hoạt động thanh kiểm tra tại các địa phương để kịp thời chấn chỉnh, kiến nghị xử lý những sai phạm nếu có. Và để giải quyết tận gốc vấn đề này, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét sửa đổi Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT và các văn bản có liên quan đến thu chi đảm bảo thống nhất và phù hợp với thực tiễn thời gian qua.

Tăng lương cho giáo viên

Ngày 11/11/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1.800.000 đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng.

Theo quy định hiện hành, tiền lương của giáo viên được tính bằng công thức sau: Tiền lương cơ sở x Hệ số lương.

Như vậy, sau khi lương cơ sở tăng từ 1/7/2023, bảng lương của giáo viên sẽ tăng lên với mức tăng tùy vào từng cấp dạy, hạng giáo viên, bậc lương.

Chi tiết bảng lương của giáo viên khi tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 như sau:

Nhìn lại những sự kiện giáo dục tiêu biểu, nổi bật nhất năm 2022 - Ảnh 4.
Nhìn lại những sự kiện giáo dục tiêu biểu, nổi bật nhất năm 2022 - Ảnh 5.
Nhìn lại những sự kiện giáo dục tiêu biểu, nổi bật nhất năm 2022 - Ảnh 6.
Nhìn lại những sự kiện giáo dục tiêu biểu, nổi bật nhất năm 2022 - Ảnh 7.

Tình trạng thiếu giáo viên

Tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội diễn ra vào hôm 27/10, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến vấn đề thiếu giáo viên. Trao đổi, làm rõ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: "Thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc, chuyển việc tuy là hai vấn đề này khác nhau, nhưng lại có mối liên hệ mật thiết".

Về vấn đề thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung từ nay tới năm 2026 lên đến 107.000 người. Con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc.

Nhìn lại những sự kiện giáo dục tiêu biểu, nổi bật nhất năm 2022 - Ảnh 8.

Tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội diễn ra vào hôm 27/10, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến vấn đề thiếu giáo viên.

Về nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, nhiều năm về trước đã không đủ do số lượng bỏ việc, giảng viên nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu do thừa, thiếu cục bộ, khó điều tiết và thiếu do tăng dân số tự nhiên. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên.

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, vừa qua Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu và sẽ tuyển dần trong từ nay đến năm 2026. Riêng năm 2022 được duyệt 27.850 chỉ tiêu. Các sở nội vụ của các tỉnh phối hợp với sở GD&ĐT, cùng các đơn vị đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên.

Lùi giờ vào học

Trước đây, trên một số diễn đàn phụ huynh đang có những tranh luận về thời gian vào học phù hợp cho học sinh. Trong đó, có nhiều ý kiến đồng tình lùi giờ vào học để các con có thể nghỉ ngơi, ăn uống tốt hơn. Trẻ có thể ngủ nhiều hơn, có sức khoẻ tốt hơn và phát triển tốt về chiều cao, trí tuệ, tinh thần học tập... Trong khi đó, cũng có không ít cha mẹ mong giữ nguyên giờ giấc như hiện nay.

Nhìn lại những sự kiện giáo dục tiêu biểu, nổi bật nhất năm 2022 - Ảnh 9.

Trước đây, trên một số diễn đàn phụ huynh đang có những tranh luận về thời gian vào học phù hợp cho học sinh

Đứng trước ý kiến tranh luận đó, ngày 27/10, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đã có chỉ đạo mới liên quan tới thời gian vào học của học sinh trên địa bàn thành phố. Ông Minh chia sẻ trước đây Sở đã có quy định khung giờ vào học cho các cấp học, tuy vậy việc quy định giờ giấc cụ thể do các trường chủ động quyết định.

Lắng nghe ý kiến của phụ huynh học sinh, sau đó không lâu Sở GD&ĐT TP.HCM đã rà soát và có điều chỉnh. Theo chỉ đạo mới, các sơ sở giáo dục mở cửa đón học sinh từ 6h30. Đối với khối mầm non và học sinh tiểu học, giờ bắt đầu vào học sớm nhất là 7h30; khối THCS là 7h15 và khối THPT là 7h.

Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho biết, tùy tình hình giao thông trên địa bàn, các cơ sở giáo dục có thể sắp xếp, bố trí giờ học đảm bảo giao thông trước trường học thông thoáng và hài hòa các yếu tố như điều kiện đưa đón của phụ huynh.

Hoãn thi chứng chỉ IELTS

Đêm 9/11, British Council (Hội đồng Anh) tại Việt Nam bất ngờ đăng thông báo về việc tạm hoãn tất cả các kỳ thi IELTS và Aptis từ ngày 10/11. Sau Hội đồng Anh, IDP - đơn vị sở hữu bài thi IELTS tại Việt Nam cũng thông báo tạm hoãn các kỳ thi IELTS. Có thể nói, việc các đơn vị tạm dừng tổ chức thi IELTS khiến nhiều phụ huynh, học sinh bối rối.

Nhìn lại những sự kiện giáo dục tiêu biểu, nổi bật nhất năm 2022 - Ảnh 10.

Trước tranh cãi việc dừng thi IELTS, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ, thời gian qua hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng. Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ.

"Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc", Thứ trưởng nói.

Đến nay, dù đã được cấp phép trở lại, nhưng kỳ thi IELTS mới chỉ được tổ chức lại ở một số địa phương, điều này đã gây khó khăn cho các thí sinh ở những tỉnh thành khác trong việc thi chứng chỉ này.

Tổng hợp