Những dự báo kinh tế đáng chú ý năm 2022

Trần Ngọc, Theo VOV 16:18 30/01/2022

Nền kinh tế toàn cầu có khả năng sẽ chịu áp lực lạm phát lớn trong năm 2022 trong bối cảnh giá vàng, năng lượng và thực phẩm đều leo thang.

Việc đưa ra dự đoán luôn khó và dự báo ngắn hạn dường như còn khó khăn hơn cả dự báo dài hạn. Tạp chí danh tiếng Forbes vừa có bài phân tích về các xu hướng và đưa ra các dự đoán; nếu chúng xảy ra sẽ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và thị trường vốn trong năm 2022.

Những dự báo kinh tế đáng chú ý năm 2022 - Ảnh 1.

Rất khó để có thể đưa ra dự báo chính xác cho nền kinh tế thế giới trong tương lai

Forbes dự báo rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể sẽ giảm tốc trong nửa đầu năm nay. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ lạm phát giảm nhẹ do đồng đô la Mỹ mạnh lên và giá nhiều hàng hóa suy yếu. Cơ sở của dự đoán này do không có bất kỳ dự luật kích thích mới nào trong khi mức chi tiêu của chính phủ cắt giảm.

Mức giảm dự kiến ​​trong chi tiêu của chính phủ Mỹ chiếm khoảng 6% GDP của nền kinh tế số 1 thế giới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày càng lo ngại về lạm phát và bắt đầu có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ. Cũng giống như kích thích tài khóa và kích thích tiền tệ kết hợp có khả năng tạo ra áp lực lạm phát, sự kết hợp giữa thắt chặt tài khóa và thắt chặt tiền tệ có khả năng làm giảm áp lực lạm phát.

Những dự báo kinh tế đáng chú ý năm 2022 - Ảnh 2.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 10 năm trở lại đây

Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ có điều chỉnh trong quý II năm nay. Cùng với giá hàng hóa, giá cổ phiếu trở nên bị áp lực trong quý II do sự kết hợp giữa thắt chặt tài khóa và tiền tệ. Quốc hội Mỹ đã phản ứng với sự điều chỉnh bằng cách thông qua dự luật kích thích tài chính trị giá hàng nghìn tỷ USD để bảo vệ triển vọng bầu cử giữa kỳ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thông báo rằng họ sẽ ngay lập tức bắt đầu mua trái phiếu chính phủ với tốc độ tăng nhanh để kích thích nền kinh tế và tài trợ cho các khoản chi tiêu của chính phủ. Thị trường chứng khoán có khả năng sẽ phục hồi nhanh chóng trước những kích thích tài chính và tiền tệ mới này.

Về thị trường kim loại quý, vàng được cho là sẽ lấy lại độ sáng bóng của nó. Năm 2022 sẽ là thời điểm tốt để sở hữu vàng. Sau năm 2021 mờ nhạt, giá vàng tăng lên trên 2.000 USD/ounce do đồng đô la Mỹ sụt giá và lãi suất giảm trong bối cảnh các biện pháp kích thích tài chính và chính sách tiền tệ nới lỏng. Vàng bắt đầu vượt trội hơn với tư cách là một loại tài sản trú ẩn an toàn.

Những dự báo kinh tế đáng chú ý năm 2022 - Ảnh 3.

Vàng được dự báo là mặt hàng hấp dẫn nhà đầu tư trong năm 2022. (Ảnh minh họa: KT)

Một vấn đề đáng chú ý nữa trong năm 2022 là sự leo thang của giá năng lượng. Những trở ngại về chính trị, thị trường vốn và địa chất tiếp tục hạn chế các cam kết đầu tư vốn cho thăm dò năng lượng. Giá dầu được đánh giá là sẽ vượt mức 100 USD/thùng. Cổ phiếu năng lượng truyền thống và năng lượng thay thế có thể sẽ tăng giá hơn 20% trong năm nay do kỳ vọng ngày càng gia tăng về giá năng lượng.

Cùng với đó, giá lương thực cũng sẽ tăng vọt trong năm 2022. Kênh CNN cho biết nhu cầu gia tăng, chi phí vận chuyển và phân bón tăng cao, thời tiết xấu khiến giá nhiều thực phẩm như ngô, đường, ca cao tăng. Điều này có thể khiến giá thực phẩm toàn cầu đi lên.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, rất khó để các nhà sản xuất tăng nguồn cung nhanh chóng. Bởi họ không thể tăng nhanh diện tích đất canh tác hoặc cải thiện sản lượng một cách đáng kể.

Trong khi đó, giá các mặt hàng như đậu nành và ngô tăng vọt chỉ là một trong những lý do khiến giá thành phẩm tại các cửa hàng tạp hóa tăng mạnh. Những công ty thực phẩm còn đang đối mặt với chi phí đóng gói, phân phối và vận chuyển gia tăng. Thêm vào đó, tiền lương cho người lao động cũng gia tăng đáng kể khiến sản phẩm khi đưa ra thị trường sẽ có mức giá cao hơn.

Những dự báo kinh tế đáng chú ý năm 2022 - Ảnh 4.

Nhu cầu tăng vọt, thời tiết khắc nghiệt, chi phí vận chuyển và giá phân bón gia tăng có thể tiếp tục đẩy giá những mặt hàng như ngô, ca cao và đường đi lên. (Ảnh minh họa: CNN)

Về lĩnh vực tiền số, các khoản đầu tư và ứng dụng tiền điện tử và blockchain được dự báo sẽ tiếp tục phát triển. Lĩnh vực này trở nên ăn sâu hơn vào nền kinh tế và thị trường toàn cầu. Các ngân hàng trung ương tăng tốc nỗ lực tung ra các loại tiền kỹ thuật số của riêng mình.

Bitcoin - đồng tiền số trị giá lớn nhất hiện nay - đã tăng trưởng khá tốt trong năm 2021. Kể từ đầu năm, đồng tiền đã tăng khoảng 70%, nâng tổng giá trị của thị trường tiền điện tử lên khoảng 2.000 tỷ USD. Tuy nhiên, sự biến động giá gần đây cùng sự gia tăng giám sát pháp lý có thể làm lu mờ triển vọng của Bitcoin trong tương lai gần.

Tăng trưởng kinh tế 2022 của Việt Nam được dự báo sẽ vượt Singapore, Indonesia, đứng đầu Đông Nam Á