Những người trẻ tuổi luôn kiệt quệ: Tại sao chúng ta luôn mệt mỏi và nhìn tương lai như bức tường u ám?

Tuan Maxx, Theo Trí Thức Trẻ 00:38 25/01/2019

Thế hệ nào cũng có những vấn đề của riêng mình; nhưng nếu so với một thế hệ trẻ gen Z vẫn còn đang thoải mái với cuộc sống học đường, thế hệ X vốn từng chỉ lo làm ăn, vực dậy kinh tế thì thế hệ Y - những millennials của xã hội hiện đại đang phải oằn mình với nhiều vấn đề nhất, từ cả xã hội và

Câu chuyện về bài viết “How Millennials become the burnout generation” ám ảnh tôi suốt vài ngày; một câu chuyện khá dài để người ta đọc và ngẫm. Mười hai giờ đêm, tôi vẫn đang ngồi lạch cạch gõ bài viết để gửi kịp tòa soạn, tự dưng suy nghĩ về bài báo xuất hiện trên Buzzfeed ấy lại ập tới.

Tôi cố tìm tách cà phê ở đâu đó dưới bếp, loay hoay xem hộp cà phê để đâu rồi lại loanh quanh một lúc tìm thìa. Tôi nhớ ra mình chưa gửi mail cho người sửa máy ảnh, chưa đưa Lucy đi tỉa lông, cũng chưa lên xong kế hoạch cho chuyến du lịch Bali vào tháng tới. Ngước nhìn lên màn hình máy tính, cái danh sách việc cần làm của tôi vẫn chưa vơi được chút nào, dù đã ba tuần trôi qua. Chiếc bút chì trong tay kêu răng rắc; tôi vô thức nắm chặt và bẻ gãy nó từ bao giờ.

Một thuật ngữ trong bài viết đó tìm đến trong đầu tôi “Errand Paralysis” - tạm dịch là sự tê liệt vì không thể làm được những việc vặt. Tôi nghĩ là tôi đang rơi vào tình cảnh như vậy; bạn cứ lên danh sách việc cần làm, để nó từ ngày này qua tuần khác nhưng cũng không hoàn tất được. Chẳng có việc gì trong số đó là quá phức tạp: Đưa mèo đi tỉa lông, lên kế hoạch du lịch, viết một câu chuyện cảm động, bôi kem chống nắng hàng ngày… Tất nhiên, tôi cũng không phải đứa vô dụng khi làm được rất nhiều điều. Chỉ là khi phải làm những công việc lặt vặt, không phải ưu tiên, tôi thường tránh né chúng. So với bố mẹ, họ làm những công việc ấy tốt hơn hẳn dù tôi biết, mẹ cũng đâu có thích các việc vặt gia đình. Thế hệ đi trước, họ coi việc lặt vặt chỉ là những thứ đơn giản, không đáng để “làm lớn chuyện” như chúng tôi.

Những người trẻ tuổi luôn kiệt quệ: Tại sao chúng ta luôn mệt mỏi và nhìn tương lai như bức tường u ám? - Ảnh 1.

Tôi nhận ra mình không đơn độc - luôn có những người trẻ xung quanh mình chẳng thể giải quyết một việc cỏn con dù là giám đốc công ty hay bác sĩ tài năng: Quên đổ rác, chưa gửi mail, cả tuần chưa đi cắt tóc. Liệu đó là một nét “văn hóa đặc biệt” hay một biểu hiện cho sự trì trệ, kiệt quệ của giới trẻ mà tôi soi thấy mình trong đó?

Tại sao tôi không thể hoàn thành những công việc đơn giản? Bởi vì tôi kiệt quệ. Tại sao tôi lại kiệt quệ? Bởi vì tôi luôn có thôi thúc rằng mình phải làm việc suốt ngày đêm? Tại sao tôi lại có những suy nghĩ như vậy? Bởi vì tất cả mọi người trong cuộc đời tôi đều đề cao tinh thần làm việc ấy kể từ khi tôi còn rất nhỏ. Cuộc sống vốn luôn đầy rẫy những khó khăn, nhưng những người trẻ chưa thực sự được trang bị để đối đầu với những tình huống khó khăn đến vậy. Không hoàn thành những việc vặt vãnh, chúng tôi tự cảm thấy cuộc đời mình bế tắc và rơi vào vòng luẩn quẩn.

Tôi cáu bẳn vì mãi không thể tìm được chiếc thìa cà phê trong khi đã nửa đêm mà vẫn còn đầy việc phải làm. Có vậy thôi mà tôi òa khóc trong phòng, thút thít như một đứa trẻ. Chúng tôi chôn tuổi trẻ trong vô vàn công việc đơn giản không thể làm được, để rồi không thỏa mãn bản thân dẫn đến kiệt quệ. Thế hệ chúng tôi, chỉ một việc đơn giản không làm được cũng hóa thành nỗi tuyệt vọng ư? Không, không phải chỉ vậy, cuộc sống này phức tạp hơn rất nhiều.

Những người trẻ tuổi luôn kiệt quệ: Tại sao chúng ta luôn mệt mỏi và nhìn tương lai như bức tường u ám? - Ảnh 2.

Bài báo tôi kể trên đã vẽ lên cuộc sống của một người trẻ điển hình Mỹ, đi học đại học để vướng vào những khoản nợ sinh viên khổng lồ, chật vật qua những giai đoạn khủng hoảng kinh tế rồi lao đao tìm cho mình một con đường sự nghiệp. Chúng tôi may mắn hơn khi không mấy bạn bè phải vay nợ để học đại học ở Việt Nam, nhưng những viễn cảnh về một cuộc sống vật chất u ám vẫn quẩn quanh, kéo lê chúng tôi qua những tháng ngày thanh xuân, đáng nhẽ ra phải tươi trẻ, nhưng lại ảm đạm vô cùng.

Những người trẻ tuổi luôn kiệt quệ: Tại sao chúng ta luôn mệt mỏi và nhìn tương lai như bức tường u ám? - Ảnh 3.

Thế hệ Baby Boomer đi qua những năm tháng huy hoàng nhất của chủ nghĩa tư bản, thế hệ X chứng kiến các cuộc thay đổi cơ chế thị trường, mở ra nhiều cơ hội mới - điều này bố mẹ chúng tôi chắc hiểu rõ. Còn thế hệ trẻ chúng tôi có gì? một nền kinh tế phát triển nhưng đi kèm đó là khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, thị trường việc làm thắt chặt và giá cả tiêu dùng tăng cao. Công việc ở tòa soạn tạm ổn, nhưng tôi vẫn mưu cầu một công việc “đúng đam mê” hơn. Thế hệ trước có nhu cầu làm giàu và cứ thế phấn đấu vì nó, chúng tôi vừa có nhu cầu làm giàu vật chất - một viễn cảnh khó khăn không tưởng, vừa có nhu cầu làm giàu tinh thần cho bản thân.

Tôi nhận ra sự khủng hoảng về tài chính chỉ thay đổi từ ngưỡng này sang ngưỡng khác; sinh viên nào cũng từng ra trường ôm một nỗi lo lắng về thất nghiệp, công việc tạm bợ hay không tìm được công việc đúng ngành học. Qua ngưỡng cửa đó, chúng tôi lại loay hoay tự hỏi bản thân đây có phải con đường sự nghiệp đúng chưa? Ai may mắn thì cứ thế đi tiếp, còn không may thì ngụp lặn trong chuỗi ngày thử chọn. Mỗi lần chọn sai là cuộc đời lại rơi vào bế tắc. Thế hệ nhìn vào chúng tôi chỉ lắc đầu: “Sao không thỏa mãn với gì mình có hả các con?”.

Những người trẻ tuổi luôn kiệt quệ: Tại sao chúng ta luôn mệt mỏi và nhìn tương lai như bức tường u ám? - Ảnh 4.


Hài lòng làm sao được khi thời của bố mẹ, hiếm có ai phải lo về nhà cửa đất đai khi nhà nào cũng có đất để chia cho con cái, rồi của nải để dành. Những miếng đất cứ co lại, chúng tôi chẳng thể chia nhau cái gì nữa mà phải bươn mình ra kiếm sống, để nhiều đêm ngắc ngoải trong câu hỏi hiện sinh: Cứ mệt mỏi như này làm gì cơ chứ? Tại sao cứ chạy theo chủ nghĩa vật chất làm gì? Chúng ta không tạo ra nó, chúng ta được kế thừa nó - một sản phẩm của thế hệ trước đổ lên đầu chúng tôi để rồi cười cợt người trẻ không biết xoay sở ra sao.

Những người trẻ tuổi luôn kiệt quệ: Tại sao chúng ta luôn mệt mỏi và nhìn tương lai như bức tường u ám? - Ảnh 5.

Hãy ra một hiệu sách và hỏi người bán hàng hai dòng sách: Sách dạy làm giàu và sách dạy có cuộc sống cân bằng, hạnh phúc, bạn sẽ được giới thiệu hàng trăm cuốn. Chỉ cần như vậy cũng đủ hiểu, người trẻ vừa khao khát vật chất, nhưng cũng áp lực với vấn đề tài chính như thế nào. Nhiều người nói rằng, thế hệ trẻ gặp áp lực về tài chính không vì tình hình kinh tế xã hội mà vì chính bản thân họ: Quá nhiều nhu cầu, không biết bao nhiêu là thỏa mãn, lấy vật chất làm thước đo con người…

 Tất cả những điều đó đều đúng, nhưng không không thể đổ lỗi cho người trẻ được. Tôi sinh ra vào năm 1993, khi tôi có nhận thức về đồng tiền vào những năm 20 tuổi, thế giới đã vận hành như vậy. Nếu đó là lỗi của thế hệ trước, họ cũng không phải là người giải quyết được khi thế hệ trẻ mới đang tiếp quản xã hội. Không ai đáng phải đổ lỗi, nhưng sự kiệt quệ của người trẻ là điều dễ thấy.

Những người trẻ tuổi luôn kiệt quệ: Tại sao chúng ta luôn mệt mỏi và nhìn tương lai như bức tường u ám? - Ảnh 6.

“Errand Paralysis” xuất hiện ở phần đầu là một minh chứng rõ ràng cho cái ranh giới mờ mờ giữa cuộc sống - công việc; những việc như đổ rác, lấy thư, đưa mèo đi tỉa lông là một phần cuộc sống hay công việc? Nếu nó là cả hai thì chắc chắn, việc chúng ta dễ nổi cáu vì không làm được những điều ấy chính là sự thất bại của niềm tin vào sự “work-life balance” như người ta vẫn cố gắng có được, trong thực tế.

Những người trẻ tuổi luôn kiệt quệ: Tại sao chúng ta luôn mệt mỏi và nhìn tương lai như bức tường u ám? - Ảnh 7.

Người trẻ chúng tôi kiệt quệ vì không tìm thấy được điều đó, và càng kiệt quệ hơn khi cố đi tìm chúng cho một cuộc sống lý tưởng, thay vì chấp nhận đôi khi công việc sẽ chiếm mọi thời gian hay đôi khi, buông bỏ tất cả không phải điều quá tồi.

Những người trẻ tuổi luôn kiệt quệ: Tại sao chúng ta luôn mệt mỏi và nhìn tương lai như bức tường u ám? - Ảnh 8.

Công việc lấp đầy mọi khoảng trống trong cuộc sống của một người trẻ điển hình. Chúng ta sẽ chẳng có cơ hội nào có một cuộc sống ngoài công việc thực sự khi mạng xã hội như một “cánh tay nối dài” của văn phòng và công việc, dù chúng ta nghĩ đó thực sự là một thứ giải trí. Với mọi công việc bạn ứng tuyển, những giám đốc tương lai sẽ lùng sục đủ các trang mạng xã hội của bạn; mọi điều chúng ta thể hiện trên mạng xã hội như một phần phản ánh con người thực trong công việc mà người trẻ muốn hướng tới. Không phải lúc nào, đó cũng là chỗ cho sự giải trí hay nghỉ ngơi.

Chúng tôi luôn tìm mọi cách để cuộc sống cân bằng; mỗi đêm làm việc cần mẫn, OT không ngừng, thế hệ trẻ lại nghĩ, “cố gắng lên kỳ nghỉ đang đến gần rồi”. Nhưng kỳ nghỉ đến mang theo nỗi khắc khoải rằng mọi thứ tốt đẹp này cũng sẽ hết, vừa nghỉ ngơi vừa lên kế hoạch sẽ làm gì khi trở lại. Ai cũng ngộ nhận đó là một cuộc sống cân bằng nhưng hóa ra, kỳ nghỉ ấy cũng là một phần trong chuỗi ngày làm việc ngừng nghỉ. Không ai thoát ra được khi đã mắc kẹt; cô bạn tôi thấy mệt mỏi về công việc, khi tôi hỏi xem có muốn đi tập gym không, nó trả lời rằng: “Tao chỉ ước có thời gian để ngủ là vui lắm rồi”. Công việc không làm bạn tôi hay nhiều người khác hạnh phúc, nhưng nghĩ về hóa đơn điện, nước, xăng, Internet, Netflix cuối tháng, họ lại chấp nhận đi làm rồi khẽ chửi thề: “Chẳng có cái gì gọi là cân bằng công việc với cuộc sống cả”.

Những người trẻ tuổi luôn kiệt quệ: Tại sao chúng ta luôn mệt mỏi và nhìn tương lai như bức tường u ám? - Ảnh 9.

Điều gì khiến cuộc đời một người trẻ thêm kiệt quệ? Nhìn thấy những cuộc sống đầy màu sắc, hạnh phúc, “ngầu và chất” trên mạng xã hội. Chúng tôi biết rằng những thứ trên Facebook hay Instagram không phải “thật” nhưng không có nghĩa rằng bản thân ngừng soi chiếu mình trong đó. Không phải thứ vật chất đắt tiền ai đó phô bày là thứ khiến chúng tôi khao khát, mà đó là trải nghiệm xoay quanh đó, thứ khiến tôi thốt lên rằng “tôi muốn có một cuộc sống như vậy” - một cuộc sống không ảnh hưởng bởi sự kiệt quệ của tuổi trẻ. Ôi,dù tôi biết chẳng có ai là không có vấn đề của riêng mình, nhưng sao vẫn ham cố làm chi?

Những người trẻ tuổi luôn kiệt quệ: Tại sao chúng ta luôn mệt mỏi và nhìn tương lai như bức tường u ám? - Ảnh 10.

Chúng tôi cứ lang thang trên mạng để đi tìm một cuộc sống mong muốn, một danh tính thực sự cho bản thân: Tôi phải là như kia, tôi muốn sống thế này. Mạng xã hội là một phát kiến thật đặc biệt; chúng ta đăng tải rất nhiều điều trên Facebook, Instagram - những điều phản ánh một cuộc sống cân bằng đáng mơ ước. Nó không phản ánh cuộc sống thật của mỗi người mà thể hiện điều chúng ta hướng tới cũng như muốn người khác phải trầm trồ ngưỡng mộ.

Thế hệ trẻ kiệt quệ trên mạng xã hội khi chúng ta nhìn nhận bản thân như một “sản phẩm”. Chúng ta cố gắng phô trương, “branding” bản thân trên Facebook, Instagram, Twitter, làm mọi thứ để người khác chú ý tới mình hay thể hiện các “đặc điểm” của bản thân. Và điều này có liên quan gì tới câu chuyện về một cuộc sống công việc không có hồi kết? Chúng ta làm nó mọi lúc mọi nơi, mọi điều chia sẻ, đăng tải đều hướng tới mục đích để đánh bóng bản thân - áp lực từ một thứ tưởng chừng như thuần túy giải trí như vậy khiến chúng ta đi ngủ cũng chưa thoát khỏi mệt nhọc: “Tại sao người ta không like bài đăng mới, không đủ hấp dẫn sao?”.

Tất cả mọi vấn đề của người trẻ, đều liên kết với nhau thật chặt: Mạng xã hội khiến chúng ta khát khao hơn về một cuộc sống vật chất, tiền bạc và sự bất ổn kinh tế khiến chúng ta lao đao với công việc, bỏ quên luôn sự cân bằng cuộc sống; và những “đam mê” công việc ấy đã chuyển dần qua mạng xã hội với hành trình branding bản thân miệt mài. Điểm chung duy nhất là gì bạn biết không? Tất cả đều khiến người trẻ kiệt quệ.

Những người trẻ tuổi luôn kiệt quệ: Tại sao chúng ta luôn mệt mỏi và nhìn tương lai như bức tường u ám? - Ảnh 11.

Tôi không biết cách nào để giải quyết vấn đề, nó không phải một thứ đơn giản để viết ra được là có thể hiểu được tròn vẹn, và càng không thể giải quyết được hoàn toàn. Nhưng thành thật được với bản thân, chấp nhận mọi thứ đang diễn ra sẽ giúp chúng ta không loay hoay vùng vẫy trong vô định. Nếu càng cố lập “danh sách việc cần làm để thoát khỏi áp lực”, tôi nghĩ nó sẽ lại rơi vào vấn đề như ở trên thôi. Chúng ta sẽ tìm thấy tia sáng le lói không phải từ việc cố gắng giải quyết mà sống chung với những điều đó.

Tìm thấy thìa cà phê, tôi quyết định đi ngủ.