NTK Lại Chính Trực đến từ Red5 Studio là người đứng sau rất nhiều những công trình được giới trẻ yêu thích như Okkio Nguyễn Siêu, The Running Bean Hà Nội và chính anh cũng có cho mình một quán rượu nho nhỏ có tên Emme House.

NTK Lại Chính Trực đến từ Red5 Studio là người đứng sau rất nhiều những công trình được giới trẻ yêu thích như Okkio Nguyễn Siêu, The Running Bean Hà Nội và chính anh cũng có cho mình một quán rượu nho nhỏ có tên Emme House. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện rất thú vị về cách đưa cảm xúc và tính kết nối vào không gian nội thất.

NTK Lại Chính Trực: Câu chuyện là thứ kết nối mọi thiết kế - Ảnh 1.

Anh nghĩ những giá trị khác biệt nào khiến các khách hàng luôn tìm đến mình?

Tôi nghĩ, mình mang đến sự… bình thường và đào sâu được vào chính sự bình thường đó. Đôi khi, người chủ

chỉ có một hình dung mơ hồ về thương hiệu của mình và người thiết kế phải tìm ra những ý đồ, định nghĩa những câu chuyện và tạo được mạch nối. Có một ví dụ khi tôi thực hiện công trình Okkio Nguyễn Siêu, Kiến trúc sư Khôi Nguyên là người đặt nền móng cho công trình với ý tưởng tuyệt vời về không gian nhuốm màu điện ảnh trong bộ phim In the mood for love của Vương Gia Vệ. Tuy nhiên, sau quá trình làm việc, chủ đầu tư mong muốn có thêm nhiều góc nhìn với ý tưởng này, vậy nên đã tìm đến chúng tôi.

Từ cái nền có sẵn, tôi tìm hiểu, nghiên cứu và chắt lọc thêm để khai thác ý tưởng ấy theo góc nhìn của riêng mình. Lựa chọn concept từ bộ phim 2046 cũng của Vương Gia Vệ, chúng tôi biến không gian thành những chuyến tàu vượt thời gian, với những dải màu đan xen như đang di chuyển. Bên cạnh việc có đủ duyên để chạm đến đúng mong muốn của thương hiệu, chúng tôi cũng phải đào sâu vào phân tích thị trường và câu chuyện của cả thương hiệu để ra được phương án cuối cùng - điểm giao giữa khách hàng và sự sáng tạo của người làm thiết kế. Đó cũng là giá trị mà tôi nghĩ mình có thể mang đến: Một công trình đẹp, thực tế và có chiều sâu.

NTK Lại Chính Trực: Câu chuyện là thứ kết nối mọi thiết kế - Ảnh 2.
NTK Lại Chính Trực: Câu chuyện là thứ kết nối mọi thiết kế - Ảnh 3.

Nhưng làm thế nào để cân bằng giữa sức sáng tạo bay bổng của mình và sự thực tế cần thiết của công trình? Ta đều biết, làm sáng tạo là một công việc rất dễ bị… cuốn đi.

Vừa hay, tôi lại có một tính cách rất phù hợp với công việc này, đó là tôi vốn rất… mau chán. Công trình vừa hoàn thiện là tôi đã thấy chán luôn rồi, nhưng cũng có những công trình đến giờ vẫn chưa thấy chán và mỗi lần quay lại - cảm xúc vẫn vẹn nguyên như lúc thiết kế. Vậy nên, khi làm bất cứ công trình nào, tôi luôn cố gắng để không gian đó luôn là nơi mình sẽ cảm thấy thích nhất.

Câu chuyện bị sự sáng tạo cuốn đi thì tôi nghĩ là có chứ. Đôi khi, chúng ta thường bị cuốn đi bởi việc mình muốn làm gì mà quên đi mình đang làm cho ai? Kể một câu chuyện thế này: Tôi vốn rất thích đèn spot, nhưng Okkio lại là nơi đầu tiên tôi làm mà không sử dụng đèn spot. Mong muốn của tôi là tạo một không gian mà mọi người có thể hòa lẫn vào nhau, thay vì mỗi người lại thu mình vào trong một đốm sáng. Đó là suy nghĩ để tạo ra những thứ không quá cá nhân mà hướng về tổng thể. Bên cạnh đó, tôi cũng nghĩ mình có sự nhạy cảm cần thiết để biết rằng điều gì là tốt nhất cho khách hàng.

Làm thế nào để có được niềm tin chắc chắn như vậy vào một thứ mơ hồ như là "cảm giác"?

Trải nghiệm. Tôi nghĩ trải nghiệm là thứ mà tôi rất tự tin - nhất là trong ngành hàng này. Tôi tự tin về sự đồng điệu với khách hàng bởi chính tôi cũng là người yêu thích các trải nghiệm về ẩm thực và cocktail bar. Nếu bạn định thiết kế một cocktail bar - đừng chọn công ty thiết kế nào mà người làm… không đi uống rượu. Họ sẽ không hiểu khách hàng đi uống rượu để làm gì? Ngược lại, một người trải nghiệm đủ nhiều sẽ hiểu rằng người ta đi uống rượu là bởi họ cần được bày tỏ, cần một không gian đủ ấm cúng để sẻ chia. Và nhờ vào việc trải nghiệm, chính người làm cũng sẽ hiểu được tâm lý của người khách.

Điều thứ hai tôi tự tin, đó là tôi có tư duy của một chủ đầu tư. Họ sẽ quan tâm đến việc vận hành sao cho trơn chu, chi phí đầu tư hiệu quả thế nào? Tôi sẽ là người hỏi họ giá một ly cocktail họ bán là bao nhiêu và họ nên đầu tư bao nhiêu để phù hợp với mức giá đó.

Điều thứ ba mà tôi tự tin là tư duy của một người làm thiết kế.

NTK Lại Chính Trực: Câu chuyện là thứ kết nối mọi thiết kế - Ảnh 4.

Rõ ràng là có một bài toán nữa mà các thương hiệu cũng cần quan tâm đó là sức sống của một công trình. Họ có thể bỏ rất nhiều tiền vào khâu thiết kế nhưng cũng có thể dễ dàng bị thay thế và lãng quên trong một thời gian ngắn ngủi do sự mau chán của khách hàng.

Mấu chốt là ta cần tìm được điểm đặc biệt để níu kéo khách hàng. Người thiết kế cần hiểu về từng không gian của công trình. Khách hàng thích chụp hình thì sẽ ở đâu? Người thích làm việc cần ngồi góc nào? Khách hàng luôn cần cái mới và họ chán rất nhanh, đa số đi uống cafe nhưng chủ yếu là chụp hình. Tôi thường đi sâu vào phân tích những thứ sẽ xuất hiện trên một bức hình của khách. Ví dụ, khách hàng thường chụp hình flatlay với mặt bàn - tôi sẽ nghiên cứu để tìm kiếm chất liệu để những người khác nhìn vào sẽ thấy thích thú và tò mò, hoặc những người đến rồi sẽ biết ngay đây là mặt bàn này là ở đâu. Rồi nếu khách hàng thích selfie, tôi sẽ tính background đằng sau màu gì thì đẹp, màu sắc đấy đại diện cho điều gì của người thiết kế?

Và nếu chụp hình nguyên người thì phải quy hoạch không gian đó ở đâu để khách hàng bước vào đấy chụp mà không ảnh hưởng đến người khác? Nếu chụp hình qua gương thì trong gương sẽ hiện lên những gì? Nếu là cầu thang thì sẽ có dấu ấn gì để người ta nhớ đến? Hoặc giả, nếu các bạn ghé quán để chụp lookbook thì mảng tường sẽ trơn thế nào? Vật liệu đồng nhất thì lựa chọn ra sao để tạo hiệu ứng mạnh về thị giác? Với Okkio, bản thân chính thương hiệu cũng tốn rất ít chi phí marketing, do việc thiết kế đã đề cao tính ấn tượng và "ăn ảnh", vậy nên khách hàng tự quay chụp và đăng tải lên mạng xã hội rất nhiều.

img
img

Sự kết nối cũng là thứ cần quan tâm khi thiết kế một công trình anh nhỉ?

Lấy ví dụ từ Emme house - quán rượu của riêng tôi. Ban đầu, tôi muốn thiết kế một nơi tạo cảm giác gia đình và ấm cúng, vậy nên concept một căn bếp được tôi bám vào làm khung xương chính. Trong căn bếp ấy, cô gái sẽ không phải nấu nướng mà được phục vụ, uống rượu, tận hưởng và chuyện trò. Căn bếp cũng tạo ra một không gian không có khoảng cách, tất cả mọi người có thể ngồi chung với nhau và ngay cả việc rủ một đám bạn đến cũng có thể vô tình gặp người quen. Diện tích trong quán khá nhỏ nhưng lại tạo ra sự kết nối khi khách hàng có thể cùng trò chuyện về một chủ đề. Ý đồ của tôi trong việc cài cắm những chi tiết khiến người ta buộc phải trò chuyện với nhau là ở đó.

Bên cạnh đó, sự kết nối cũng xuất hiện về mặt suy nghĩ, giữa người với người và chủ lẫn khách hàng. Hãy nghĩ đến việc sau một ngày làm việc, đi uống rượu là cách để khách hàng giãi bày cảm xúc của mình, họ cần một lời hỏi thăm. Đó là lý do ở Emme có rất nhiều thơ. Thơ là một loại văn bản rất dễ đọc và nắm bắt cảm xúc. Mỗi ngày, mỗi tuần ở Emme đều có những câu thơ mới, giống như những lá bài tarot vô tình được rút ra theo ngày. Đó là tầm quan trọng của câu chuyện. Một sản phẩm ra đời có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào câu chuyện mà người ta muốn kể, và chính câu chuyện sẽ là thứ kết nối mọi thứ.

img
img
img

NTK Lại Chính Trực: Câu chuyện là thứ kết nối mọi thiết kế - Ảnh 7.

Đấy là về mặt cảm giác. Thế còn về mặt kỹ thuật - điều gì sẽ tạo được sự kết nối, tính cảm xúc trong không gian?

Tôi nghĩ sẽ có 2 thứ.

Đầu tiên là ánh sáng. Với tôi, ánh sáng là chất dẫn truyền mang cảm xúc đến cho người khác. Ánh sáng chan hòa hay ánh sáng nhấn điểm sẽ tạo ra cảm xúc tới người ở trong không gian đó. Nếu bạn ở trong một căn nhà lớn, bạn sẽ muốn có những chiếc đèn tập trung và những vùng thấp để khiến căn nhà ấm cúng và nhỏ nhắn hơn về mặt thị giác chẳng hạn.

Thứ hai, tôi nghĩ đó là những vật dụng mang tính cá nhân. Đôi khi căn nhà lộn xộn một chút cũng được, nó sẽ nói lên nhiều về chủ nhân và những trải nghiệm mà họ đã từng đi qua. Nhà của tôi cũng vậy. Tôi là một người có khá nhiều đồ đạc trong nhà, nhưng mỗi khi bước chân ra khỏi cửa, chỉ cần có một thay đổi nhỏ bên trong là tôi biết đã có ai vừa ghé nhà mình. Tôi không gọn gàng nhưng luôn biết mình đặt để đồ đạc ở đâu. Vậy nên những món đồ mang tính cá nhân sẽ đại diện rất nhiều cho cảm giác của người chủ.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.

img
img
img

NTK Lại Chính Trực: Câu chuyện là thứ kết nối mọi thiết kế - Ảnh 9.



Diệp Nguyễn
Viết Thanh, NVCC 
Huyền Trang