Ở Sài Gòn có một bảo tàng đẹp như tranh chỉ dành riêng để tôn vinh áo dài

Hữu Nghĩa, Theo Trí Thức Trẻ 06:26 20/11/2017

Cách trung tâm thành phố khoảng 30 phút lái xe, Bảo tàng Áo dài đắm mình trong màu xanh của thiên nhiên và nét hoài cổ của những kiến trúc đậm chất dân tộc. Đây là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam dành riêng để tôn vinh nét đẹp của chiếc áo dài.

Năm 2008 nhân dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ Việt - Nhật, nhà thiết kế Sỹ Hoàng có dịp đến thăm thành phố Tokyo (Nhật Bản), tại đây ông đến Bảo tàng Kimono để tham dự cuộc triển lãm về chuyên đề lịch sử Trung Quốc. Trong hệ thống trưng bày có một chiếc áo dài Việt Nam 100%, nhưng lại được ghi chú là trang phục thời cận hiện đại của Trung Quốc. Chứng kiến sự nhầm lẫn này, nhà thiết kế Sỹ Hoàng và bà Nguyễn Thế Thanh (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch TP.HCM) lại càng thêm đau đáu về một bảo tàng dành riêng để tôn vinh nét đẹp của tà áo dài Việt Nam.

Nuôi ý tưởng về một bảo tàng áo dài suốt 10 năm, hoạ sỹ - nhà thiết kế Sỹ Hoàng đã xây dựng nên bảo tàng áo dài với mong muốn tôn vinh giá trị Việt; giúp giới trẻ và khách du lịch có cái nhìn chi tiết hơn về bộ quốc phục Việt Nam. Công trình khánh thành ngày 22/1/2014. Đây là bảo tàng thứ 12 tại TP HCM và là 1 trong 2 bảo tàng tư nhân của thành phố.

Ở Sài Gòn có một bảo tàng đẹp như tranh chỉ dành riêng để tôn vinh áo dài - Ảnh 2.

Toạ lạc trong không gian xanh của nhà vườn Long Thuận (phường Long Phước, quận 9) không gian Bảo tàng Áo dài mang đậm bản sắc không gian Việt, với những nếp nhà mang kiến trúc truyền thống, có màu sắc thiền - tịnh. Cả quần thể kiến trúc mở rộng, kết nối với thiên nhiên, gợi nhiều cảm xúc về những giá trị văn hoá truyền thống mà Áo dài là chủ thể.

Ở Sài Gòn có một bảo tàng đẹp như tranh chỉ dành riêng để tôn vinh áo dài - Ảnh 3.

Bên trong bảo tàng, khách tham quan được giới thiệu về những chiếc áo dài Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Mỗi chiếc áo dài là một câu chuyện phía sau đầy ý nghĩa. Những câu chuyện lịch sử được Sỹ Hoàng khéo léo lồng vào giúp người xem có cái nhìn khái quát về lịch sử phát triển của chiếc áo dài qua các giai đoạn.

Ở Sài Gòn có một bảo tàng đẹp như tranh chỉ dành riêng để tôn vinh áo dài - Ảnh 4.

Khách tham quan sẽ có cơ hội tìm hiểu nguồn gốc và sự phát triền của chiếc áo dài qua từng giai đoạn lịch sử. Tại bảo tàng những chiếc áo dài được trưng bày theo trình tự phát triển thời gian: chiếc áo dài tứ thân thế kỷ XVII, áo dài năm thân thế kỷ XVIII, áo dài vương triều nhà Nguyễn thế kỷ XIX...

Ở Sài Gòn có một bảo tàng đẹp như tranh chỉ dành riêng để tôn vinh áo dài - Ảnh 5.

Chiếc áo dài Le Mur đã có phần mục nát là một trong những hiện vật đặc biệt nhất ở Bảo tàng Áo dài. Theo nhà thiết kế Sỹ Hoàng cho biết, đây là kỷ vật tình yêu của một đôi vợ chồng từ năm 1940 và từng được chôn giấu qua chiến tranh loạn lạc.

Ở Sài Gòn có một bảo tàng đẹp như tranh chỉ dành riêng để tôn vinh áo dài - Ảnh 6.

Bảo tàng Áo dài cũng trưng bày những chiếc áo gắn liền với nhiều danh nhân tại Việt Nam. Được biết, số áo này được chính tay chủ nhân gửi tặng đến bảo tàng để giới thiệu đến du khách. Trong ảnh lần lượt là những chiếc áo thuộc về các nghệ sĩ nổi tiếng: Phùng Há, Bảy Nam, Bạch Tuyết.

Ở Sài Gòn có một bảo tàng đẹp như tranh chỉ dành riêng để tôn vinh áo dài - Ảnh 7.

Bộ áo dài xanh quen thuộc của cố GS Trần Văn Khê tặng cho bảo tàng. Đây là bộ áo dài được giáo sư đặc biệt lựa chọn mỗi khi có dịp giới thiệu văn hoá và âm nhạc dân tộc đến bạn bè quốc tế.

Ở Sài Gòn có một bảo tàng đẹp như tranh chỉ dành riêng để tôn vinh áo dài - Ảnh 8.

Chiếc áo dài thuộc về nữ tướng đầu tiên của Việt Nam - Nguyễn Thị Định. Bà là một trong những người lãnh đạo phong trào Đồng khởi Bến Tre. Năm 1974 bà được phong quân hàm thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiếc áo dài này được may năm 1980, được bà mặc để dự những cuộc họp khi đang giữ trọng trách Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Tại bảo tàng, du khách được trải nghiệm quy trình tạo ra chiếc áo dài từ khâu thiết kế, cắt may, vẽ … đến lúc hoàn thành.

Những hình ảnh tư liệu quý về chiếc áo dài Việt Nam được trưng bày trong khuôn viên bảo tàng.

Bên trong bảo tàng còn có một không gian riêng cho các em nhỏ thỏa sức sang tạo với chiếc áo dài. Thông qua đây các em có cơ hội hiểu hơn về văn hoá truyền thống của dân tộc.

Ở Sài Gòn có một bảo tàng đẹp như tranh chỉ dành riêng để tôn vinh áo dài - Ảnh 12.

Chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 30 phút lái xe, nhưng Bảo tàng áo dài đem đến cho mọi người một cảm giác khác hẳn với không khí ngột ngạt của thành thị. Ở đây người ta không chỉ được nhìn ngắm những bộ áo dài đẹp, tìm hiểu về những giá trị văn hoá mà còn có thời gian để hít thở một bầu không khí trong lành, thoải mái. Khách tham quan có thể đến bằng phương tiện cá nhân hoặc phương tiện công cộng (tuyến xe buýt 88 từ chợ Bến Thành). Bảo tàng mở cửa từ 8h30 -16h30 mỗi ngày.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày