Ông Lê Chí Phúc: Khi tin xấu như biến chủng Omicron xuất hiện, thông thường chúng tôi mua thêm

Châu Cao, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 21:08 07/12/2021

Nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn tới các yếu tố nội tại của doanh nghiệp, họ có những chuyển biến gì hơn là những chủng mới nào sẽ ra thêm trong tương lai.

Thông tin về biến thể Omicron đã làm thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo. Nhà đầu tư quan tâm vào lúc này là dòng tiền sẽ di chuyển như thế nào trong giai đoạn này. Trả lời trên talkshow Phố Tài Chính, các chuyên gia cho rằng, VN-Index từ năm 2020 đến thời điểm hiện tại đã tăng khoảng 50% nhưng nhiều doanh nghiệp tốt trên sàn có lợi nhuận tăng trên 100%. Như vậy việc đầu tư theo biến động của VN-Index hay những thông tin nóng trên thị trường sẽ khó hiệu quả bằng việc đầu tư theo kết quả kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp.

BTV Mùi Khánh Ly: Theo các ông, biến thể Omicron lần này đã tác động như thế nào đến thị trường toàn cầu và Việt Nam?

Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ SGI (SGI Capital): Phản ứng đầu tiên của tất cả các quốc gia luôn luôn là đề phòng, thận trọng và họ đã tiến hành các biện pháp đóng cửa biên giới với Nam Phi cũng như một số nước đã xuất hiện biến chủng đó. Điều này làm thị trường chứng khoán toàn cầu đứng trước một rủi ro rất lớn: Liệu thế giới có quay trở lại lockdown như giai đoạn 2020 hay không?

Những lo lắng đó đã phản ánh thông qua hành động của nhà đầu tư là họ bán tháo và giảm tỷ trọng xuống. Tuy nhiên, thị trường sau đó đã bình ổn hơn rất nhiều và nhà đầu tư đã dần có đủ thông tin để cân bằng các hoạt động mua bán và đầu tư, cũng như chờ đợi những thông tin tiếp theo.

Cá nhân tôi đánh giá thị trường phản ánh nhanh hơn nhưng không biến động lớn và kéo dài như những lần trước.

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích CTCK Tân Việt (TVSI): Lần đầu tiên khi xuất hiện Covid thì VN-Index giảm khoảng 33%, đó là mức giảm có thể nói là rất cao. Tuy nhiên, đến các lần sau thì thị trường ổn định hơn rất nhiều.

Ông Lê Chí Phúc: Khi tin xấu như biến chủng Omicron xuất hiện, thông thường chúng tôi mua thêm - Ảnh 1.

BTV Mùi Khánh Ly: Thời gian qua dòng tiền đã có sự luân chuyển khá rõ, ví dụ như từ ngân hàng, chứng khoán sang ngành dầu khí, bất động sản… vậy lần này dòng tiền sẽ luân chuyển như thế nào, thưa hai ông?

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích CTCK Tân Việt (TVSI): Giai đoạn hiện tại tôi nhận thấy rằng đang có mức độ chững lại nhất định của dòng tiền ở các nhóm có khuynh hướng đầu cơ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa nhỏ hay nhóm vật liệu xây dựng.

Dòng tiền đang tìm chỗ để luân chuyển sang các nhóm mới, ví dụ như ngân hàng, tháng 11 vừa rồi thì trung bình nhóm cổ phiếu ngân hàng khớp lệnh một phiên khoảng 5.000 tỷ, cao hơn mức thấp nhất của nhóm này trong tháng 9. Tuy vậy cũng chưa thực sự rõ ràng rằng dòng tiền sẽ quay lại nhóm ngân hàng vì nhóm này chỉ chiếm khoảng 16% tổng giá trị khớp lệnh của thị trường. Ở giai đoạn hiện tại, dòng tiền đang có dấu hiệu chững lại, cũng có thể là vì VN-Index tăng khoảng 35% trong năm nay, và thị trường đang cần những thông tin mới đối với các nhóm ngành mới để hướng tới.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ SGI (SGI Capital): Tôi cũng đồng ý với quan điểm của anh Nam rằng giai đoạn này biến chủng Omicron cũng là một yếu tố đáng lo, dù là ngắn hạn đi nữa thì nhà đầu tư cũng đang có tâm lý thận trọng hơn. Cộng với việc chúng ta đang ở tháng 12, là tháng mà tất cả các bên tham gia đầu tư hay kinh doanh đều có xu hướng muốn nhìn lại, muốn chốt lại một năm và chuẩn bị cho năm mới. Do vậy, xu hướng đấy thông thường cũng làm cho dòng tiền luân chuyển trong giai đoạn của tháng 12 khá chậm và mọi người sẽ hướng sang năm sau.

Theo kinh nghiệm của tôi, khi một năm mới bắt đầu, dòng tiền sẽ quay lại, nhìn lại những câu chuyện mang tính cơ bản hơn, lại quay về các nhóm cổ phiếu có tính ảnh hưởng lớn đến thị trường là nhóm vốn hoá lớn.

BTV Mùi Khánh Ly: Đấy là về các nhóm ngành, còn về tổng thể thì theo các ông, nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ diễn biến theo hướng nào?

Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SGI (SGI Capital): Theo thông tin của Bộ Y tế Australia, tất cả những bệnh nhân đã từng mắc Omicron trên toàn cầu, đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Nếu xảy ra trong kịch bản như vậy, việc có một chủng mới có khả năng lây lan nhiều hơn nhưng triệu chứng nhẹ hơn, thì hoàn toàn có thể thành vắc-xin tự nhiên, sẽ giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng ở diện rộng hơn.

Khi đó, việc mở cửa trở lại không chỉ ở những quốc gia đi đầu mà là ở trên toàn thế giới. Như vậy, chúng ta sẽ có thể chứng kiến sự phục hồi kinh tế thế giới và một chu kỳ mới.

Việt Nam bây giờ có hơn 60% dân số đã được tiêm hai mũi, thì chúng ta có thể tự tin là dù Omicron rất nhẹ hay vừa phải thì chúng ta cũng có khả năng lớn để mở cửa trở lại, giúp nền kinh tế Việt Nam thật sự phục hồi.

Trong nền kinh tế mạnh mẽ thì thị trường chứng khoán vẫn luôn được hưởng lợi, cộng với tốc độ mở tài khoản mới của các nhà đầu tư trong hơn một năm qua ngày càng nhanh thì lần này chúng ta sẽ chứng kiến dòng tiền, không chỉ là trong nước mà sẽ có cả nước ngoài quay trở lại Việt Nam, tạo ra những cơ hội trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022.

Trong dự phóng của SGI Capital thì tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn năm 2022 vẫn rất tích cực, ở con số đâu đấy trên 20%. Và theo thống kê của chúng tôi, nếu lợi nhuận tăng trưởng được trên 20% một năm, thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ có một năm tốt.

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI)

Chúng ta phải nhìn nhận rằng trong nguy sẽ có cơ. Việc xuất hiện Covid lại là một cơ hội rất lớn cho thị trường chứng khoán, vì lịch sử chứng minh rằng kể từ quý I/2020 cho tới thời điểm hiện tại VN-Index tăng đến 127%. Ngoài ra, nếu nhìn lại một chút lịch sử thì từ năm 2008 trở lại đây thì thị trường mới giảm có ba năm thôi, phần còn lại đều tăng hết. Tôi luôn tin tưởng rằng là thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ thu hút nhà đầu tư trong nhiều năm tới.

BTV Mùi Khánh Ly: Dịch còn diễn biến phức tạp và rất có thể còn có những biến thể khác… Các nhà đầu tư nên có những phương án như thế nào để ứng phó với các tình huống tương tự thưa hai ông?

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI)

Chúng ta có làn sóng nhà đầu tư F0 rất kinh nghiệm, tuy vậy nếu nhìn về mặt dòng tiền cho thấy rằng thời gian qua nhà đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng vào những thông tin chưa thật sự phản ánh vào doanh nghiệp đó. Vẫn có hiện tượng đầu tư theo hô hào. Song, trên thực tế, VN-Index từ thời điểm 2020 đến thời điểm hiện tại tăng được khoảng 50% nhưng với những doanh nghiệp kinh doanh tốt, tăng trưởng lợi nhuận tốt như Hòa Phát, MWG hay Techcombank chẳng hạn, thì mức độ lợi nhuận của các doanh nghiệp này toàn trên 100%. Tức là mức độ an toàn rất cao so với các nhóm cổ phiếu đang tăng nóng, thậm chí sau này còn giảm sâu hơn cả mức trước đây mà nhà đầu tư đã từng giao dịch. Do đó tôi nghĩ rằng cũng phải có những quan điểm quản trị rủi ro, mình nên để ý đến kết quả kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp mình đầu tư nhiều hơn thay vì quá tập trung vào các thông tin hay biến động của Index.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SGI (SGI Capital)

Trong ngắn hạn thì sẽ có vô vàn những thông tin khác nhau có thể tác động tới giá cổ phiếu của ngày hôm nay hoặc ngày mai thì biến chủng Omicron hay ngày mai có một cái biến chủng khác, thậm chí ngoài dịch bệnh sẽ có những thông tin rất khác nhau như Fed có thể tăng lãi suất… Khi những tin xấu đó xảy ra, thông thường là chúng tôi mua thêm.

Còn cách mà rất nhiều nhà đầu tư mới họ sẽ có sự hoảng sợ nhất định, và chấp nhận bán ra. Việc bạn chấp nhận bán ra khi đó, bạn sẽ phải trả một cái giá cho việc bán sau những thông tin xấu đó. Ví dụ như Omicron, nó xuất hiện và bạn bán ra. Sau này, khi những tin tốt xuất hiện, chúng ta lại nhìn nhận về tương lai của doanh nghiệp 1, 2, 3 năm nữa, chúng ta lại phải quay lại mua.

Thông thường, khi chúng ta quay lại mua như vậy, thì giá lúc đó bao giờ cũng sẽ cao hơn giá mà chúng ta đã từng bán. Nên nếu nhà đầu tư chú trọng nhiều hơn vào những thông tin mang tính ngắn hạn như thế, thì rất khó để hưởng thành quả của quá trình đầu tư. Nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn tới các yếu tố nội tại của doanh nghiệp, họ có những chuyển biến gì hơn là những chủng mới nào sẽ ra thêm trong tương lai.

BTV Mùi Khánh Ly: Xin cảm ơn hai ông về những thông tin vừa rồi.