Peter Schmeichel: Bắt bóng đại tài, đánh nhau... đại tệ

Quốc Bảo, Theo Trí Thức Trẻ 20:26 02/02/2017

Nếu đếm được số giọt nước mưa đã trút xuống sân Old Trafford trong giai đoạn 1991-1999, thì sẽ đếm được số lần cứu thua mà Peter Schmeichel từng thực hiện trong màu áo Man Utd.

Thiên thần hộ mệnh

So sánh như thế có thể hơi phóng đại, song không ai có thể phủ nhận vai trò và tầm ảnh hưởng kỳ vĩ của Schmeichel đối với Man Utd ở kỷ nguyên vàng son bậc nhất của đội bóng áo đỏ. Thế giới túc cầu có câu: "Thủ môn là một nửa đội bóng". Với Schmeichel trong khung gỗ, Man Utd coi như có đến 2 thủ môn, đặc biệt trong những tình huống một chọi một.

"Peter Schmeichel là thần hộ mệnh của Man Utd. Tôi vẫn nhớ một trận đấu mà các cầu thủ Tottenham dứt điểm hai lần vào xà ngang của Man Utd. Tôi tin là họ đã mất bình tĩnh. Nếu không phải là Schmeichel, trái bóng đã chui vào lưới", hồi tưởng của Ruud Gullit, cựu cầu thủ Chelsea.

Peter Schmeichel: Bắt bóng đại tài, đánh nhau... đại tệ - Ảnh 1.

"Tôi thực sự ghét những pha một mình đối mặt với Schmeichel. Anh ta khiến cho tôi có cảm giác như đang nhìn thấy một chiếc container lao đến với vận tốc 80 dặm/h", chân sút lẫy lừng thuở nào của Liverpool là Robbie Fowler chia sẻ.

Nhưng trên sân cỏ, Schmeichel không định làm đau ai bao giờ dẫu không phải lúc nào cũng giữ được sự tự chủ. Đôi găng đến từ Gladsaxe, vùng đất yên bình sát nách thành phố thủ đô Copenhagen, không có thói quen triệt hạ đối thủ như Harald Schumacher đã làm với Patrick Battiston tại World Cup 1982. Schmeichel cũng không thích ra vẻ "hổ báo" như Jose Luis Chilavert của Paraguay.

Trên thực tế, tất cả những gì Schmeichel hướng đến là biến cơ thể có chiều cao 1m91 và trọng lượng hơn 1 tạ của mình thành một bao cát đủ lớn để ngăn trái bóng đi vào khung thành Man Utd.

Peter Schmeichel: Bắt bóng đại tài, đánh nhau... đại tệ - Ảnh 2.

Không hoàn toàn nhờ tài năng, mà phải có thêm sự can đảm để biến Schmeichel thành một thần tượng ngay cả với những người không hâm mộ, thậm chí thù ghét Man Utd. Chứng kiến lần The Great Dane (Người Đan Mạch vĩ đại) dang rộng tứ chi để bảo vệ thành trì trước một tiền đạo luôn thích vung chân hết cỡ là Alan Shearer, nhiều đấng mày râu chợt nổi da gà khi hình dung ra cảnh tượng trái bóng vô tình đập vào đúng... "chỗ ấy" của Schmeichel.

Di sản để lại

Ơn trời, điều tồi tệ nhất đã không xảy ra và nhờ thế mà Peter Schmeichel đã tạo ra cho Premier League một Schmeichel đáng khâm phục khác. Kasper Schmeichel vừa cùng Leicester đăng quang ngôi quán quân nước Anh mùa trước, đúng vào ngày cha anh có danh hiệu vô địch Premier League thứ nhất với Man Utd.

Trong ngót 1 thập kỷ gắn bó tại Old Trafford, Schmeichel đã giúp "Nhà hát của những giấc mơ" đoạt tổng cộng 5 danh hiệu Premier League, 3 FA Cup, 1 League Cup, 4 Charity Shield, 1 Siêu Cúp châu Âu và 1 Champions League. Còn những giải thưởng cá nhân thì có lẽ không nên nhắc đến, bởi ngay bản thân Schmeichel cũng không thể nhớ hết được.

Peter Schmeichel: Bắt bóng đại tài, đánh nhau... đại tệ - Ảnh 3.

Chia tay sự nghiệp thi đấu, Schmeichel cũng gần như quên luôn đống chiến lợi phẩm vốn khiến cho phần lớn đồng nghiệp thèm khát. Chỉ có những người từng xem Schmeichel thi đấu, từng sát cánh hoặc chống lại thủ môn có chiếc mũi luôn đỏ ửng như ông già Noel này là không thể nào quên rằng Premier League từng tồn tại một thủ thành nhanh nhẹn như một con linh dương bất luận thể hình đồ sộ không kém một con gấu xám Bắc Mỹ trong chiếc áo đấu cỡ XXXL.

Giờ đây, mối quan tâm chủ đạo của người đàn ông sắp sửa kỷ niệm sinh nhật thứ 53 (18/10/1963) và đã ly dị bà vợ thanh mai trúc mã Bente cách đây gần 3 năm, là sự nghiệp của con trai Kasper, các hoạt động kinh doanh, vai trò đại sứ hình ảnh của Man Utd (lý do đã đưa Schmeichel đến Việt Nam vào năm 2013), món trứng kiểu Đan Mạch và... cải thiện khả năng ăn nhậu.

Thật khó tin là tửu lượng của Peter Schmeichel, chào đời tại đất nước có loại bia lừng danh Carlsberg, lại thua xa nhiều đồng đội cũ tại Man Utd. Trong cuốn tự truyện của mình, cựu tiền vệ Roy Keane có dành ít dòng nhắc lại một ký ức không mấy vui vẻ liên quan đến Schmeichel.

Peter Schmeichel: Bắt bóng đại tài, đánh nhau... đại tệ - Ảnh 4.

Số là khi Man Utd bay sang Hong Kong tập huấn trước thềm mùa giải lịch sử 1998/99, các học trò của Sir Alex Ferguson đã rủ nhau đi làm vài chén. Uống được vài tuần, Schmeichel và Keane, hai người vốn chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng với nhau, bắt đầu lời qua tiếng lại. "Tao chịu đựng mày thế là quá đủ rồi. Có giỏi thì bước ra ngoài giải quyết", Schmeichel hét vào mặt Keane.

Tất nhiên, một gã "máu pha dầu hỏa" như Keane không đời nào từ chối cơ hội hóa thân thành Diệp Vấn. Chỉ sau vài cú ra đòn gọn gàng của Keane, Schmeichel nằm đo sàn với một bên mắt mù dở. Bình thường thì Keane khó mà hạ được Schmeichel, nhưng lúc ấy chân tay thủ môn người Đan Mạch đã mềm nhũn vì men rượu.

Buổi sáng hôm sau, cả hai bị gọi vào phòng Ferguson. Trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo, Schmeichel nhận hết phần lỗi về mình. "Không thể nói là tôi yêu mến Peter. Chúng tôi mâu thuẫn suốt nhiều năm trời. Nhưng tôi buộc phải nói rằng, Peter là tay quân tử hiếm thấy", Roy Keane sau đó bộc bạch trong tự truyện.

Quân tử, đó là tất cả những gì Peter Schmeichel mong muốn được người khác nhìn nhận, chứ không phải là một thủ môn lừng lẫy. "Có nhiều thứ đáng giá mà bóng đá chỉ lấy đi, chứ không mang lại cho bạn", kết luận của người đã trải qua 292 trận đấu cho Man Utd với đủ cả niềm vui lẫn nỗi ê chề.