Đề cử Oscar 88: Quá lớn, quá nhỏ, quá an toàn, quá trắng

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 18:04 15/01/2016

Không có nhiều bất ngờ tại danh sách đề cử Oscar 88 mới được công bố, tuy nhiên hơn 20 hạng mục đề cử vẫn có chỗ cho những thất vọng.

Khi những cái tên được xướng lên trong buổi sáng thứ Năm vừa rồi, có nhiều hơn là một vài gương mặt mà khán giả muốn được vinh danh – đã "biệt tăm biệt tích" trên danh sách đề cử Oscar 88. Dưới đây là những bất ngờ và cũng là nỗi thất vọng, bên cạnh sự áp đảo của những The Revenant hay Mad Max: Fury Road.

Lại một "Oscar quá trắng"

Hơn 20 đề cử cho 4 hạng mục chính bao gồm Nam/Nữ chính phụ xuất sắc đều gọi tên những người da trắng. Không có lấy một người da màu trong các hạng mục lớn, kể cả những cái tên đầy tiềm năng như Will Smith trong Concussion, Michael B. Jordan của Creed, Idris Elba trong Beasts of No Nation hay Samuel L. Jackson với The Hateful Eight.

Đề cử Oscar 88: Quá lớn, quá nhỏ, quá an toàn, quá trắng - Ảnh 1.

Sự áp đảo của diễn viên, đạo diễn da trắng trong các hạng mục lớn

Ở phía hạng mục Phim xuất sắc nhất, niềm tự hào của người da màu mang tên Straight Outta Compton cũng vắng bóng. Bộ phim về nhóm nhạc hip – hop gần như đã tạo ra một cuộc cách mạng trong văn hoá đại chúng của người Mỹ, nhưng lại không hề khiến các giám khảo của Viện hàn lâm động lòng.

Nếu như Elba được đề cử bởi BAFTA, SAG-AFTRA và Quả Cầu Vàng cho vai thủ lĩnh khát máu trong Beasts of No Nation thì nam diễn viên gốc Puerto Rico là Benicio Del Toro được coi như một trong những đại diện xuất sắc cho một vé đề cử Nam phụ tại Oscar 2016 với Sicario. Nhưng không một cái tên nào xuất hiện trong danh sách "toàn trắng" của Viện hàn lâm.

Trong những năm gần đây, mặc dù đã cố gắng đa dạng hoá những thành viên của hội đồng, nhưng trong số hơn 6000 người có phiếu bầu cho Oscar thì nam giới da trắng vẫn có số lượng áp đảo. Mặc dù Viện hàn lâm chưa bao giờ công khai cụ thể, nhưng một nghiên cứu của Los Angeles Times năm 2012 chỉ ra rằng thành viên của Academy có tới 94% là người da trắng và 77% là nam giới với tuổi trung bình là 62. Không phải là Academy không cố gắng đa dạng hoá "màu da" cho ban giám khảo, như việc trao lá phiếu bầu cho những ngôi sao da màu như của nam diễn viên của Selma - David Oyelowo, nữ diễn viên Anh Gugu Mbatha-Raw, người xuất hiện trong Concussion, hay đạo diễn của Compton là F. Gary Gray. Tuy nhiên, với danh sách đề cử như đã công bố của năm nay thì một lần nữa, hashtag #OscarSoWhite (Oscar quá trắng) lại tràn ngập các phương tiện đại chúng đòi hỏi cái nhìn công bằng hơn đối với cộng đồng thiểu số trong thế giới điện ảnh.

Oscar và giới tính: Bên trọng bên khinh

Đề cử Oscar 88: Quá lớn, quá nhỏ, quá an toàn, quá trắng - Ảnh 2.

Trong khi Oscar dường như có thiện chí tôn vinh những bộ phim đòi hỏi hy sinh của diễn viên, thì những bộ phim khai thác đề tài nữ giới lại không thu hút nhiều sự quan tâm của phần lớn cánh mày râu trong hội đồng giám khảo. Nhìn lại những cái tên "làm mưa làm gió" dẫn đầu đề cử Oscar năm nay dễ dàng thấy thiếu vắng những bóng hồng, mà vốn ban đầu được các nhà phê bình ca ngợi "năm nay Oscar sẽ dành để tôn vinh phụ nữ". Những bộ phim xuất sắc được xây dựng qua lăng kính của nữ giới năm nay không thiếu: Carol, Room, The Danish Girl, Brooklyn… nhưng chúng nằm ở nhóm sau dựa vào số lượng đề cử chênh lệch.

Carol và The Danish Girl và hai bộ phim xoay quanh chủ để đồng tính nhưng đã "mất tăm mất tích" tại hạng mục dành cho Phim xuất sắc, mặc dù các cá nhân vẫn nhận được đề cử. Kitana Kiki Rodriguez và Mya Taylor, cặp nữ diễn viên chuyển giới được đề cử Spirit Awards cho phim Tangerine - thì bị Viện hàn lâm ngó lơ. Những ý kiến trái chiều cũng cho rằng Viện hàn lâm lúng túng trong việc chia tuyến nhân vật thành chính – phụ, khi đẩy Alicia Vikander trong The Danish Girl và Rooney Mara trong Carol sang hạng mục cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc.

Những chiếc ghế an toàn và nỗi buồn gọi được tên

Đề cử Oscar 88: Quá lớn, quá nhỏ, quá an toàn, quá trắng - Ảnh 3.

"The Revenant" liệu có thể giải "lời nguyền Oscar" cho Leonardo DiCaprio?

12, 10 và 7 là số đề cử mà tam mã The Revenant, Mad Max: Fury Road và The Martian đang dẫn đầu đề cử Oscar năm nay. Trong khi The Martian và Mad Max: Fury Road được đánh giá là mang nhiều tính giải trí, thì vị trí dẫn đầu The Revenant được Oscar ưu ái có lẽ vì quá trình quay phim khắc nghiệt và những hi sinh mà Leonardo DiCaprio và đồng nghiệp đã bỏ ra hơn là một bộ phim trọn vẹn tiệm cận hoàn hảo, điều mà The Revenant không thuyết phục được người xem.

Đề cử Oscar 88: Quá lớn, quá nhỏ, quá an toàn, quá trắng - Ảnh 4.

"Beasts of No Nation", "Creed" hay "Carol" là những cái tên được kì vọng nhưng lại bị Oscar "ghẻ lạnh" năm nay

Đó là những tác phẩm không ngoài dự đoán khi trước thềm công bố đề cử Oscar người ta đã cá cược về chiếc ghế chắc suất cho The Revenant hay Mad Max. Tuy nhiên, niềm vui của người này là nỗi buồn của người khác. Nhiều cái tên được kì vọng đã không có cơ hội chạm tay vào chiếc tượng vàng khi ngã ngựa ngay tại vòng đề cử.

Hơn 50 năm trên ghế đạo diễn, với The Martian lần này Ridley Scott vẫn không có lấy một đề cử cho mình ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc, thay vào đó là cái tên mới Lenny Abrahamson với Room. The Good Dinosaur là đại diện của Pixar không nhận nổi một đề cử nào. Quentin Tarantino từng khao khát "vơ vét" giải thưởng tới mức sẽ có hẳn hạng mục Quentin Tarantino Award, thế nhưng giấc mơ đó đánh lỡ hẹn năm nay khi cả vị đạo diễn của The Hateful Eight lẫn Aaron Sorkin với Steve Jobs đều không thể có một đề cử cho Kịch bản xuất sắc. Johnny Depp cũng không thấy đâu trong danh sách đề cử, dù cho Black Mass được đánh giá cao đi chăng nữa.

Quy luật "phim chiếm ưu thế"

Đã từ lâu, Viện hàn lâm có một quy luật bất thành văn về "phim chiếm ưu thế" trong các đề cử. Mỗi năm thường có một hoặc hai tác phẩm như vậy. Những phim này thường được yêu thích đến nỗi chúng "vơ vét" hết các đề cử, dù chưa hẳn đóng góp cái tên xuất sắc nhất trong từng hạng mục. Năm nay, bộ phim đó là The Revenant. Sự góp mặt của Tom Hardy trong hạng mục Nam diễn viên phụ là hoàn toàn bất ngờ, vì anh còn không được đề cử Quả cầu vàng.

Có lẽ, Oscar 2016 vẫn chưa thực sự sẵn sàng với một cú chuyển mình. Nhiều đề cử hơn, nhưng lại quá nhỏ cho một giải thưởng điện ảnh thế giới nhằm tôn vinh sự đa dạng và cách tân. Tiếp tục, nhắc đến Oscar người ta lại nghĩ tới chuyện bình đẳng khi người da màu và phụ nữ vẫn chưa có được vị trí xứng đáng với những gì họ đã cống hiến trên màn ảnh.