Sài Gòn dễ thương với vá xe miễn phí cho sinh viên, trà nước miễn phí, ATM gạo. Nhiều người dù rất nghèo, cuộc sống mưu sinh chạy ăn từng bữa nhưng vẫn cưu mang chó mèo hoang, cho sóc ở công viên ăn. Trong cơn nguy khó, người Sài Gòn không quay lưng với nhau.
SAIGONIS #3: Giàu hay nghèo, người Sài Gòn không quay lưng với nhau - Ảnh 1.

Trong căn nhà cũ nằm ở 207 Nguyễn Văn Đậu, Bình Thạnh, ngoại My dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn ngày ngày nấu hàng trăm xuất cơm chay 0 đồng “như ngoài hàng” cho những người còn nhiều lam lũ ở mảnh đất Sài Gòn này. Từ Cần Thơ lên Sài Gòn 4 năm trước để chữa “cụp cái lưng”, cầm 80 triệu đồng trong tay nhưng đến giờ dù cái lưng bị “cụp” vẫn chưa khỏi nhưng trái tim ngoại lại an yên, khỏe mạnh đến lạ kỳ:

“Ở dưới Cần Thơ, bà làm rẫy làm ruộng, bà lên đây nè, bà trị cái lưng. Quê nhà xách củ sắn lên nặng quá nên nó cụp, cụp cái lưng đi. Tính lên đây trị bệnh, lên người ta nói mổ 70 - 80 triệu...rồi mấy anh cho tiền bà định mổ”.

Mỗi tháng 15 triệu tiền thuê nhà, ngày quay ngày vừa chuẩn bị đồ, nấu nướng hàng trăm xuất cơm từ thiện vừa làm khoai lang chiên, củ cải, củ sắn, bánh mì, bánh mì bì, bún bì, chả giò... rồi ai đặt gì thì làm nấy đủ thứ cả để trang trải… Ngay cả với người trẻ tuổi, đây không phải chuyện dễ dàng, nhưng ngoại My lại duy trì đều đặn suốt 2 năm nay - khi Sài Gòn đang trong “cơn ốm nặng”:

“2 năm rồi đó. Cái năm mà dịch lớn nhất, dịch phong toả rồi, không còn người đi ra đường á. Nói chung là bà chỉ có 7,8 chục triệu à. Bà với ông nói: "Giờ đồ chay mình có, mình rút hết 80 triệu ra mình cho hết đồ rồi mình về. Chớ tại thấy nó thê thảm quá con”.

80 triệu vốn là tiền để ngoại My chữa “cái lưng cụp” nhưng toàn bộ ngoại đều để lại Sài Gòn. Ngoại nhớ lại những ký ức buồn khi ấy: “Tụi nó đi cả đoàn hơn chục người, chỉ có 1 - 2 đứa tỉnh chứ còn lại nằm ngả hết trơn. Hỏi nhưng không đứa nào còn sức nói. Cái có một thằng nó khóc lên nói: “Bà ơi, con đói lắm, con lội từ Quận 8 lại đây, con lội hết nổi rồi, con đói lắm. 2,3 ngày nay con đói lắm”.

SAIGONIS #3: Giàu hay nghèo, người Sài Gòn không quay lưng với nhau - Ảnh 2.

Sau đó ngoại mới biết đây đều là những thanh niên từ quê lên phố làm phụ hồ được vài tuần rồi bị chủ thầu lừa mất tiền công. Bị chủ trọ đuổi ra ngoài, không nơi ăn chốn ở mới lưu lạc đến đây. Ngoại nấu cháo cho ăn rồi gọi điện cho con trai ở Tây Ninh, hỗ trợ mỗi người 500.000 và liên hệ bộ đội đưa về địa phương.

Ngày cả Sài Gòn phong tỏa, ngoại My vẫn không hay biết mà vẫn bày cơm từ thiện. Lạ một nỗi đến 10 giờ trưa không thấy ai qua lấy, lúc đó ngoại mới hay chuyện:

“Bà chạy lung tung ngoài đường nói "Ủa gì kì nè, bữa nay cơm không ai lấy". Người ta mới nói "Phong tỏa rồi". Gặp đứa đi ngang bà mới hỏi "Con ơi, con có xài điện thoại không? Nếu có xài điện thoại con quay lên coi, bữa nay bà cho cơm mà không ai lấy hết trơn nè". Nó mới chạy ra ngoài kêu cái chỗ vùng đỏ (khu vực lực lượng hỗ trợ phòng chống dịch) vô lấy phát cho người ta”.

Những ngày sau đó ngoại My vẫn tiếp tục nấu. Ban đầu chỉ 60 xuất, lên 80 xuất rồi 100 xuất cơm mỗi ngày.

“100 (xuất) là chạy lại này mua gạo chịu rồi đó.  Lúc đó, đồ mắc lắm, rau củ mắc nữa. Thành ra 80 triệu nó đâu làm được bao lâu đâu. Bà tính nghỉ nhưng bên chùa Long Vân chở qua một xe đồ, chở gạo nước tương cho mình một xe luôn. Tới chừng mấy người Hoà Hảo nghe tui làm thì chở rau củ. Rồi mấy đứa Đà Lạt nó chở khoai tây về cho bà” - cứ vậy, Sài Gòn từng ngày khỏe lại nhờ tình thương, sự hy sinh âm thầm như vậy.

Sau dịch, căn bếp 0 đồng của ngoại My vẫn đỏ lửa nhờ tình thương của ngoại và cả những người xung quanh. Người cân gạo, người hộp đường, người chai tương, ngày nào đông thì cả chục người, đều đều thì 3-4 người qua phụ… cứ vậy giúp ngoại duy trì căn bếp 0 đồng.

"Mấy bữa rằm làm tới sáng luôn. Bữa không có tiền mua, người ta cho đậu bắp già, trái đậu bắp mà cắt ra cả chục ngọn mới ăn được. Ông nói 'biết mấy giờ không, 2 giờ rồi' thì bà vào ngủ, ông lại ngồi cắt tiếp. Làm cái này mà không có đam mê là làm không có được, cực lắm. Ở nhà đám giỗ đám cưới với con cháu, nó làm hết chứ bà đâu có cực dữ vậy.

SAIGONIS #3: Giàu hay nghèo, người Sài Gòn không quay lưng với nhau - Ảnh 3.

Thật sự bà nói thật ha, có khi bà thèm sầu riêng quá chịu không nổi mới nói: 'Bữa nay mua trái sầu riêng ăn, kệ đi'. Tầm 3,4 kg trái nhỏ ông với bà ăn đủ nhưng hỏi nhiêu nó nói mấy trăm thì thôi bỏ xuống, bữa nào mua nha chứ bữa nay không đủ tiền. Có tiền nhưng hổng dám mua. Ngộ vậy đó, ngộ mới làm được nghen.

Giống như thói quen ông nghĩ tiền của ngoại để làm từ thiện, ăn uống của ngoại với ông thì ông sẽ đưa. Ông biết là bà không dám mua" - Từng đồng từng đồng nhỏ có trong người, ngoại My đều không nghĩ đến mình mà đều vì căn bếp nhỏ, nơi ngoại đã dành tình thương suốt 2 năm qua.

Nói về việc chữa “cái lưng cụp” - mục đích ban đầu khi lên Sài Gòn của ngoại Mỹ, ngoại My cười hiền: “Trị ở đâu? Lấy tiền nấu cơm từ thiện hết rồi! Không có nhức thì mổ làm chi, bà không có trị. Bà lấy tiền làm từ thiện hết không ai biết hết, chỉ nghĩ bà mổ mà chưa hết thôi. Nhưng may bà cũng không đau, bà nghĩ chắc do bà ngồi thiền, niệm phật”.

Vẫn có những con người “ngộ” như vậy, mang hết tất cả những gì mình có cho Sài Gòn, cho những người xa lạ nơi đây mà gần như chẳng giữ lại gì. Có những người thương Sài Gòn đến “ngộ”.

SAIGONIS #3: Giàu hay nghèo, người Sài Gòn không quay lưng với nhau - Ảnh 4.

Mỗi ngày bất kể là nắng hay mưa, bà Hồng Tuyết Mai đều cùng chiếc xe đạp nhỏ chở theo đồ đạc lỉnh kỉnh quẹo vào cổng chính Thảo Cầm Viên gặp những đứa “cháu” đặc biệt của mình.

Vốn cả bầy chó mèo rất đông nhưng do mới ăn trước nên đến giờ gần trưa, khi bà Mai gọi chỉ có Mi và Sọc đến. Gần 40 năm bán buôn ở Thảo Cầm Viên, nhưng 6 năm nay sự xuất hiện của những chú chó mèo hoang vô chủ dường như chẳng ai ngó ngàng tới đều được bà Mai “nắm lòng”:

“Con Nau Nau nó có bầu á, người ta bắt hết 9 con còn có một con đó. Mới đây còn mấy con vàng bự lắm! Vàng đực á, con xám xám cụt đuôi nữa bự lắm. Với trong phòng cũng còn mấy con. Nè bà ngoại cho nè Mi, bà cho cá nhiều nè Mi, Mi ơi…” - những lời nói dỗ dành hệt như với những đứa cháu nhỏ trong nhà mang cảm giác cảm giác thân thương và bình yên đến lạ.

SAIGONIS #3: Giàu hay nghèo, người Sài Gòn không quay lưng với nhau - Ảnh 5.

Bà Mai nhớ lại những “đứa cháu” đầu tiên của mình: “Người ta thả đâu ở ngoài bãi xe á con mèo con nhỏ vậy nè. Tối dọn hàng về mà, trời ơi con mèo ở đâu nó kêu meo meo meo, ở bên trong mấy cái thùng. Tôi bán hàng thì có mấy cái thùng á. Trong đó có mấy con mèo thì bây giờ tôi phải nuôi 3 con chứ làm sao? Tôi có để mấy cái thùng cho nó ngủ. Ông kia thấy dễ thương quá xin hai con về nuôi, rốt cuộc hai con đó chết toi vì bị người ta bắt. Bao nhiêu tôi cho ăn hết, nuôi hết. Đi dọc đường thấy tụi nó tôi còn cho”.

Và từ ngày đó, hầu như ở Thảo Cầm Viên này chẳng ai biết tên thật của bà Mai mà chỉ nhớ đến “bà chó”. Bà cười hiền: “Người ta kêu tao là bà chó tại vì thằng con của tui nó tên Chó, thành gia tôi tên là bà chó, chứ ngoài ra ở đây không ai biết tên. Tên thiệt của tui là Hồng Tuyết Mai, tui tên Mai, còn con tui là Hồng Tấn Phước”.

Đến giờ bà Mai cũng đã chẳng còn nhớ rõ mình nuôi bao nhiêu chú chó, mèo hoang, rồi cùng chúng trải qua bao vui buồn nơi Thảo Cầm Viên: “Bữa hôm đang buồn, tối ẵm con (mèo) hồi nãy nói chuyện với nó: Nè, ngoan nè, tao thương mày nè thấy không? Con mày hai con lớn tao đem cho người ta rồi đó thấy không?Mày ngoan thì tao nuôi mày nè, còn mày lì thì tao bỏ đó.

Có một nhỏ khách ra thấy dễ thương nói “Ngoại ơi gọi cho con chụp mấy hình. Thấy ngoại nói chuyện với mèo dễ thương quá nó xin chụp hình. Thấy thương gì đâu á. Bởi vậy đâu có bỏ được”.

Thời gian buồn và khó khăn nhất đối với bà và “đàn cháu” có lẽ cũng chính là đợt dịch lớn ở Sài Gòn. Nhưng rồi, Sài Gòn vẫn ấp ôm lấy từng sinh linh bé nhỏ, từng bước mà vượt qua: “Đợt dịch đầu còn đỡ đi, đợt đầu tôi còn có tiền. Còn dịch sau thì khổ trời ơi. Có đi làm đâu có tiền đâu rồi mấy cô kia mới cho số điện thoại nói là nếu cô có khổ quá thì để tụi con phụ cho. Mỗi lần mấy cô giúp là 10 bịch, 10 bịch của Thái Lan. Có đem lại hai bịch gạo nàng thơm kêu nấu cho mèo ăn, tôi nói: bà sang quá, cái này thì tui đem về tui ăn. Rồi tôi đem ra cho cái thằng bãi xe nó cũng nuôi mèo: một bịch. Rồi tôi xin thêm bánh trái, đợt đó sở thú đóng cửa dịch ấy...”.

SAIGONIS #3: Giàu hay nghèo, người Sài Gòn không quay lưng với nhau - Ảnh 6.

Không ít người nói bà “khùng”.

“Khùng” bởi một tô bánh canh cua 35.000 đồng có huyết, thịt, tôm là vậy nhưng bà Mai lại chỉ ăn không cùng cháo quẩy bởi “huyết chút cho chó ăn, cục thịt, con tôm nè để chút dành cho mèo. Chứ thương nó quá làm sao…”.

“Khùng” bởi bất kể là bị bệnh hay không có tiền, bất kể có vay nợ, bà Mai vẫn chẳng bỏ đói bầy “cháu” của mình ngày nào bởi “Tôi chỉ bị đau thôi, nếu không ra thì mèo ăn cái gì? Trời ơi tôi nhớ nó thấy bà luôn á…”.

“Khùng” bởi bà bất chấp tất cả, tiêu hàng triệu đồng chạy chữa cho những chú mèo hoang không may trúng bả, bị bệnh; khóc lóc cầu xin những tên bẫy trộm chó mèo quanh đó tha cho bầy cháu của mình.

Ngoài những đứa “cháu” ở Thảo Cầm Viên, bà Mai còn nuôi rất nhiều động vật hoang khác quanh nhà: “Ở nhà thì có chim, sáng sớm thì coi sóc và cho con sóc uống sữa. Nuôi nhiều năm bây giờ nó bự. Ngày nào cũng như vậy, mỗi ngày thức dậy tôi uống một ly cà phê sữa, tôi pha một ly bự cho 3 con sóc uống sữa. Cái bình thuốc nhỏ mắt á, một con uống 7-8 bình á. Ngâm cho nó nguội rồi uống, rồi cho chim ăn”.

Bà Mai chưa từng buồn bởi những lời nói đó, bà chỉ cười, cười bởi bà cảm nhận được niềm hạnh phúc thực sự từ trong cái “khùng” đó. Trong mắt bà lấp lánh niềm vui: “Trước kia tui có cho đàn chim ở đây ăn, nhiều lắm á. Người ta bảo tui: “'Bà điên hả? Đi nuôi chim trời'. Tui nói kệ tui, tui đi đến đâu ngoắc ngoắc là tụi nó sà xuống. Trời ơi, dễ thương lắm!”.

SAIGONIS #3: Giàu hay nghèo, người Sài Gòn không quay lưng với nhau - Ảnh 7.

Chẳng vậy mà khi các con muốn bà nghỉ ngơi khi tuổi đã về già, bà Mai vẫn nhất định “cứng đầu”  không đồng ý: “Mới năm ngoái nó (con của bà) kêu tôi “Bà nghỉ bán đi ở nhà, đừng có bán nữa”. Tại tui than có đi bán không có tiền hoài đó, một ngày 2-300.000 ăn không đủ đó, vậy một ngày mày cho tao bao nhiêu? Thôi mình ăn ít cũng được, biết không?

Tôi nói: “Tao thiếu nợ cái gì đi kệ tao, tao bán tao trả được. Có căn nhà đó chưa bán, bây giờ mà bán tao nhiều tiền lắm đó!”. Nó cũng xúi tui bán nhà lấy tiền đó dưỡng già, đừng có đi bán nữa nhưng tui không nghe”.

Tết đến xuân về với bà Mai cũng thật khác, bà vẫn đến bàn hàng, vẫn cùng bầy cháu của mình đón Tết: “Ngồi chờ thời để mình còn ăn mấy con mèo con ăn, mấy con chim ngoài đường quán chứ. Tết mùng một mùng hai ngày nào cũng bán, tết cũng về trễ nữa 7-8h tối mới về á. Vì tết khách nhiều cho nên phải ngồi mình câu giờ, mình bán thêm”.

Thương cái tánh bao đồng của ngoại đến lạ!

SAIGONIS #3: Giàu hay nghèo, người Sài Gòn không quay lưng với nhau - Ảnh 8.

Nhắc đến dòng sông mang tên thành phố - sông Sài Gòn, chẳng ai không biết đến ông Ba Chúc (Nguyễn Văn Chúc) dưới chân cầu Bình Lợi. Sống ở căn nhà nhỏ dựng tạm bằng tấm ván gỗ ghép nép mình bên bờ, ông Ba Chúc vẫn ngày ngày miệt mài với công việc khác người của mình - vớt xác trên sông.

Từ nhỏ theo ba đi chài cá và chính ba cũng là người hướng dẫn ông làm những việc lạ kỳ như vậy - vớt xác, kiếm người:

“Khi tôi còn nhỏ tôi cũng sợ lắm. Tối đi với ông ấy (ba) vớt một cái xác chẳng hạn, nhiều cái cũng phân hủy rồi, không ăn nổi cơm. Nhất là cái tội sợ ma, tối là không dám đi ra ngoài.

Từ từ ông ấy cũng khuyên. Ổng bảo: "Con nên giúp đỡ cho người ta. Thấy cái hoàn cảnh của người ta không biết chết bằng cách gì, nhưng mà thấy tội nghiệp quá. Mình phải cố giúp cho người ta có một cái mồ cái mả như bao nhiêu người khác".

Ba tôi có nói với tôi một câu là: "Những người như thế này thì con nên giúp, vì mình sống trên trần gian này, không có tiền có bạc thì mình giúp bằng sinh lực, góp một xíu mồ hôi với đời".

SAIGONIS #3: Giàu hay nghèo, người Sài Gòn không quay lưng với nhau - Ảnh 9.

“Nối nghiệp” ba, ông Ba Chúc 45 năm qua vẫn ngày qua ngày góp chút mồ hôi cho đời. Ông chẳng thể nhớ rõ mình đã vớt bao nhiêu xác người lạnh lẽo trôi dạt trên con sông Sài Gòn, cứu sống bao người đang đứng giữa bờ sinh tử.

65 tuổi nhưng ông Ba Chúc gắn bó với công việc này quá nửa kiếp người - từ ngày ông còn là một thanh niên tuổi đôi mươi mới có tổ ấm cho riêng mình: “Mới lấy bà ấy (vợ) thì tôi vớt cái xác. Mới đầu bà ấy không cho, bả sợ. Hai vợ chồng mới cưới với nhau, chắc chừng chưa được một tháng đâu.

Thấy cái xác trôi thì tôi cứ lân la để vớt nhưng bà vợ tôi thì nhất định không cho. Cuối cùng tôi cũng khuyên bà ấy, thôi mình giúp đỡ cho người ta chút xíu đi, người ta chết trôi lên trôi xuống để như vậy thì thấy tội lắm.

Sau thì bà nghe, tôi làm việc xong giao cho công an đàng hoàng,  tối về ăn cơm nước ngủ nghỉ. Đêm ấy bà nói với tôi: "Ông làm thế mà ông ngủ với tôi à?". Tôi cũng lại khuyên một câu: Mình cũng giúp cho người ta một chút xíu để người ta cũng có một cái mồ cái mả thôi.

Hay người nhà biết được tin con cháu mình chết vì cái gì? Công an về khám tử thi là biết hết à. Nên công an họ cũng khen tôi một câu: "Nhờ chú làm những công việc này thì chúng con mới biết người này chết như nào và mới khám phá ra được".

Nói thật làm cái vớt xác, cứu người này á, mình phải có cái lòng thương người ta mới làm được. Biết sao không? Khi mà tới, cách xa khoảng 10 mét là hôi lắm chịu không nổi rồi. Nhưng mà tôi cứ tiến lại, tới nơi là tôi xin người ta. Cách xa một cánh tay thôi, tôi xin người ta "ông bà bớt hơi lạnh, để tôi giúp đỡ cho ông bà có cái mồ cái mả. Thì người ta cũng ám hơi lại, dễ dàng mà kéo”.

Không ít lần vì những chuyện thương người này mà ông Ba Chúc gặp nguy hiểm đến tính mạng: “Cũng có lúc sông chảy mạnh dữ lắm, nhưng mà mình cũng biết chiều hướng để xử lý chứ. Tôi cũng suýt chết mấy lần vì cái vụ cứu người này. Sông nước nó rình rập mình dữ lắm mà mình cũng phải có một cái mưu kế gì đó. Mình phải biết mình làm được. Khi chạy ra cứu người thì phải biết cái thân mình trước, cột dây vào tay hay như thế nào đó. Mình giữ cái mạng sống thì mới cứu người ta được”.

Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng chẳng kể sáng sớm hay tối muộn, giờ cơm hay giấc ngủ, chỉ cần có người gọi, ông Ba Chúc cũng sẽ đốc thúc lên đường, xa gần chẳng ngại. Số điện thoại của ông được người ta lan truyền khắp nơi. Ai di chuyển trên sông Sài Gòn, các kênh rạch khu vực Thủ Đức, Bình Thạnh... hễ thấy thi thể hay người thân của người tự vẫn không tìm được xác cũng đều gọi cho ông. Nếu đang đi một mình nhìn thấy, ông cũng sẽ làm. Dưới ghe của ông, luôn sẵn sàng những vật dụng để vớt xác, nào dây cột, bao tay đủ thứ cả.

Không ít lần ông Ba Chúc đã cứu sống những người chẳng còn thiết tha với đời. Để những có người đó có thêm một cơ hội làm lại cuộc đời mời:

“Có khi tới nơi nắm vào người ta thì người ta vùng vẫy bảo 'chú để cho con chết đi, chú cứu con làm cái gì?'. Nhưng mà tôi cũng phải cố cứu cho bằng được. Bấy giờ người ta ở dưới sông hay ở trên cầu người ta chỉ muốn chết thôi nhưng khi mà tôi cứu được và kéo được lên ghe rồi  khuyên răn thì người ta lại nghe. Sau này người ta quay lại, có khi 5 năm 10 năm quay lại cám ơn một lần.

Hắn nói: “Con ở trên cầu con chỉ muốn chết thôi. Nhưng mà được tay chú cứu thì con bây giờ con lại rất trân trọng cuộc sống này. Rất cảm ơn chú vì chú đã cho con cuộc sống thứ hai. Chú cứ sống khỏe, con mai mốt con làm ăn mà được con sẽ quay về nuôi chú hoặc khuyến khích chú một chút tiền gì đó”.

Tôi rất mừng vì biết sao không? Vì mình cứu được một con người sống và trở thành một con người tốt, vậy là quá mừng rồi”.

Cũng có những khi chuyện chẳng thể như ý, khi ông đến thì mọi chuyện đã quá muộn. Ông vẫn luôn tự trách mình, phải chăng có thể nhanh chân một chút là có thể cứu thêm một mạng người: “Tôi hận lắm, cứ phải đau đáu nghe điện thoại coi người ta nổi như thế nào để mà giúp đỡ lên bờ. Buồn lắm, cơm không ngon ngủ không yên”.

Mặc dù vậy, không phải lúc nào những việc tốt ông Ba Chúc làm cũng nhận được sự đồng cảm và giúp đỡ chia sẻ:

“Cũng có khi người ta nói chứ, đôi khi vớt được cái xác, mình đưa vào bờ thì dân ở chỗ đấy không chịu. Vì xác chết để lâu ngày phân hủy thì hôi, dân ở đó không cho mình ghé để những cái thi hài đó lên.Người ta nói câu là "Ông làm chuyện bao đồng quá, để cho nó trôi qua trôi lại. Kệ đi. Bây giờ ông đưa vào đây mất vệ sinh cái khu xóm này. Ông cứ bao đồng". Có khi nhiều người còn chửi tôi, nhiều người còn đánh tôi nữa. Nhưng tôi không thấy thì thôi chứ thấy là phải làm bằng được. Đưa cho người ta lên bờ.

SAIGONIS #3: Giàu hay nghèo, người Sài Gòn không quay lưng với nhau - Ảnh 10.

Mới đầu tiên làm cũng khó khăn lắm, công an mời tới mời lui. Rồi nghi mình hại người này nữa. nhưng mà được cái bây giờ thì công an chỗ nào cũng biết tôi, chỗ nào cũng có số điện thoại tôi. Nhiều khi công an nói là "Vừa mới hôm qua một cái hôm nay lại một cái nữa rồi".

Mới đây nè, mới đầu World Cup vừa rồi. Tôi nói á, một tuần lễ 3 - 4 cái không chừng. Có ngày 2 cái không chừng. Có khi 1 tuần đến 3 - 4 cái, tháng vừa rồi mười mấy cái. Ngày trước cái, ngày sau cái, ngày sau nữa một cái, nguyên một tuần lễ là tôi tính có 6 cái”.

Người ta hay nói, Sài Gòn hoa lệ. Có lẽ ông Ba Chúc từ cái nghề này đã chứng kiến không biết bao nhiêu “lệ” của Sài Gòn:

Sông Sài Gòn, dòng sông “trên bến dưới thuyền” chảy qua thành phố sầm uất bậc nhất Việt Nam nhưng lại cũng ở nơi không ai hay biết nhấn chìm và cuốn sạch tất cả những đau thương của một đời người. Và cũng nơi con sóng dập dềnh đó, ông Ba Chúc cùng vợ vẫn muốn góp chút mồ hôi của mình để Sài Gòn vơi bớt những nỗi niềm đau khổ, cho đến khi sức cùng lực kiệt:

“Tôi không bỏ được mà. Tôi phải nói một câu là bao giờ tôi đi không được nữa thì tôi mới bỏ thôi. Còn sức tôi còn làm”.

SAIGONIS #3: Giàu hay nghèo, người Sài Gòn không quay lưng với nhau - Ảnh 11.

Nếu ở sông Sài Gòn có ông Ba Chúc thì hơn 10 năm nay, trong hẻm Ông Tiên phố Phan Đình Phùng, cũng có một chú Út ngày ngày nhận làm mai táng miễn phí cho người vô gia cư có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc mai táng, những lúc rảnh rỗi chú đều miệt mài ngồi sửa xe miễn phí cho người đi đường ở hẻm. Những bình trà đá, tủ thuốc miễn phí dành cho người lao động nghèo vẫn luôn được chú đặt ở vị trí thân quen. Với chú, mỗi cốc nước mát được lấy đi, mỗi người lao động qua cơn mỏi mệt nhờ những viên thuốc kịp thời trong tủ là một sự cổ vũ tinh thần, là động lực để tiếp tục làm điều tử tế.

Cứ có người nghèo, người vô gia cư mất, chú lại lo kêu gọi Mạnh Thường Quân. Từ lựa tang phục, chuẩn bị hương đèn cho đến tắm rửa, thay quần áo cho người đã khuất… chú đều tự tay chăm từng chút một: “Làm nhiều lắm, làm đến 8-9h đêm. Hồi trước chỉ giúp vòng vòng ở đây. Báo chí lên một cái coi như phải giúp toàn thành phố. Năm ngoái 25 Tết ở dưới Củ Chi người ta cũng kêu chú xuống làm”.

Trước có nhiều người không biết vẫn bàn tán, hiểu nhầm chú Út là vì được lợi lộc gì đó mới đi làm những việc “bao đồng” như vậy, nhưng chú vì thế mà giận hay ngừng công việc mình cho là đúng. Không lấy tiền, thậm chí là một miếng cơm của gia chủ cũng không nhận, cứ vậy chú Út vòng quanh Sài Gòn tiễn những người đã khuất đi nốt chặng đường cuối cùng mà chẳng hề kiêng dè hay kêu ca:

“Người ta nói nếu mà xin hòm thì chắc có tiền nên chú mới bỏ công ăn việc làm chú mới đi. Thiệt ra mình bỏ sức ra để mình làm thôi chứ đâu có tiền bạc gì đâu. Người ta nói nhiều lắm. Sau này có mấy đám người nghèo mất, chú vô nắn tay nắn chân rồi khiêng hòm, người ta đưa tiền mà chú không lấy, lúc đó người ta mới biết.

Làm cái này nhiều người thương mình à, mà cũng có nhiều người ghét mình, nói làm như vậy thì chắc cũng có “ăn uống” gì ở trong đó. Mệt lắm, để ý dữ lắm!

Người ta nói thì nói còn cái tâm mình thì cứ làm. Mình tự ái rồi bỏ đó thì biết bao nhiêu người nghèo cần tới mình nữa mà không có. Người ta cảm ơn cũng được, không cảm ơn cũng được. Mình vô tư không có trách gì người ta hết. Người ta nói là tang gia bối rối, chuyện nhà người ta nhiều quá rồi quên mất. Có khi người ta lên đưa bao thư cũng không dám lấy, bởi nói giúp rồi lấy là vô nghĩa.

SAIGONIS #3: Giàu hay nghèo, người Sài Gòn không quay lưng với nhau - Ảnh 12.

Chú cũng bình thản mà chấp nhận việc người thương kẻ ghét, chỉ cần không làm việc trái lương tâm, không giúp người là không được: “10 người thương hết 9 người, còn một người ghét bởi không có gì hoàn hảo. Đến ông trời nhiều khi nắng mưa mà còn kêu than không vừa lòng thì mình làm sao làm vừa lòng hết được.

Mình sống đúng lương tâm là được rồi. Người ta không biết thì mình chỉ dẫn chứ đừng có lên cơn phẫn nộ mà không giúp là không được”.

Chú Út về những kể ngày xưa từng làm ăn thua lỗ, phải bán nhà. Nhưng cũng chính lúc khó khăn ấy, chú lại nhận ra bản thân mình dù chẳng đủ đầy nhưng vẫn có thể đưa tay giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, để cuộc sống mỗi người ở trong thành phố này đều có thêm chút dịu dàng, ấm áp dù là khi đã nhắm mắt xuôi tay:

“Lúc đó chú ở bên nhà vợ, bị nói nhiều quá rồi chú tự ái, mới ra ngoài đường ở. Mình mới thấy những người lụm ve chai, những người lang thang ngoài đường. Nghĩ lại mình cũng có cái nghề. Ngó lên mình không bằng ai nhưng ngó xuống thì mình hơn những người đó nên mình giúp được tới đâu hay tới đó”.


img
img
img
img
img
img

Người Sài Gòn là vậy, trong khó khăn vẫn sống lạc quan, vẫn dành hết tất cả những gì mình có, nối dài vòng tay giúp đỡ bất cứ ai. Với chú Út, hạnh phúc đơn giản chỉ là sức khỏe, là sự vô tư giúp sức cho đời, cho người, vậy là đủ.

Người ta cứ nghĩ, nếp sống ở thành phố là “Đèn nhà ai nấy rạng”, tình cảm lạnh nhạt. Ấy vậy mà ẩn dưới vẻ ngoài vội vã của thành thị, Sài Gòn ló mình trong hình dáng bao đồng dễ thương, “người ăn cơm giúp người ăn cháo”, giúp được gì thì giúp ngay chứ chẳng cần suy nghĩ, chẳng cần đêm hay ngày.

Dù không biết từ khi nào, nhưng dường như người ở đây cũng không ai màng tìm kiếm “cái tánh bao đồng” kia xuất phát từ đâu. Người Sài Gòn đối đãi với nhau xuất phát từ lòng yêu thương chân thành.

Họ sẵn sàng cho đi chứ chẳng mong cầu được đáp lại.

Phạm Trang
Ở đâu cũng chụp, Viết Thanh
Tiêng Tiêng