SEA Games 28 và khái niệm “làm ra làm, chơi ra chơi”

Hoa Vinh (từ Singapore), Theo Trí Thức Trẻ 16:10 05/06/2015

Trưa 5/6, tất cả các phóng viên đến Singapore được Ban tổ chức SEA Games 28 mời dùng cơm thân mật. Và ngay tại bữa tiệc này, nước chủ nhà đã chứng tỏ với truyền thông khu vực rằng họ chuyên nghiệp đến thế nào trong cả những cuộc vui.

Tối 5.6, lễ khai mạc được tổ chức tại sân vận động quốc gia nằm trong Khu liên hợp thể thao Sports Hub. Vì mục đích của tất cả các phóng viên khi tới đảo quốc sư tử là làm việc chứ không phải vui chơi nên khi đến dự tiệc, họ đều mang theo ba lô chứa lỉnh kỉnh máy tính xách tay, máy ảnh, máy quay và vô vàn dụng cụ khác. 

Trong khuôn viên khách sạn 5 sao Swissotel the Stamford, trong khi chờ đến giờ nhập tiệc, theo thói quen, các phóng viên lại rút các thiết bị điện tử ra để tranh thủ làm việc. Nhưng không một ai có thể truy cập vào internet vì chẳng biết mật khẩu.


Các Phóng viên tác nghiệp khẩn trương tại SEA Games 28.

Đến giờ nhập tiệc, trong phòng tiệc, một số phóng viên lại rút máy móc ra và muốn tận dụng tối đa thời gian để tác nghiệp. Một lần nữa, không ai vào được internet. Sốt ruột, chúng tôi gọi một nhân viên phục vụ tới để hỏi mật khẩu. Và câu trả lời của anh chàng phục vụ khiến tất cả chúng tôi ngỡ ngàng: “Trưa nay các bạn được mời đến đây ăn tiệc. Vì thế, chúng tôi không cung cấp mật khẩu internet và các bạn hãy tận hưởng niềm vui. Bây giờ và tại đây, các bạn nên đón nhận tấm lòng của chúng tôi chứ không phải giờ làm việc”.

Hoá ra, khái niệm “làm ra làm, chơi ra chơi” được người Singapore thấm nhuần không chỉ ở khẩu hiệu, lời nói. Họ thể hiện điều đó bằng hành động cụ thể, ngay từ những việc tưởng như thoải mái nhất. Trong một bữa tiệc mà mình tổ chức, người Singapore muốn tất cả hiểu rằng, khi đã đến đây thì phải vui chứ không thể có chuyện người ngồi ăn, kẻ ngồi làm. Nếu muốn làm việc ở chỗ vui thì xin mời dừng buổi tiệc và đi ra chỗ khác.

Nhưng một khi đã làm việc, người Singapore lại chuyên nghiệp, nghiêm túc và chăm chỉ không ai bằng. Tại Sports Hub vài ngày trước, khi trời nắng oi bức, nhiều công nhân vẫn miệt mài làm việc dù đồng hồ đã chỉ 12 giờ 30 phút. 

Hỏi họ sao không nghỉ ngơi, đợi đến chiều đỡ nóng bức rồi làm tiếp, các công nhân Singapore trả lời đơn giản: “Đây là nhiệm vụ của chúng tôi. Bản thân chúng tôi cũng thấy tự hào vì được đóng góp một phần công sức cho SEA Games tổ chức trên sân nhà. Do vậy, chúng tôi thấy vui chứ  chẳng mệt mỏi chút nào”. 


Những người công nhân ở Singapore làm việc quên mình để hoàn thành các hạng mục phục vụ SEA Games

Ngay cả anh chàng cảnh sát mà tôi đã làm quen từ vài ngày trước tại lễ thượng cờ, lúc không làm nhiệm vụ thì có thể chuyện trò, bông đùa thoải mái. Nhưng đến giờ vào việc, bất kể tôi nở nụ cười “cầu tài” thế nào, anh chàng vẫn kiên quyết yêu cầu tôi phải lấy máy tính xách tay ra ngoài ba lô, kiểm tra an ninh cẩn thận rồi mới cho vào khu vực làm nhiệm vụ.

Với phong cách ấy, bảo sao người Singapore được khen ngợi khi xây nên một Sports Hub thuộc diện hoành tráng nhất khu vực và SEA Games 28 được tổ chức cực kỳ chuyên nghiệp. Tất nhiên, việc “làm ra làm, chơi ra chơi” ấy chưa thể tạo được sự ảnh hưởng lớn vào các cuộc thi đấu thể thao. Bởi SEA Games vẫn chưa cởi bỏ được cái mác “hội làng” và chính Singapore cũng “bày mưu” để tạo ra những lợi thế nhất định cho họ tại đại hội lần này.