"Sống chung với mẹ chồng" đã là một bộ phim truyền hình 100% hoàn hảo nếu như…

Hải Du, Theo Trí Thức Trẻ 22:03 06/07/2017

Một bộ phim luôn có những điểm yếu, Sống chung với mẹ chồng cũng không ngoại lệ. Dù được quan tâm hết mực nhưng những điều còn thiếu sót của phim khiến khán giả không khỏi tiếc nuối kể cả khi phim đã hết.

Như cột mốc nhắc nhớ giai đoạn hoàng kim phim truyền hình Việt, những tác phẩm như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng đã làm rất tốt vai trò lấy lại niềm tin của khán giả xem đài. Dù đều chuyển thể từ nguyên tác, kịch bản nước ngoài, nhưng không thể phủ nhận được thành công hiện tại có đóng góp rất lớn từ ê kíp làm phim vô cùng tâm huyết và chuyên nghiệp. Tuy nhiên nhìn lại, Sống chung với mẹ chồng vẫn mắc vào những lối mòn, hạt sạn muôn thuở hay mắc của truyền hình Việt, để lại nhiều tiếc nuối cho độc giả sau khi tập cuối vừa lên sóng.

Mạnh kịch tính nhưng yếu lãng mạn

Sống chung với mẹ chồng đã là một bộ phim truyền hình 100% hoàn hảo nếu như… - Ảnh 1.

Bảo Thanh và Anh Dũng trong Sống chung với mẹ chồng

Bỏ qua các chi tiết thậm xưng nhằm làm bật lên mâu thuẫn giữa nàng dâu với mẹ chồng, có thể nói tuyến lãng mạn chính là phần yếu nhất trong khâu kịch bản. Hai nhân vật chính Vân và Thanh dù có nhiều cảnh tình tứ, giường chiếu táo bạo nhưng lại tạo cảm giác "xôi thịt" nhiều hơn là một mối tình lãng mạn. Thế nên cái dự cảm tan vỡ luôn luôn tồn tại trong khán giả.

Hay như khi Vân đối mặt với cuộc sống bộn bề lo toan áp lực, chồng vũ phu, mẹ chồng soi mói, hà khắc thì bất ngờ một bạch mã hoàng tử hết lòng mê mẩn cô xuất hiện: soái ca chạy xế hộp màu đỏ do Việt Anh thủ vai.

Sơn được xây dựng theo chuẩn hình tượng "soái ca" của trào lưu ngôn tình hiện tại: độc thân, đẹp trai, ga lăng, giàu có, nhưng đem lòng yêu nữ chính ngay từ cái nhìn đầu tiên. Số phận đưa đẩy trong một lần đi du lịch cùng công ty, Vân bị đau chân ngồi bên đường, Sơn lại bất ngờ xuất hiện như một ông bụt, tặng cho cô đôi giày bệt lấy từ ô tô riêng. Định mệnh tình cờ nhất cũng chào thua bởi tại sao chàng soái ca này có thể xuất hiện đúng lúc đến thế? Vậy đôi giày nữ số đo vừa in kia là của ai, trong khi Sơn là con một và vẫn luôn tìm mọi cách trốn tránh các cuộc xem mắt do mẹ mình yêu cầu?

Sống chung với mẹ chồng đã là một bộ phim truyền hình 100% hoàn hảo nếu như… - Ảnh 2.

Không những vậy, ngay khi mối quan hệ giữa hai người rơi vào bế tắc bởi bóng đen quá khứ, Vân mang mặc cảm mất khả năng làm mẹ mà từ chối tình cảm của Sơn thì đến tập cuối, anh lại bất chợt xuất hiện trước cửa nhà, nói đôi ba lời tình cảm "sến súa" thế là mọi chuyện lại như chưa từng có cuộc chia ly. Vân dễ dàng tin tưởng những lời hứa hẹn suông trong khi trước đó hết sức khổ tâm bỏ ngoài tai lời khuyên nhủ của bạn bè và người thân bên cạnh. Dẫu ai cũng mong cho cặp đôi một kết thúc có hậu, nhưng kết thúc một cách chóng vánh, hụt hẫng còn hôn nhau thì dài cả phút như thế thật khó lòng thuyết phục được khán giả.

Sống chung với mẹ chồng đã là một bộ phim truyền hình 100% hoàn hảo nếu như… - Ảnh 3.

Nụ hôn kéo dài một phút trong tập cuối cùng của Sống chung với mẹ chồng

Bên cạnh đó, dù kịch bản có ý đồ nhấn mạnh sự hối lỗi của bà Phương và trái tim vị tha của nàng dâu, nhưng rõ ràng hành động quan tâm mang hoa, quà đến nhà chúc mừng sinh nhật mẹ chồng cũ dường như hơi kì quặc bởi Vân hoàn toàn không nghĩ đến chuyện quay lại với chồng cũ. Có chăng, mọi chuyện sẽ trở nên hợp lý hơn khi hai người có thể mỉm cười với nhau khi tình cờ gặp mặt. Và nếu Vân vẫn nhớ đến sinh nhật mẹ chồng cũ, thì Thanh sẽ càng có lý do để hối hận vì để mất một người vợ đáng trân trọng thế nào.

Hàng loạt các nhân vật bỗng dưng mất tích

Sống chung với mẹ chồng đã là một bộ phim truyền hình 100% hoàn hảo nếu như… - Ảnh 4.

Trải dài theo diễn biến của bộ phim, rất nhiều những nhân vật phụ đã xuất hiện và để lại ấn tượng trong lòng độc giả. Đó là gia đình ông bà Bằng hiền lành, hiểu chuyện, các đồng nghiệp tâm lý cùng công ty của Vân hay Diệp - cô con dâu thứ hai đáo để, khắc tinh của bà Phương. Mỗi người một nét cá tính, tạo nên những màu sắc rất riêng trong bức tranh về cuộc sống muôn màu muôn vẻ.

Tuy nhiên giữa họ có một điểm chung là đều bỗng dưng biến mất không chút dấu vết. Nghe tin phim quay thêm hai tập, khán giả có thể mơ mộng đến đám cưới của Vân-Sơn giữa sự chứng kiến của tất cả mọi người, thì cuối cùng nhận lại cũng chỉ là cái kết hụt hẫng và được an ủi bằng một nụ hôn kéo dài một phút.

Sống chung với mẹ chồng đã là một bộ phim truyền hình 100% hoàn hảo nếu như… - Ảnh 5.

Không những vậy, dù đóng vai trò khá quan trọng trong diễn biến câu chuyện, nhân vật Diệp hầu như biến mất khỏi tập cuối phim. Có lẽ, cô chỉ xuất hiện như một khắc tinh khiến bà Phương phải trả giá cho những ngày đè đầu cưỡi cổ Vân, trị thẳng tay thói nhu nhược vũ phu của Thanh và chấm hết. Người ta hoàn toàn không biết sau một năm trời sống chung với mẹ chồng, bà Phương đã biết hối hận sửa sai, Thanh đã trưởng thành, có trách nhiệm hơn thì liệu Diệp có thay đổi hay vẫn tiếp tục tác oai tác quái? Đến bà Điều cuối cùng còn được gia đình Trang đón nhận, chẳng lẽ bà Phương lại phải đóng tiếp phần hai "Sống chung với con dâu"?

Lời thoại còn kịch và nhiều sơ sót hậu kỳ

Sống chung với mẹ chồng đã là một bộ phim truyền hình 100% hoàn hảo nếu như… - Ảnh 6.

Là một trong những tác phẩm Việt hóa thành công dựa trên nguyên tác tiểu thuyết Trung Quốc, nhưng Sống chung với mẹ chồng vẫn không ít lần khiến khán giả nhíu mày bởi những sơ sót không đáng có. Bên cạnh những hạt sạn hậu kỳ khi nhân vật lúc tóc dài lúc tóc ngắn, răng lúc xấu lúc đẹp… có lẽ lỗi lớn nhất phải kể đến các câu thoại chưa gần gũi với cuộc sống thường ngày, mà mang hơi hướng văn viết.

Đây cũng là một trong những nhược điểm chí mạng của phim truyền hình Việt. Rất nhiều phân cảnh cảm động, dễ dàng lấy đi được nước mắt của người xem nhưng lại bị chưng hửng do thoại dài dòng, sến súa như trong tiểu thuyết diễm tình. Vân trong giây phút yếu đuối nhất trải lòng cùng Sơn khó có thể đủ bình tĩnh để nói một câu dài hai trang A4 về chuyện Trang quan trọng với cô thế nào, hay "Đậu Phộng là mỏ neo duy nhất níu giữ tình cảm gia đình Trang…" ra sao. Không chỉ vậy, dàn diễn viên chủ yếu xuất thân từ sân khấu kịch tuy diễn chắc tay trong những phân đoạn tay đôi khó nhằn, nhưng đôi lúc lộ rõ nhược điểm đọc thoại khô và khá cường điệu.

Sống chung với mẹ chồng đã là một bộ phim truyền hình 100% hoàn hảo nếu như… - Ảnh 7.

Vẫn biết những điều được nhắc đến trên kia vẫn là lỗi sai muôn thuở trong phim truyền hình Việt, tuy nhiên do quá thành công nên Sống chung với mẹ chồng càng bị soi dưới góc nhìn khắt khe hơn, âu cũng vì quá yêu mến.

Có lẽ khán giả màn ảnh nhỏ sẽ phải chờ rất lâu nữa mới có thêm một tác phẩm xuất sắc như vậy. Và hiện tại Người phán xử có đủ mạnh để gánh luôn lượng người xem vốn có của Sống chung với mẹ chồng không cũng là một câu hỏi.