Công Vinh, Miura và câu chuyện "anh hùng bàn phím"

Lê Thương , Theo Trí Thức Trẻ 08:33 11/10/2015

Cả Công Vinh lẫn HLV Miura đều bày tỏ mong muốn dư luận hãy bớt bình luận về đội tuyển, nhưng có một thực tế càng bị chỉ trích thì họ càng mạnh mẽ hơn.

Công Vinh - ngôi sao giữa những tranh cãi 

"HLV Calisto đã từng nói ở Việt Nam có khoảng 30 triệu HLV, tuy nhiên theo Vinh lúc này ở Việt Nam phải có đến 80 triệu HLV, họ là những "anh hùng bàn phím" và không ngừng múa phím bình luận, chỉ trích bất kể đội tuyển đang thi đấu thắng hay thất bại..." . Công Vinh tỏ ra bức xúc khi nhắc đến dư luận sau trận hòa 1-1 với Iraq. 

Trong suốt 10 năm qua, Công Vinh là cầu thủ Việt Nam duy nhất luôn tạo ra những tranh cãi bất kể anh là người hùng giúp ĐT Việt Nam giành thắng lợi trong rất nhiều trận đấu quan trọng. Mọi lúc, mọi thời điểm vẫn có vô vàn lý do để người ta chỉ trích Công Vinh. 3 Quả bóng vàng mà cầu thủ này có được đều là thời điểm mà anh mới bước vào sự nghiệp và vẫn chưa chịu nhiều sức ép của dư luận. Những năm sau đó, bất kể lúc nào Công Vinh cũng là cầu thủ số 1 đội tuyển lẫn CLB thì anh cũng không một lần được thừa nhận tài năng bởi sự đố kỵ và ghét bỏ của dư luận. Thậm chí, dù là người hùng giúp Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 thì năm đó Vinh cũng không được nhận Quả bóng vàng. 

Tiền đạo xứ Nghệ luôn bị nhìn dưới ống kính khắt khe của dư luận. Khi đội tuyển thất bại, Công Vinh sẽ là cầu thủ đầu tiên bị liệt kê "tội đồ", khi đội tuyển thành công và Công Vinh là người tỏa sáng nhất thì bằng cách này, hay cách khác tài năng và tầm quan trọng của Vinh cũng vẫn bị chối bỏ. 

cv14-e39b2

Trận gặp Iraq, Công Vinh cùng Nguyên Mạnh chính là 2 cầu thủ chơi hay nhất của ĐT Việt Nam. Nhưng sau trận đấu, người ta lại đổ dồn vào chỉ trích Công Vinh chỉ vì trách anh tại sao không đi bóng mà lại chuyền cho Công Phượng. Dù ở tình huống ấy, Công Phượng là người để mất bóng, và Thanh Hiền là cầu thủ để bóng chạm tay. Dường như, với tất cả Công Vinh buộc phải gánh trên vai trách nhiệm của cả đội tuyển, ngay cả lỗi lầm của đồng đội. 

Thế nhưng, cũng như những ngôi sao lớn, Công Vinh càng gây tranh cãi, càng bị đố kỵ, chỉ trích thì cũng là lúc anh càng bùng nổ trên sân. AFF 2014, tất cả đều cho rằng Công Vinh đã hết thời, bị HLV Miura cất trên ghế dự bị, nhưng anh chỉ cần 10 phút vào sân để ghi bàn thắng được bầu là đẹp nhất Đông Nam Á. Và cũng ở giải đấy, Công Vinh là chân sút số 1 của đội tuyển với 4 bàn thắng, được HLV Miura khen ngợi là cầu thủ xuất sắc của Việt Nam. 

Trước trận gặp Iraq điều tương tự cũng xảy ra khi Công Vinh tự biến mình thành tâm điểm của dư luận, và chính anh cũng sống trên dư luận để thể hiện phong độ tuyệt vời trên sân cỏ. 

Cuộc đời và sự nghiệp của chàng tiền đạo này gắn liền với những tranh cãi. Nếu không có những chỉ trích, không có những "anh hùng bàn phím" thì có lẽ không tạo ra một Công Vinh mạnh mẽ và duy trì được phong độ đến tận tuổi "xế tà" của sự nghiệp. Nói cách khác, chính dư luận đã tạo nên động lực để Công Vinh tiếp tục tỏa sáng và khẳng định mình chưa hết thời. 

HLV Miura thay đổi nhờ những lời chỉ trích? 

Rất nhiều lần HLV Miura bảo không quan tâm đến dư luận, rồi bảo không đọc báo chí Việt Nam nên cũng chẳng ảnh hưởng gì đến các quyết định chiến thuật của mình. Tuy nhiên, theo các trợ lý, những người thường xuyên làm việc với vị chiến lược gia người Nhật thì ông Miura không phải là một con người "bảo thủ" như mọi người vẫn nghĩ. 

2 năm sống ở Việt Nam, ông Miura luôn sẵn sàng đối mặt và đón nhận những thay đổi cho phù hợp với cuộc sống ở Việt Nam. Ông lê la khắp ngõ ngách , trên từng con phố dải đất hình chữ S. Không chỉ ở Hà Nội, TPHCM, mà ông còn đến cả tỉnh lỵ, huyện lỵ. Ông thoải mái hòa mình vào cuộc sống của người Việt, uống bia hơi, ăn những đồ ăn dân dã. 

Đương nhiên, ông Miura rất cần biết quan điểm sống của người Việt để có thể sử dụng liệu pháp tâm lý cho các cầu thủ. Báo chí, và truyền thông chính là kênh quan trọng để vị chiến lược gia này tham khảo. Theo các trợ lý, ông Miura không những không đọc mà đọc rất nhiều báo Việt Nam, ông biết hết những gì người ta đang nghĩ về mình, những gì giới bóng đá đang suy nghĩ về ông. 

7-7befe

Quá trình chuẩn bị cho trận đấu với Iraq cho thấy một sự thay đổi rất lớn từ giáo án cho đến tiếp cận trận đấu của ông Miura. Đội tuyển Việt Nam không còn sử dụng lối đá cứng nhắc như trước mà các cầu thủ đã tự tin cầm bóng, xử lý bóng. 

Điều đặc biệt là niềm tin của ông Miura vào các cầu thủ trẻ như Duy Mạnh, Tiến Duy một lần nữa cho thấy sự chính xác. Khi đó, nó tạo nên động lực về tâm lý thi đấu trên sân của các cầu thủ còn lại. Việc tung Công Phượng vào sân khi đội tuyển đang dẫn bàn không mang ý nghĩa chuyên môn nhưng điều đó đã giúp cho sức ép tấn công của Iraq lên khung thành đội tuyển giảm đi phần nào thay vì đưa vào sân một cầu thủ phòng ngự. 

Trận hòa trên thế thắng trước Iraq không những giúp Miura dập tan sự chỉ trích của dư luận và còn cho thấy một hình ảnh rất khác của ông thầy người Nhật Bản, và sự thay đổi ấy chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ từ dư luận. 

Cả Miura lẫn Công Vinh đều là tâm điểm của truyền thông và dư luận, nhưng trên tất cả họ đã đối mặt với sức ép ấy để chứng minh kết quả trên sân cỏ một cách đầy tích cực. Và đó chính là điều mà người hâm mộ tiếp tục chờ đợi, hy vọng 2 nhân vật quan trọng nhất của đội tuyển sẽ tiếp tục tạo nên chiến tích trong trận đấu với Thái Lan.