Góc nhìn: Hạnh phúc của Mourinho

Phạm An, Theo Trí Thức Trẻ 11:00 26/05/2015

Chelsea vô địch Premier League 2014/15 và Jose Mourinho bình thản đón nhận thành quả. Với một con người đã học được cách sống chung với cả thất bại và thành công, phản ứng ấy hoàn toàn dễ hiểu.

“Sáng hôm đó, ông ở sân tập Cobham, Surrey của Chelsea. Một ngày như mọi ngày. Ông tới sân vào lúc 7g30 sáng, vào văn phòng và khóa cửa lại, ở trong đó hai tiếng. “Tôi cần khoảng thời gian ở một mình”, ông nói. “Quý vị biết đấy, trong bóng đá, tôi chưa phải là quá già. Ở tuổi 52, tôi có lẽ còn 20 năm nữa phía trước trong nghề này. Nhưng tôi cho rằng mình đã là một kiểu “cáo già” trong nghề cầm quân. Tôi không còn sợ hãi hay lo lắng vì bất cứ điều gì. Có vẻ như tôi đã thấy tất cả trong nghề này. Tôi không thức dậy nửa đêm vì lo nghĩ về một chấn thương của ai đó, hay về chiến thuật cho trận sắp tới. Tôi chỉ cần thời gian cho riêng mình”.

Đó là một đoạn rất hay trong bài trả lời phỏng vấn độc quyền khá dài của Mourinho cho tờ Telegraph cách đây vài tháng. Nó nói về một cảm giác tuyệt vời: Khi đã có thể nhận biết mọi thứ bằng trực giác, Mourinho không cần phải sợ hãi, lo lắng, dù sức ép bủa vây tứ phía. Ông đơn giản là chỉ cần lắng nghe chính bản thân mình.


Chiếc huy chương Premier League thứ 3 trong sự nghiệp của Jose Mourinho.

Hãy đọc thêm một đoạn khác trong bài đó để hiểu cảm giác của ông: “Bạn thân nhất của Mourinho là Rui Faria, trợ lý từ những ngày đầu của ông ở Benfica, người đã theo ông tới mọi đội bóng sau đó. “Rui thường nói trở thành HLV vô địch là cuộc đời đẹp nhất trên thế giới”, Mourinho cười. “Chúng tôi đã thử, và đã làm được. Nhưng ở đây quá nhiều trận đấu nên bạn chẳng có thời gian mà tận hưởng. Tôi vừa thua 3-5, ngày hôm sau tôi lại phải ra sân tập, 2-3 ngày nữa lại là một trận. Tôi thắng 3-0 hay 4-0 thì ngày hôm sau vẫn phải ra sân tập và 2-3 ngày tới là một trận. Tôi phải học cách sống với cả thất bại lẫn thành công”.

Câu cuối rất đáng chú ý. Mourinho, một người vốn được cho là ghét thất bại đến cùng cực, lại bảo “phải học cách sống với cả thất bại lẫn thành công”.

Thất bại và mất mát là gì, có lẽ Mourinho hiểu rõ nhất điều này. Khi Jose lên 10 tuổi, cha ông nhận được một cuộc điện thoại sa thải đúng vào Giáng sinh. 11 tuổi, ông thấy tài sản gia tộc vốn rất danh giá của mình bị tịch thu trong cuộc cách mạng Hoa Cẩm chướng, bao gồm cả sân vận động mà chú ông đã xây cho quê nhà Setubal. Khi Mourinho là cầu thủ dưới quyền cha ông, Felix Mourinho, ở CLB Rio Ave, một hôm trung vệ đá chính bị chấn thương, Jose được chỉ định đá thay. Thế là Chủ tịch CLB sồn sồn chạy vào phòng thay đồ mắng vào mặt cha ông: “Hoặc cho nó ngồi dự bị, hoặc hai cha con cuốn gói”.

Những gì Mourinho làm để vươn tới thành công tạo cảm giác rằng ông sợ thất bại đến mức nào. Ông áp dụng những chiến thuật thực dụng, đã đọc Machiavelli (tác giả cuốn sách cai trị nổi tiếng có tựa đề Quân Vương) và trở thành một nhân vật cũng gian hùng không kém trong bóng đá. Ông khiêu khích các đối thủ bằng miệng lưỡi mưu mẹo, thậm chí tạo cảm giác không từ thủ đoạn gì. Và nhờ thế, ông trở thành “Người đặc biệt”.

Nhưng trong lần trở lại nước Anh, ông tuyên bố rằng giờ mình là “Người hạnh phúc”, và nếu quả thực Mourinho “không phải thức dậy nửa đêm vì lo nghĩ về một chấn thương của ai đó”, hay học được cách “sống với cả thất bại lẫn thành công”, thì đó có lẽ không phải câu nói chơi. Đó là cảm giác của một người đã thấu hiểu mọi thứ và sẽ làm hết sức để thắng lợi, nhưng không bao giờ bị nó chi phối. Chiến thắng là con đường mà Chelsea và Mourinho sẽ phải đi, nhưng trên con đường đó, ông và CLB của mình sẽ không bị khát khao ấy hủy hoại.


Mourinho bình thản đón nhận chiến quả trong sự phấn khích tột cùng của các học trò.

Chính vì thế, đừng ngạc nhiên khi Mourinho bình thản đón nhận chức vô địch Premier League của Chelsea bởi ông đã thực sự học được cách sống chung với cả thất bại lẫn thành công. Hạnh phúc của ông có lẽ nằm ở phía sau khoảnh khắc ấy, khi trở về nhà, để hết những toan tính và vật lộn sau cánh cửa, ăn một bữa tối bình thường như quên tiệt điều gì vừa xảy ra. Nâng lên được, thì cũng đặt xuống được. Nhẹ như không. Đơn giản vì “tôi chỉ cần thời gian cho riêng mình”.