Ăn thạch trái cây - lợi và hại cùng "song hành"

Shan Shan, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 05/11/2012

Liệu món ăn khoái khẩu này có tốt như chúng ta vẫn nghĩ không nhỉ?

Thạch trái cây – món ăn bổ dưỡng tốt cho tiêu hóa

Bản chất của các loại thạch là chất xơ (cellulose) do dòng vi khuẩn lên men acetic tạo ra. Theo đó, chúng có một lớp nha bào do vi khuẩn sinh ra và kết thành khối.

Mảng nha bào này chính là “con giấm” mà chúng ta thường thấy trong các bình lên men. Sau khi quá trình lên men kết thúc, người ta mang khối nha bào ra rửa kỹ bằng nước sạch và chỉ giữ lại phần thạch (thành phần chính là cellulose).

Như vậy, ăn thạch thực chất là ăn cellulose, chính là chất xơ có trong các loại rau, củ, quả. Về nguyên tắc, nếu ăn thạch có chứa cellulose, tương tự như ăn rau, sẽ giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt, tăng nhu động ruột và giúp cơ thể loại bỏ chất độc. Bên cạnh đó, các loại thạch trái cây còn bổ sung vitamin và các khoáng chất tự nhiên cho cơ thể.

Tuy nhiên, đó là các loại thạch được sản xuất theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn về mặt vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, người sử dụng cũng phải biết cách dùng hợp lý. Do đó, nếu dùng phải sản phẩm trôi nổi, không bảo đảm chất lượng thì vẫn có thể gây ra rất nhiều tác hại khó lường cho sức khỏe của bạn đấy!

Ăn thạch trái cây - lợi và hại cùng "song hành" 1

Đủ mọi nguy cơ tiềm ẩn

Tác hại từ việc ăn quá nhiều thạch

Chất xơ dù có khả năng giúp cơ thể thải bỏ bớt chất độc nhưng nếu ăn quá nhiều, nó sẽ hấp thu các khoáng chất và một số thành phần vi lượng khác rồi thải ra ngoài, làm giảm khả năng hấp thu các chất khác.

Ngoài ra, trên thị trường, thạch trái cây thường được phối trộn chung với nước đường nồng độ khá cao. Bởi vậy, nếu chúng ta ăn quá nhiều thạch thì sẽ dung nạp một lượng lớn đường, rất dễ gây sâu răng và béo phì.
 
Hiểm họa từ các loại thạch không rõ nguồn gốc

Trên thị trường hiện nay có bán rất nhiều loại thạch không rõ nguồn gốc và quy trình sản xuất. Đây chính là mối hiểm họa khó lường đối với người sử dụng.

Tại nhiều cơ sở sản xuất (chủ yếu là gia công), việc lạm dụng hóa chất công nghiệp để tạo mùi, làm dai… diễn ra rất thường xuyên. Bên cạnh đó, các nguyên liệu để làm thạch cũng không được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì vậy có thể gây ra ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa.

Nguy hiểm hơn, một số cơ sở chế biến thạch còn có sự nhầm lẫn tai hại giữa hai chất sunphat amon (SA) và di-amonium phosphate (DAP) là những chất phụ gia để làm thạch với phân bón SA, DAP, NPK… Các hóa chất này khi đi vào cơ thể rất khó đào thải, tích lũy lâu ngày sẽ gây ra các bệnh lý cấp tính, mãn tính hay thậm chí là ung thư.

Ăn thạch trái cây - lợi và hại cùng "song hành" 2

Hóc thạch nguy hiểm tới tính mạng

Thạch vốn trơn, lại thường có hình trụ, khi ăn nhiều người có thói quen bóc lớp vỏ ngoài rồi bóp ở đầu chóp thạch, thạch sẽ được đẩy ra rất nhanh, mạnh. Nhiều người bị cả miếng thạch đẩy vào miệng với lực lớn, bất ngờ trôi tọt vào cuống họng, gây ngạt.

Theo ý kiến của các chuyên gia y tế, thạch vốn mềm nên khi trôi xuống đường thở rất dễ thay đổi hình dạng, bám chặt vào đường thở nên có thể khiến bệnh nhân tử vong ngay lập tức. Chưa kể, khi dùng dụng cụ gắp thạch ra cũng rất dễ vỡ vụn, những mảnh vụn này lại tiếp tục tơi sâu xuống đường thở, gây khó khăn cho việc cấp cứu.

Do vậy, hãy thật thận trọng khi sử dụng. Và hãy lựa chọn các loại thạch trái cây từ các nhãn hiệu có uy tín đảm bảo để bảo vệ chính mình các bạn nhé!


Bạn có thể xem thêm: