Đi tìm lời giải cho hiện tượng ăn kiêng mà vẫn “mèo ú”

Thủy Meo - Theo PLXH, Theo 00:00 30/08/2011

Bất ngờ thay thủ phạm lại do chính teens tạo ra đấy!

Rõ ràng là chúng mình đã cố gắng kiêng khem đủ thứ, thậm chí còn đi bộ, đạp xe hằng ngày để giảm cân. Thế mà sao lần nào bước lên cân, chiếc kim chỉ trọng lượng cũng lệch thêm một tí về phía bên phải vậy nhỉ? Hãy cùng điểm danh nguyên nhân của hiện tượng này nhé!

1. Thiếu ngủ

Nếu vì một lý do nào đó mà teens bị mất ngủ thì sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng về mặt tâm lý và về mặt sinh hóa. Chính những lúc như thế cơ thể chúng mình sẽ tích lũy mỡ nhiều hơn đấy! Thật vậy, khi ngủ, cơ thể sẽ giải phóng một lượng chất leptin làm nhiệm vụ thông báo khi tích lũy đủ mỡ và làm teens không còn cảm giác đói bụng nữa. Thế nhưng, việc thiếu ngủ lại khiến anh bạn này suy giảm nên cảm giác thèm ăn sẽ nhanh chóng xuất hiện trở lại. Chính vì thế, những bạn hay mất ngủ thường thích ăn vặt và thói quen này sẽ khiến cơ thể tăng cân vùn vụt í!

Trung bình mỗi ngày chúng mình phải ngủ từ 6 đến 8 tiếng trở lên. Các ấy chỉ cần lên giường vào một giờ nhất định, trước khi đi ngủ thì nên tắm nước ấm để tăng thân nhiệt, sau đó sự hạ nhiệt sẽ dễ dàng đưa các ấy vào giấc ngủ ngay thôi.

2. Stress

Stress thường kèm theo các triệu chứng như bị ám ảnh, tức ngực, khó thở, tăng huyết áp, chán ăn, đầy bụng... Ngoài ra, stress còn ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa nên nó làm cơ thể bị ứ đọng các hoóc-môn như corticoid, gây hiện tượng tích lũy mỡ thừa khiến vùng đùi, bụng... cứ phát phì ra đấy teens ạ!

Để đẩy lùi stress, các ấy nên học cách thư giãn, thở sâu, tập thiền. Teens còn nên chú ý không tham công tiếc việc, biết xen kẽ học tập với nghỉ ngơi, có chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường ăn rau quả và tránh các gia vị gây kích thích như ớt, tỏi, tiêu nhé!

3. Tác dụng phụ của các loại thuốc

Các ấy biết không, chỉ với những viên thuốc để chữa các bệnh nhẹ thôi mà lại là nguyên nhân làm cho cơ thể chúng mình không thể nào thon gọn lại được đấy! Các nhóm thuốc gây béo phì có mặt như:

- Thuốc chữa các bệnh về da mà trong thành phần có chứa steroid

- Thuốc chống trầm cảm.

- Thuốc chống lên cơn hen, co giật...

- Thuốc trị các bệnh về dạ dày (ợ nóng, khó tiêu...)

Vẫn biết tác dụng phụ của thuốc là thế nhưng teens cũng không nên thấy béo mà ngừng uống thuốc nghen! Vì thuốc chữa bệnh bao giờ cũng quan trọng hơn í! Trong trường hợp này việc cần thiết là các ấy cần cố gắng duy trì chế độ ăn kiêng và tập thể dục thường xuyên thì cơ thể sẽ bớt nặng nề hơn nhá!
 

4. Tiểu sử bệnh của bản thân

Có một số bệnh sẽ làm teens béo ra cho dù có cố giảm cân đến đâu đi nữa. Ví dụ bệnh thiểu năng tuyến giáp (hypothyrodism). Nguyên nhân do tuyến giáp hoạt động kém, tiết ra không đủ hoóc-môn (chủ yếu là thyrosin) nên quá trình chuyển hóa của tế bào giảm hẳn. Nó không những khiến cho chúng mình bị mất đi cảm giác ngon miệng mà đồng thời còn làm trọng lượng cơ thể tăng lên đáng kể nữa í chứ!

Ngoài ra còn có một loại bệnh khác hiếm gặp hơn, y học gọi là hội chứng crushing do sự thừa hóc-môn cortisol cũng là nguyên nhân làm cho teens chúng mình phát phì đó! Nếu các ấy cảm thấy mệt mỏi, đôi khi ở trạng thái hôn mê, phù nề, chịu lạnh kém, ngủ quá nhiều và đau đầu thì phải nghĩ đến những căn bệnh này. Quan trọng là cần lập tức đến bệnh viện và thực hiện những xét nghiệm kiểm tra xem mình có bị mắc bệnh không để có hướng điều trị kịp thời teens nhé!