SV Học viện Báo chí dùng điện thoại 4 lần trong giờ học sẽ đình chỉ học 1 năm: "Đến cái chợ còn có kỉ luật nữa là nhà trường"

NGUYỄN HÀ, Theo Lao Động 18:22 26/08/2018

PGS.TS Phạm Ngọc Trung – Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí Tuyên truyền cho rằng, kỉ luật trong nhà trường là chuyện đương nhiên, đến cái chợ còn có kỉ luật nữa là nhà trường.

Nhiều sinh viên thừa nhận giờ giải lao có la cà quán xá

Một nội dung trong nội quy mới mà Học viện Báo chí Tuyên truyền đưa ra là quy định khắt khe, nghiêm ngặt về thời gian. Cụ thể, sinh viên đến lớp muộn 5 phút bị tính nghỉ học một buổi không lý do. Giờ giải lao, sinh viên vào muộn sẽ bị tính một buổi nghỉ học không phép.

Bạn V.H – Cựu sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền thừa nhận, khi còn là sinh viên H và nhiều bạn có tình trạng giờ giải lao la cà quán xá, dù nghe chuông nhưng rất lâu sau mới quay lại lớp học. Thậm chí có hôm còn bỏ tiết luôn hay tìm một góc nào đó để ngủ. H cho rằng nội quy mới nghiêm ngặt về thời gian sẽ siết sinh viên vào kỉ luật hơn, không còn tình trạng đến lớp điểm danh, điểm danh xong rồi về.

SV Học viện Báo chí dùng điện thoại 4 lần trong giờ học sẽ đình chỉ học 1 năm: Đến cái chợ còn có kỉ luật nữa là nhà trường - Ảnh 1.

Nội quy mới của Học viện Báo chí Tuyên truyền. Ảnh: Welcome to AJC 2018.

Dù còn nhiều vướng mắc khi đọc nội quy mới khi cho rằng bước vào môi trường đại học, sinh viên phải học cách sống độc lập và tự biết sắp xếp mọi thứ ổn thỏa, nhưng bạn N.P.D cho rằng nội quy đưa ra để giúp cho mỗi cá nhân, tập thể tuân thủ và thực hiện một cách đồng bộ, quy củ.

“Mỗi khi có một bộ luật mới ra thì nhiều người thường phản ứng, đó là điều rất bình thường, bởi khi đã quen với cái cũ mà phải thay đổi là điều rất khó. Nhưng thay vì cứ lưu luyến với nhứng thứ đã không còn phù hợp với thời đại thì tôi sẽ học cách chấp nhận” – P.D chia sẻ.

Đến cái chợ còn có kỉ luật

Bình luận về tầm quan trọng của kỉ luật nhà trường , PGS.TS Phạm Ngọc Trung – Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí Tuyên truyền cho rằng, kỉ luật trong nhà trường là chuyện đương nhiên, đến cái chợ còn có kỉ luật nữa là nhà trường.

Nhà trường bắt buộc phải có kỉ luật và cần thiết phải xây dựng lên thành văn hóa học đường chứ không nên kỉ luật một cách máy móc, bắt buộc. Kỉ luật đó phải ngấm trong tâm trí của cán bộ nhân viên trong nhà trường, từ thầy cô, các em sinh viên cho tới nhân viên bảo vệ.

“Nội quy mới được Học viện đưa ra xuất phát từ thực tế hiện nay nhiều em sinh viên đi học muộn, giờ giải lao ngồi quán xa la cà.

Những nội quy này không chỉ được áp dụng với sinh viên mà còn đối với các thầy cô giáo, cần phải siết chặt thêm kỉ luật vì có nhiều thầy cô chấp hành chưa tốt, chưa đúng quy định, quy chế. Ví dụ giờ ra chơi vẫn vào tiết muộn, hay trong quá trình giảng dạy, đôi khi chỉ tập trung vào giảng bài mà không để ý đến việc sinh viên ở dưới ngủ gật hay dùng điện thoại vào việc riêng” – PGS.TS Phạm Ngọc Trung khẳng định.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, những quy định này có tính tích cực trong việc siết chặt kỉ luật để cán bộ giảng viên và sinh viên tập trung vào việc học hành, đúng giờ và có kỉ luật học đường.

Tuy nhiên theo ông Trung, nội quy mới cũng nên tính toán kĩ hơn để tránh thiệt thòi cho các em sinh viên, nhất là về thời gian bởi thực tế có nhiều em đến trường đúng giờ nhưng bãi gửi xe chật kín người, ít nhân viên dẫn đến việc mất nhiều thời gian hơn để gửi xe và lên lớp muộn.