Thấy rùa biển đi lại khó khăn sau khi dạt bờ, khoa học tìm hiểu để rồi nhận ra sự thật: Lại thêm một bi kịch nữa chỉ vì loài người

J.D, Theo Trí Thức Trẻ 15:28 16/05/2020

Một câu chuyện nữa cho thấy ảnh hưởng từ con người đến thế giới tự nhiên là rất lớn.

Ngày 10/5, cư dân địa phương tại vùng biển Rayong (phía đông Thái Lan) phát hiện một con rùa biển bị sóng đánh dạt bờ. Vấn đề nằm ở chỗ, nó cố gắng lết về biển nhưng theo cái cách cực kỳ khó khăn, chưa từng được chứng kiến đối với đồng loại của chúng.

Nhận ra điều đó, dân địa phương đã liên hệ với đội cứu hộ biển thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển tài nguyên biển ở Bangkok, để tiến hành giải cứu sinh vật đáng thương. Và rồi các nhà nghiên cứu sau quá trình tìm hiểu đã tìm ra thủ phạm: Một mảnh rác nhựa (khả năng là nylon) dài tới 30cm, được kéo ra từ hậu môn của con vật.

Cụ thể theo các chuyên gia, chú rùa đáng thương đã vô tình ăn phải một chiếc túi nhựa - có lẽ là vì lầm tưởng đó là thức ăn. Mảnh nhựa ấy dĩ nhiên là không thể bị tiêu hóa, nên đã mắc lại phần "lỗ huyệt" (cloaca) - bộ phận rùa dùng để thải phân, và chịu trách nhiệm cho một quá trình hô hấp khác được gọi là "cloacal respiration" với vai trò giải phóng khí CO2.

Chiếc túi dài 30cm kéo ra khỏi "lỗ huyệt" của rùa biển

Các chuyên gia cho biết, dải nhựa ấy đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa của rùa, khiến nó bị "táo bón". Nếu không sớm loại bỏ, con rùa hoàn toàn có thể mất mạng. Đồng thời, họ cũng nhấn mạnh về tác động của con người có thể gây ra hậu quả đau lòng đến mức nào.

"Rác nhựa con người vứt ra biển sẽ trở thành sát thủ đối với các loài động vật," - bác sĩ thú y chịu trách nhiệm loại bỏ chiếc túi cho biết.

"Chúng ăn rác nhựa mà không biết đó là thứ không thể ăn được, để rồi chết dần chết mòn."

Thấy rùa biển đi lại khó khăn sau khi dạt bờ, khoa học tìm hiểu để rồi nhận ra sự thật: Lại thêm một bi kịch nữa chỉ vì loài người - Ảnh 2.

Được biết, chú rùa đáng thương trên thuộc họ rùa biển xanh (Chelonia mydas). Khác với các loài rùa khác, rùa biển xanh đa phần chỉ ăn thực vật, sống dựa vào tảo và rong rêu. Vấn đề là rong rêu có thể bám lên rác nhựa, khiến chúng có mùi giống như thức ăn cho rùa.

Nhiều khả năng, chú rùa ấy đã nhầm chiếc túi thành một đám rong cỡ lớn. Tưởng được ăn tiệc, nào ngờ nuốt phải thứ chết người.

Thấy rùa biển đi lại khó khăn sau khi dạt bờ, khoa học tìm hiểu để rồi nhận ra sự thật: Lại thêm một bi kịch nữa chỉ vì loài người - Ảnh 3.

Rùa biển xanh sinh sống tại các vùng nước ấm trên toàn thế giới, được liệt vào hạng mục nguy cấp trong Sách Đỏ của IUCN. Hiện tại, nhiều quốc gia châu Á đã cấm khai thác rùa biển, sau một thời gian dài chứng kiến chúng bị bắt và giết thịt bừa bãi. Dẫu vậy, tình cảnh của loài rùa này vẫn chưa khá hơn, do hoạt động đánh bắt cá, thu hoạch trứng quá mức của loài người.

Mỗi năm, có khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn rác nhựa lọt ra ngoài đại dương mỗi năm - theo số liệu của tạp chí Science. Một báo cáo khác trên tạp chí Sciencetific Reports năm 2018 chỉ ra rằng rủi ro tử vong của rùa có thể lên tới 20%, dù chỉ ăn phải một mảnh rác nhựa.

Tham khảo: Daily Mail, Science Alert