Câu chuyện buồn của "Tây Lương nữ quốc" Châu Phi

Trace, Theo Trí Thức Trẻ 15:00 22/08/2015

Umoja là ngôi làng chỉ có phụ nữ được phép sinh sống, nơi cư trú cuối cùng cho những nạn nhân của bạo hành và tảo hôn tại đất nước Kenya.

Vào một ngày đầu năm 2015, nữ phóng viên Julie Bindel đã đến thăm một ngôi làng ở Kenya, nơi chỉ có phụ nữ sinh sống và ẩn giấu đằng sau là những câu chuyện thương tâm về số phận những người bị cưỡng bức, bạo hành, chạy trốn khỏi nạn tảo hôn và cả phân biệt giới tính.

3101-2d004
Judia (ở giữa) 19 tuổi đã đến Umoja khoảng 6 năm trước, trong lúc chạy trốn khỏi gia đình để không bị bán vào nhà chồng. Umoja được thành lập vào năm 1990 bởi 15 người phụ nữ từng bị cưỡng hiếp bởi các quân lính người Anh.

Jane kể rằng cô đã bị 3 người đàn ông mặc đồng phục Gurkha cưỡng hiếp. Lúc đó, cô đang đi chăn dê và cừu cho chồng“Tôi cảm thấy rất nhục nhã, xấu hổ, không dám nói với bất kỳ ai về chuyện này. Họ đã làm những điều vô cùng kinh khủng với tôi,” trong lúc tâm sự, đôi mắt của Jane nhòa đi khi nhớ về những ký ức dữ dội đó.

Jane đã 38 tuổi nhưng vẻ ngoài trông già dặn hơn nhiều. Cô chỉ cho tôi thấy một vết sẹo sâu hoắm trên chân - dấu vết của một vụ cưỡng hiếp. Sau một lúc im lặng, giọng cô lại run run tiếp tục câu chuyện, “Tôi đã nói với mẹ chồng rằng tôi bị ốm, vì tôi phải giải thích về chứng trầm cảm của mình. Tôi uống loại thuốc truyền thống nhưng cũng không giúp ích được gì. Khi bà ấy kể với chồng tôi về chuyện tôi bị hiếp, anh ta đã lấy gậy đánh tôi. Vì thế tôi bỏ trốn đến đây.”

Jane là một cư dân sống tại Umoja, một ngôi làng trên đồng cỏ Samburu, phía bắc Kenya, bao quanh bởi hàng rào gai. Tôi đến nơi này vào thời gian nóng nhất trong ngày, những đứa trẻ đang ngủ. Những con dê và gà lững thững đi loanh quanh, tránh những chiếc chiếu tre mà phụ nữ nơi đây thường ngồi để làm trang sức bán cho khách du lịch, đôi tay của họ làm việc liên hồi, vừa làm vừa cười nói vui vẻ. Quần áo được phơi dưới ánh nắng giữa trưa, trên đỉnh của những túp lều được làm từ phân bò, tre và nứa. Sự im ắng bị phá vỡ bởi tiếng chim hót ríu rít. Đây là một ngôi làng điển hình ở Samburu, chỉ có điều không một người đàn ông nào sinh sống tại đây.

Tôi đến đây trong sự chào đón bằng những lời ca, điệu nhảy từ những người phụ nữ. Họ mặc trang phục truyền thống Samburu với váy hoa văn, áo màu sặc sỡ và một chiếc kanga (khăn choàng) đầy màu sắc quấn quanh vai. Dây chuyền được làm từ những chuỗi hạt sinh động quấn vòng quanh cổ. Quần áo rực rỡ sắc màu nơi đây tương phản với không khí và địa hình khô ráp, ánh nắng gay gắt rọi chiếu những lớp bụi phủ đầy không khí.

3102-2d004
“Tôi đã nghe nói về một ngôi làng chỉ có phụ nữ sinh sống qua những câu chuyện tán gẫu ở nơi tôi sống trước đây” - Seita Lengima, 68 tuổi.

Ngôi làng Umoja này được hình thành từ năm 1990, bởi 15 người phụ nữ đã sống sót sau khi bị binh lính người Anh cưỡng bức. Dân số tại Umoja ngày nay đã tăng lên, bao gồm cả những người chạy trốn khỏi nạn tảo hôn, bị tổn thương bộ phận sinh dục nữ (FGM), nạn bạo hành gia đình và cưỡng bức.

Rebecca Lolosoli là người thành lập ra Umoja. Cô đã phải nằm viện để theo dõi sức khỏe và phục hồi sau khi bị một nhóm đàn ông đánh đập vì "dám" nảy ra ý tưởng về ngôi làng chỉ có phụ nữ. Vụ đánh đập này như một lời đe dọa vì cô dám đứng lên bảo vệ cho những số phận phụ nữ đau khổ ở Phi Châu.

Người Samburu liên kết chặt chẽ với bộ tộc Maasai, họ nói cùng một ngôn ngữ với nhau. Họ sống theo nhóm khoảng từ 5 - 10 gia đình và thường là những người chăn gia súc bán du mục. Văn hóa ở đây vô cùng gia trưởng. Trong các cuộc họp ở làng, đàn ông sẽ ngồi thành một vòng tròn bên trong, cùng bàn bạc thảo luận các vấn đề quan trọng, tất cả phụ nữ chỉ được ngồi ở ngoài, thỉnh thoảng mới được phép đưa ra ý kiến. 

Những thành viên đầu tiên của Umoja đến từ những ngôi làng bị cô lập tại Samburu, rằm rải rác khắp thung lũng Rift. Từ đó, phụ nữ và trẻ em được nghe về cách để chạy trốn, học cách để buôn bán, nuôi dạy con, sống mà không phải lo sợ về nạn bạo hành và phân biệt đối xử.

Hiện nay có 47 phụ nữ và 200 trẻ em sinh sống tại Umoja. Mặc dù cuộc sống tại đây rất đạm bạc, những người phụ nữ và các cô gái gan góc này có thể kiếm được nguồn thu nhập để trang trải cho thức ăn, quần áo và nhà cửa. Những vị trưởng làng điều hành một khu cắm trại, cách bờ sông khoảng một cây số, nơi đây có nhiều khách du lịch thám hiểm dừng chân. Nhiều khách du lịch đi qua khu bảo tồn thiên nhiên gần đó cũng ghé thăm Umoja. Tại đây họ sẽ thu phí vào tham quan rất thấp với hy vọng, khi đến làng, du khách sẽ mua những món đồ trang sức do những người phụ nữ tại đây làm ra.

Lolosoli có dáng người cao và khỏe khoắn, đầu cạo trọc được trang trí các phụ kiện đính cườm theo truyền thống Samburu. Lolosoli đã liên tiếp đối mặt với những lời đe dọa, thậm chí bị những người đàn ông tấn công khi cô đang trong giai đoạn xây dựng, chuẩn bị mọi thứ cho ngôi làng, nhưng cô không một lần lo sợ, nao núng. Trước khi đến Umoja, tôi đã nói chuyện với Lolosoli - cô đến thăm con gái của mình ở Đức, cô rất tự hào về những gì mà cô và nhiều phụ nữ khác đã làm được trong suốt 25 năm qua kể từ khi ngôi làng này được thành lập.

3103-2d004
China Laprodati cùng con nhỏ đang ngồi bán trang sức.

Một trong những điều độc đáo ở Umoja đó là có nhiều người dày dạn kinh nghiệm đã hướng dẫn phụ nữ và các cô gái tại các ngôi làng xung quanh Samburu về nạn tảo hôn và FGM. Những trang sức được làm thủ công với sự tinh xảo, công phu là một điểm đặc trung cho văn hóa Samburu. Các thiếu nữ sẽ được cha của mình tặng cho chiếc vòng cổ đầu tiên trong một nghi lễ gọi là “Beading”. Người cha sẽ chọn ra một “chiến sĩ” nam để cô con gái của mình kết hôn tạm thời. Việc mang thai hoàn toàn bị cấm mặc dù tại đây không hề có bất kỳ một biện pháp tránh thai nào. Nếu có thai, cô gái đó sẽ phải phá bỏ và việc này sẽ do những người phụ nữ trong làng giải quyết. 

“Nếu một cô gái kết hôn khi còn nhỏ, cô sẽ không có thẩm quyền để làm mẹ. Vì còn quá trẻ, việc sinh con sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách khó khăn”, Milka - người đứng đầu một trường học do phụ nữ ở Umoja sở hữu, dành cho trẻ em tại các ngôi làng quanh Samburu đến học, chia sẻ. “Thậm chí thực hiện các công việc, nghĩa vụ của chúng cũng đã quá khó. Chúng được giao nhiệm vụ chăm sóc cho động vật.” Dưới tán “Cây ngôn luận”, nơi mà các phụ nữ tập trung lại để bàn bạc đưa ra các quyết định, tôi đã trò chuyện với nhiều người dân muốn chia sẻ về câu chuyện của họ.

“Tôi đã được học cách làm những việc mà vốn dĩ phụ nữ chúng tôi bị ngăn cấm,” Nagusi nói, một người phụ nữ trung tuổi đã có 5 mặt con. “Tôi được phép tự đi kiếm tiền, khi khách du lịch đến mua những chuỗi hạt của tôi, tôi cảm thấy rất tự hào và vui sướng.”

Memusi bước về phía tôi chào hỏi, những chuỗi hạt đính trên đầu và cổ của cô tạo ra những âm thanh khe khẽ. Cô ấy đã chạy trốn khỏi nhà chồng chỉ sau một ngày kết hôn vào năm 1998. “Tôi bị cha của mình bán đi để đổi lấy những con bò vào năm tôi 11 tuổi,” cô kể lại với tôi cùng với sự trợ giúp của thông dịch viên. “Chồng tôi lúc đó đã 57 tuổi.”

3104-2d004
Vườn trẻ dành cho 200 trẻ em đang sinh sống tại ngôi làng này.

Judia, một cô gái 19 tuổi hoạt bát, nhanh nhẹn, chạy trốn khỏi gia đình và đến Umoja năm 13 tuổi để không phải lấy chồng: “Mỗi ngày tôi thức dậy và mỉm cười vì xung quanh tôi luôn có nhiều sự giúp đỡ, ủng hộ,” Judia tâm sự.

“Ngoài kia, phụ nữ luôn bị đối xử rất thô lỗ và họ không có bất kỳ cơ hội để làm gì cả,” Seita nói, một phụ nữ sống ở Umoja với sự tự do.

Nhưng tại một ngôi làng chỉ toàn là phụ nữ, tại sao trẻ em vẫn được sinh ra? Một người phụ nữ cười lớn khi tôi hỏi và giải thích, “Chúng tôi vẫn thích đàn ông, họ không được phép đến đây thôi, nhưng chúng tôi vẫn muốn có con, phụ nữ phải có con cho dù kết hôn hay không.”

Lotukoi là người đàn ông duy nhất tôi gặp ở Umoja. Anh ta đến làng mỗi ngày, trước khi mặt trời mọc để chăn nuôi. “Trẻ em, đốn củi và nấu nướng là công việc của phụ nữ, đàn ông sẽ chăm sóc cho động vật,” anh nói với tôi khi nghe hỏi về việc vì sao phụ nữ ở đây vẫn cần đàn ông giúp đỡ. “Hơi buồn cười phải không, khi cô không hề nhìn thấy bất kỳ người đàn ông nào ở đây nhưng em bé vẫn xuất hiện, điều này có nghĩa phụ nữ tại đây tìm kiếm đàn ông ở bên ngoài,” anh giải thích.

Hiện tại có một vài điều nghi ngờ ở làng. Tại ngôi làng kế bên, Samuel, một người đàn ông lớn tuổi nói với tôi rằng “Nhiều anh đàn ông có đến 3-4 vợ ở Umoja”. Ông đang ngồi trò chuyện cùng một nhóm đàn ông đang cầm giáo mác và mặc shukkas (áo choàng) sọc đầy màu sắc. Họ trông có vẻ rất vui khi nói về những người phụ nữ ở Umoja, khi tôi hỏi về việc làm thế nào để phụ nữ quản lý, xoay xở trong một cộng đồng không hề có đàn ông. “Đây là ngôi làng mà phụ nữ chỉ sống một mình, họ không kết hôn, một vài người đã từng bị cưỡng bức, một vài là nạn nhân của việc tảo hôn. Họ nghĩ họ đang sống mà không cần có đàn ông, nhưng điều này hoàn toàn không thể. Nhiều người vẫn có con bởi vì họ gặp gỡ đàn ông tại các thị trấn và bị cám dỗ, những anh chàng này sẽ đến làng vào ban đêm, chui vào lều của những người phụ nữ này, chẳng ai phát hiện cả đâu!” ông Samuel tiếp tục câu chuyện và cười lớn.

3105-2d004
“Mỗi ngày, tôi thức dậy và mỉm cười.”

Một phụ nữ trẻ tuổi ở Umoja kể rằng cô đã có 5 đứa con, chúng đều khác cha. “Với văn hóa của chúng tôi, chưa kết hôn mà có con thật sự không hề tốt đẹp gì,” cô chia sẻ trong lúc giặt quần áo của em bé trong một chiếc túi nhựa màu xanh, dùng một ít nước cô lấy từ lúc sáng sớm trên một con sông gần đó. “Nhưng thật tệ khi tôi chẳng có một đứa con nào. Không có con, chúng tôi chẳng là gì cả.”

Khi cộng đồng Umoja ngày càng phát triển, nhưng những ký ức về một trong những lý do đã tạo nên nơi đây - nạn cưỡng bức mà họ phải chịu đựng bởi các binh lính người Anh và Gurkhas - không hề phai nhạt. “Một khi bị cưỡng bức, phụ nữ sẽ không còn trong sạch theo văn hóa Hồi Giáo và kinh Qur’an. Điều này thật không công bằng vì mọi chuyện xảy ra đều là tai nạn. Người chồng hoàn toàn có thể đưa họ đi kiểm tra việc lây nhiễm HIV, và rồi họ có thể tiếp tục cuộc sống, chăm sóc gia đình, con cái,” Sammy Kania 33 tuổi nói.

Quay lại Umoja, tôi được Seita mời đến túp lều của mình, phảng phất mùi khói củi. Bên trong chẳng có đồ đạc gì ngoại trừ một miếng vải lót để cô nằm ngủ, một đống lửa được nhóm tạm và một túi giấy đựng đầy hạt đậu đen khô mà cô sẽ dùng để nấu bữa trưa khi con của cô đi học về.

Tôi đã hỏi vì sao Seita biết Umoja, “Khi còn sống ở làng cũ, tôi đã từng nghe mọi người bàn tán về một cộng đồng chỉ có phụ nữ,” cô nói với tôi và chia sẻ niềm vui khi cô vừa mới đặt chân đến đây. “Tôi được cho một con dê, được cho nước. Lúc đó tôi bắt đầu cảm thấy an toàn và nhẹ nhõm.” Seita chăm sóc cháu gái của mình, đưa cháu đi học mỗi ngày trước khi đi lấy nước và đốn củi. Thời gian còn lại trong ngày, cô làm trang sức để bán. Cô kể rằng mình bị quân lính Anh cưỡng bức. “Tôi đến đây vì tôi chưa kết hôn, sau những gì bọn người Anh làm với mình, tôi sẽ không thể kết hôn được nữa.”

Tôi hỏi Seita bao nhiêu tuổi, nhưng cô không hề biết, và rồi cô đưa tôi thẻ căn cước và nói năm sinh của cô được ghi trên đó. Như những người phụ nữ lớn tuổi khác ở Samburu, Seita không hề biết đọc biết viết. Năm sinh của cô trên thẻ căn cước là 1928.

3106-2d004

Tôi ngồi cùng một nhóm phụ nữ đang tụ tập dưới bóng tre. Khi mới đến làng, tôi đã hỏi có ai sẵn sàng để chia sẻ câu chuyện về bạo lực tình dục dưới bàn tay của quân đội. “Họ cũng làm cô đau à?” Memusi nói đùa. Phụ nữ, dù họ đã từng trải qua những chuyện kinh khủng, họ vẫn có thể cười.

(Nguồn: Guardian)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày