Cơn ác mộng thường niên mang tên "vé tàu Tết" tại Trung Quốc

Đình Đình, Theo Trí Thức Trẻ 14:34 11/12/2015

Trong khi một số người Trung Quốc ngồi ở nhà giận dữ vì mạng di động tắc nghẽn khiến họ mãi không nhận được mã xác nhận để mua vé tàu Tết qua mạng thì một bộ phận cực lớn người dân nước này đang phải bon chen, giành giật từng tấm vé tại các ga tàu.

Giờ đã là đầu tháng 11 âm lịch, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là Tết đến rồi. Cho dù có bận bịu đến mấy, những người con xa xứ cũng luôn cố gắng tìm mọi cách để về nhà đoàn tụ với gia đình và đón một cái Tết thật ấm áp bên người thân của mình.

 Ai nấy đều hối hả trở về đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán.

Giống như ở Việt Nam, người dân Trung Quốc cũng đang ngày mong đêm ngóng mau hết năm cũ để sớm được về quê nghỉ Tết. Tuy nhiên, "quãng đường về nhà" của họ thật chẳng dễ dàng chút nào, khi mà ngành giao thông của đất nước này luôn trong tình trạng quá tải đến cực độ mỗi dịp Tết đến xuân về.

 Khung cảnh quen thuộc hàng năm mỗi dịp Tết đến xuân về tại các ga tàu ở Trung Quốc.

Quả không hổ danh là đất nước đông dân nhất thế giới, mỗi năm cứ đến thời điểm bán vé tàu Tết là khung cảnh chen lấn, xô đẩy và chờ đợi mòn mỏi lại tái diễn tại các điểm bán vé trên khắp các tỉnh thành ở Trung Quốc.

Tuy những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, người dân Trung Quốc đã có thể mua vé tàu trên mạng, nhưng vẫn còn một bộ phận cực lớn người dân nước này không biết hoặc không có khả năng mua vé online nên đành chấp nhận đến tận địa điểm bán vé xếp hàng dài dằng dặc để mua được những tấm vé quý giá.

 "Cuộc chiến" săn vé tàu Tết chỉ mới bắt đầu.

Cùng ngắm nhìn những hình ảnh gay cấn và nghẹt thở ở các địa điểm bán vé tàu Tết tại Trung Quốc trong vài năm gần đây để cảm nhận một sự thật không thể chối bỏ: mua bán online mới tuyệt vời làm sao!

 Chiều ngày 20/1/2010, tại một điểm bán vé tàu ở Ninh Ba, chàng trai trẻ gục đầu lên rào chắn ngủ ngon lành. Có lẽ anh ta đã quá mệt mỏi sau nhiều tiếng đồng hồ đứng xếp hàng mà vẫn còn cách cửa bán vé quá xa.

 Ngày 10/1/2010, một người đàn ông tội nghiệp đã "ăn dầm ở dề" tại nhà ga Hàng Châu suốt 6 ngày 6 đêm nhưng vẫn không thể mua được vé tàu trở về quê nhà Hồ Nam. Mẹ già 80 tuổi của ông liên tục gọi điện hỏi khi nào mới về đoàn tụ cùng gia đình, và khi biết con trai đã phải thức thâu đêm suốt sáng để canh vé, bà cụ bật khóc nức nở.

 Tối ngày 19/1/2013, cặp vợ chồng người Tứ Xuyên mòn mỏi ngóng trông "kỳ tích" xuất hiện tại nhà ga Hợp Phì. Bắt đầu từ ngày 12/1, cứ hết giờ làm là 2 vợ chồng họ lại vội vàng lao đến ga tàu xếp hàng mua vé, nhưng cả tuần lễ đã trôi qua mà họ vẫn phải đợi chờ trong vô vọng.

 Sáng sớm ngày 9/1/2009, người đàn ông đã xếp hàng từ 3 giờ sáng ngày hôm trước phải dùng chăn quấn quanh người để chống chọi với cái lạnh tái tê của mùa đông. Tuy đã chờ đợi rất lâu, nhưng đến cuối cùng ông vẫn phải chấp nhận bỏ cuộc, vì đến 8 giờ sáng ông buộc phải có mặt ở công trường để tiếp tục làm việc.

 Ngày 9/1/2012, vì không kiềm chế được cơn giận dữ khi phải xếp hàng quá lâu ở nhà ga Thành Đô nên người đàn ông này đã xảy ra xung đột với nhân viên an ninh ở đây.

 Ngày 19/1/2012, người đàn ông 30 tuổi đang làm công nhân tại một nhà máy ở Thâm Quyến đã nhảy từ trên cầu vượt xuống để tự sát, nguyên nhân vì... không mua được vé tàu. Anh ta cho biết, cuộc sống đã có quá nhiều áp lực rồi mà ngay đến việc về nhà đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết cũng không được toại nguyện nên trong một phút nghĩ quẩn đã tìm cách quyên sinh.

 Ngày 17/1/2012, cặp vợ chồng người Quý Châu khốn khổ ngồi ở nhà ga Quảng Châu suốt nhiều giờ cầu xin những người tốt bụng đi ngang qua đổi vé tàu cho họ. Phải vất vả lắm họ mới mua được tấm vé về quê vào ngày 21, thế nhưng người nhà mới gọi điện thông báo cho họ biết con trai duy nhất của họ đang trong cơn nguy kịch và có thể qua đời bất cứ lúc nào.

 Ảnh chụp vào ngày 8/1/2012, người đàn ông Sơn Tây đến thăm con gái không có khả năng về quê ăn Tết đang làm việc ở Thiên Tân, tuy nhiên ông bị mất giấy tờ tùy thân và số tiền mang theo không đủ để mua vé nên đã phải vất vưởng nhiều ngày ở nhà ga Thái Nguyên. Một nhân viên an ninh ở ga tàu biết chuyện đã giúp đỡ làm giấy chứng nhận tạm thời và mua vé giúp ông. Vì quá cảm động, người đàn ông vừa khóc vừa quỳ rạp xuống cảm tạ người nhân viên tốt bụng.

 Ngày 10/1/2012, 3 người phụ nữ Chiết Giang này đã phải chờ đợi mòn mỏi suốt 4 ngày trời ở nhà ga Hàng Châu nhưng vẫn không thể mua nổi vé tàu. Đến khi được một nhân viên bán vé thương tình giúp đỡ, họ xúc động tới mức phát khóc.

 Ngày 13/1/2013, một gia đình 7 người ở Thanh Hải vì không mua được vé tàu đến Hiệp Tứ nên đành tự lái chiếc xe taxi của mình về quê đón Tết. Nhằm tránh bị phạt vì chở quá số người quy định, họ đã cho 2 đứa con trai 9 tuổi xuống nằm ở cốp xe, nhưng đến cuối cùng vẫn bị cảnh sát giao thông phát hiện và xử phạt.

 Tết Nguyên Đán 2013, một cụ ông ở Tây An mải miết đăng nhập vào trang mạng bán vé online để tìm mua vé cho cháu trai đang học tại tỉnh khác về quê ăn Tết. Cách đó vài ngày, cụ ông 73 tuổi còn chẳng biết thế nào là internet, thế nhưng để cháu trai yêu quý được về nhà đoàn tụ, ông đã học cách lên mạng. Hàng ngày, ông vừa chạy đến ga tàu xếp hàng, lại vừa tự mày mò trên các trang mạng để săn bằng được chiếc vé tàu quý giá cho cháu trai.

 Ngày 19/1/2011, tại sảnh bán vé ở ga Thượng Hải, hàng ngàn người chật vật xếp hàng thâu đêm đợi chờ những tấm vé đoàn tụ.

 Ngày 18/1/2011, một người công nhân khắc khổ ở Chiết Giang đang hào hứng khoe chiếc vé tàu mà mình phải mất bao công giành giật mới có được cho một người đồng hương còn đang xếp hàng chờ mua vé xem.

 Đầu tháng 12/2015, một cô gái Ukraina đang sinh sống tại Thành Đô vô tình biết chuyện những người công nhân ở xung quanh mình đều không biết lên mạng mua vé tàu nên phải khổ sở đi xếp hàng tranh giành vé mỗi ngày. Cô gái tốt bụng đã bỏ ra rất nhiều công sức để giúp đỡ những người không quen biết đặt mua vé online. Sự nhiệt tình của cô khiến cho những người sống ở gần đó vô cùng cảm động, thậm chí còn gọi cô là "người phụ nữ ngoại quốc đẹp nhất Thành Đô".

Đợt vé tàu Tết 2016 đã mở bán được vài ngày, và "cuộc chiến" tranh giành từng chiếc vé để về quê đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc chỉ mới bắt đầu.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày