Những lý do khiến Qatar trở nên giàu có với tốc độ chóng mặt

Hoàng Ân, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 01/06/2015

Chỉ trong vỏn vẹn 50 năm, bán đảo nhỏ nghèo khó Qatar trở mình phát triển thành siêu cường quốc và được đăng cai Worldcup 2022. Điều gì đã khiến họ giàu có nhanh đến vậy?

Với địa chất khô cằn và cái nóng mùa hè trung bình 48 độ C, Qatar hầu như không có đặc điểm gì để có thể trở thành một siêu cường, nhưng họ đã làm được điều đó. Chỉ trong vòng 50 năm, GDP quốc gia bé nhỏ này đã đạt 98.800 USD, lọt top những nước giàu nhất thế giới. Điều đáng kinh ngạc hơn, Qatar có đến 280 nghìn tỷ phú/2,1 triệu dân.



Vậy tại sao Qatar lại giàu lên nhanh chóng mặt như vậy? Hãy cùng tìm hiểu về đất nước thú vị này nhé!

Kể từ khi Qatar nằm dưới sự bảo hộ của vương quốc Anh từ năm 1900, gia tộc Al-Thani đã được chọn trở thành những người lãnh đạo bán đảo bé nhỏ này từ ngày ấy cho đến nay.



Qatar là mảnh đất sống bằng nghề đánh cá và mò ngọc trai. Sau sự sụp đổ của nền thương mại ngọc trai năm 1920, Qatar chìm trong đói nghèo và bệnh tật.



Năm 1939, các giếng dầu được phát hiện tại thành phố Dukhan, nhưng lĩnh vực khai thác dầu phát triển rất chậm trong nhiều năm do Thế chiến thứ 2. 30 năm sau, các chuyên gia phát hiện thêm trữ lượng khí tự nhiên khổng lồ mà đất nước này sở hữu.



Năm 1951, mỗi ngày Qatar sản xuất 46.500 thùng dầu, tương đương với doanh thu 4,2 triệu USD, Sau khi phát hiện ra các mỏ dầu ngoài khơi, con số này tăng lên 233 nghìn thùng mỗi ngày.


Qatar giàu có và sành điệu năm 1968.

Khi doanh thu từ khí đốt và dầu mỏ bắt đầu "dày" lên mỗi ngày, năm 1950 gia tộc Al-thani mới cho xây cất những trường học, bệnh viện, nhà máy điện, nhà máy khử muối đầu tiên trên đất Qatar.


Qatar giành lại độc lập vào năm 1971 sau khi vương quốc Anh công bố sẽ rút toàn bộ quân đội ra khỏi quốc gia này để đem quân lên phía đông kênh đào Suez.



Cùng trong năm 1971, các chuyên gia về năng lượng đã phát hiện ra mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới với trữ lượng 25,3 nghìn tỷ mét khối, và tất nhiên nó thuộc sở hữu của Qatar. Nhưng do khai thác dầu mỏ vẫn đem lại nguồn thu lớn nên "cánh đồng khí đốt" này được chính phủ để dành chưa sử dụng ngay.



Năm 1972, chỉ 1 năm sau khi thoát khỏi ách thống trị, Hoàng tử Khalifa bin Hamad đã lật đổ vua cha Ahmad bin Ali để lên nắm quyền. Ngay sao đó ông đã cắt hết các khoản chi tiêu của gia đình hoàng gia để đầu tư cho giáo dục, nhà ở, y tế và quỹ lương hưu. Điều đặc biệt là vào thời gian đó, đức vua Ahmad còn không biết là mình bị con trai lật đổ vì ông đang bận... đi săn ở Iran.


Kể từ năm 1980, kinh tế Qatar bị đình trệ trong một thời gian dài do giá dầu mỏ tụt thảm hại. Đến năm 1989, chính phủ nước này quyết định "xài" mỏ khí tự nhiên để dành từ gần 20 năm trước nhưng tiến độ rất chậm chạp.

Năm 1995, hoàng thân Hamad Bin Khalifa Al Thani lên cướp ngôi của vua Khalifa, đưa Qatar phát triển theo một đường lối hoàn toàn mới, điều đặc biệt là vua Khalifa lúc đó đang du lịch ở Thụy Sĩ. Vua Hamad sau khi lên ngôi đã đầu tư vào dây chuyền khai thác khí đốt và xuất khẩu những thùng khí hóa lỏng đầu tiên.



Năm 1996, Qatar bỏ hàng tỷ USD để xây dựng sân bay quân sự khổng lồ Al-Udeid, sau đó mời không quân Mỹ tới đặt căn cứ, đổi lại, quân đội Mỹ phải bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải Qatar.



Do không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào tài nguyên thiên nhiên, năm 1998 chính phủ Qatar xây dựng Thành phố Giáo dục, trong đó có 6 trường đại học Mỹ và 2 trường Châu Âu, chính phủ nước này cũng cung cấp các trang thiết bị hiện đại nhất để tiện cho việc học tập và nghiên cứu.



Không đi mạnh vào du lịch và giải trí như Dubai, Qatar chú trọng phát triển về kinh tế, thương mại và đầu tư.


Tổ hợp tòa nhà trung tâm thương mại Qatar bắt đầu hoạt động từ năm 2015.



Qatar tuyệt đẹp về đêm.

Nguồn: Business Insider