Thông tin cụ thể về số tiền 1 triệu USD để bảo lãnh Minh Béo trong vụ án tại Mỹ

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 14:33 29/03/2016

Thông tin Minh Béo bị bắt giam ở Mỹ và được yêu cầu số tiền để tại ngoại lên đến 1 triệu USD đã khiến dư luận trong nước vô cùng xôn xao.

Mới đây, thông tin nam diễn viên Minh Béo bị bắt giữ khẩn cấp ở Mỹ đã khiến nhiều người hâm mộ bất ngờ. Và theo thông tin mới nhất từ tờ OC Register, Minh Béo bị buộc vào 3 tội danh về xâm phạm và quấy rối tình dục trẻ em. Hiện, Minh Béo đang bị giam giữ tại nhà tù Theo Lacy của bang California. Và theo yêu cầu, gia đình Minh Béo phải trả khoản tiền 1 triệu USD (tương đương 22 tỷ VNĐ) nếu muốn nam danh hài được tại ngoại trong thời gian điều tra và chờ ra tòa.

Trong trường hợp này, số tiền 1 triệu USD dùng để làm gì?

Theo Wiki, tiền tại ngoại được hiểu là món tiền hoặc sở hữu giá trị hứa nộp cho tòa án để nghi can khỏi bị tạm giam trong khi chờ đợi ngày hầu tòa. Nếu không trình diện vào ngày ấn định thì món tiền này sẽ bị tòa án trưng thu. Số tiền này được hoàn lại cho nghi can khi các thủ tục ra hầu tòa được thi hành đầy đủ.

Trong trường hợp này, Minh Béo bị buộc phải trả khoản tiền bảo lãnh 1 triệu USD (tương đương 22 tỷ VNĐ) để được tại ngoại. Đầu tiên, số tiền này được chi trả để đưa Minh Béo ra khỏi trại giam, về sinh hoạt với người thân trong thời gian điều tra và chờ ra tòa. Số tiền sẽ được lưu giữ ở đơn vị quản chế, đến khi có kết quả cuối cùng thì sẽ được trao trả về cho gia đình nghệ sỹ.

Thông tin cụ thể về số tiền 1 triệu USD để bảo lãnh Minh Béo trong vụ án tại Mỹ - Ảnh 1.

 Minh Béo bị buộc phải trả khoản tiền bảo lãnh 1 triệu USD (tương đương 22 tỷ VNĐ) để được tại ngoại.

Tuy nhiên không phải đối tượng nào cũng được phép trả tiền bảo lãnh để được tại ngoại. Một số tội danh đặc biệt nghiêm trọng, hoặc có liên quan đến an ninh quốc gia sẽ không được phép bảo lãnh. 

Bên cạnh đó, ngoài số tiền khổng lồ bỏ ra để "làm tin", nam danh hài cũng sẽ phải chịu một số hình thức quản lý ở địa phương như đeo máy theo dõi và không được phép di chuyển ra khỏi khu vực được giới hạn. Việc tiếp xúc với gia đình nạn nhân cũng hoàn toàn không được phép. Điều này chứng minh rằng ở Mỹ, tội danh quấy rối, xâm hại tình dục là vô cùng nghiêm trọng.

Vậy theo luật pháp Mỹ, những người phạm tội quấy rối tình dục sẽ bị xử phạt như thế nào?

Quấy rối tình dục tại Mỹ đã được coi là một tội danh hình sự trong bộ luật Quyền công dân công bố năm 1964. Tội danh này bị coi là vô cùng nghiêm trọng, không chỉ tác động tiêu cực đến sức khoẻ thể chất của người bị hại mà còn để lại dư chấn tâm lý nặng nề cho họ.

Theo Uỳ ban cơ hội việc làm bình đẳng EEOC, định nghĩa hành vi quấy rối tình dục bao gồm các hành động khiêu dâm mà không được sự cho phép, sử dụng lời nói kích thích tình dục, xâm hại tình dục trái phép và các hành động, lời nói mang tính chất ô dục đối với người xung quanh, kể cả đồng giới hay khác giới. 

Thông tin cụ thể về số tiền 1 triệu USD để bảo lãnh Minh Béo trong vụ án tại Mỹ - Ảnh 2.

 Quấy rối tình dục bị coi là tội danh nghiêm trọng ở Mỹ.

Quan toà sẽ căn cứ vào mức độ thương tổn, xâm hại của nạn nhân để đề ra hình phạt thích đáng dành cho những kẻ dám có hành vi quấy rối tình dục. Toà cũng sẽ xét đến lý lịch hình sự của bị can. Trong trường hợp bị cáo là người đã có tiền sử vi phạm pháp luật, hình phạt cũng sẽ nặng hơn rất nhiều. .

* Cách xử lý chung cho tội quấy rối tình dục

Mỗi bang tại Mỹ sẽ có cách xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục khác nhau, tuy nhiên điểm chung là hầu hết đều có mức án tù giam kèm tiền bồi thường cho nạn nhân bị quấy rối. 

Như ở California, hành vi quấy rối, tấn công tình dục người khác sẽ phải chịu mức án 22-40 năm tù giam kèm theo khoản phạt 10.000 USD (khoảng hơn 200 triệu VNĐ). 

Tại thành phố New York, tội quấy rối tình dục có mức án từ 2-7 năm tù giam và được coi là trọng tội cấp D. Thẩm phán có quyền chọn một khoảng thời gian tù giữa thời gian tối đã và thời gian tối thiểu cho người vi phạm. 

Người phải ngồi tù vì hành vi quấy rối tự động sẽ phải thụ án đủ số thời gian bị tuyên án từ trước hoặc chỉ phải bóc lịch trong khoảng thời gian tối thiểu nếu có biểu hiện tốt.

Theo luật liên bang, tội danh quấy rối tinh dục có thể bị phạt tù lên đến 20 năm nếu nghiêm trọng, kèm theo là tiền phạt, tiền bồi thường cho nạn nhân bị quấy rối. Thậm chí, người vi phạm còn phải chi trả phí bệnh viện, tiền thuốc thang và các buổi trị liệu, hồi phục tâm lý dành cho người bị hại. 

Cũng có quy tắc phạt chung dành cho các hình thức xâm hại, quấy rối tình dục như:

- Tấn công tình dục gây thương tích: 3 tháng tù giam và phải nộp phạt.

- Quấy rối bằng ngôn ngữ, các hình thức quấy rối bằng ngôn từ, hành vi gợi dục: lên đến 6 tháng tù giam tuỳ mức độ.

- Rình mò, quấy rối gây ảnh hưởng đến sự an toàn, tính mạng nạn nhân: 1-3 năm tù giam.

Thông tin cụ thể về số tiền 1 triệu USD để bảo lãnh Minh Béo trong vụ án tại Mỹ - Ảnh 3.

 Có rất nhiều hình thức quấy rối tình dục khác nhau.

- Ngoài ra, số tiền đền bù dành cho người bị hại tối đa là 300 nghìn USD (khoảng hơn 6 tỷ VNĐ).

Xâm phạm tình dục trẻ em là tội ác thiên kỷ

Một trong cách hình thức bị coi là cấm kỵ nhất chính là quấy rối tình dục trẻ em. Người vi phạm sẽ bị quản chế ít nhất là từ 1-5 năm, hoặc sẽ phải ngồi tù lên đến 5 năm. 

Bên cạnh đó, sơ yếu lý lịch, hồ sơ pháp lý đều sẽ có tiền án lạm dụng, quấy rối tình dục trẻ em, bị cách ly khỏi nạn nhân. Không chỉ vậy, người từng có hành vi quấy rối tình dục trẻ em sẽ bị tước quyền làm cha mẹ và còn bị giám sát khi gặp gỡ con cái, trẻ em.

Đối với trường hợp nạn nhân trẻ em dưới 14 tuổi, kẻ thủ ác nếu bị phát hiện sẽ có nguy cơ phải ngồi tù chung thân. Hành vi chứa chấp mại dâm trẻ em cũng sẽ phải ngồi tù đến 40 năm. Trong khi đó hành vi tấn công tình dục trẻ em có mức án tối đa là 20 năm tù. 

Lấy ví dụ như trường hợp của James Down, một nhân viên nhà thờ trú tại bang Arizona. Anh này đã phải nhận mức án 532 năm tù giam sau khi bị phát hiện có hành vi lạm dụng tình dục trẻ em đến cầu nguyện ở Nhà Thờ từ năm 2001-2006. 

Và nếu người vi phạm là người nước ngoài

Khi người nước ngoài phạm tội và bị bắt giữ tại Mỹ, người đó cũng phải chịu trách nhiệm và bị xử theo luật Mỹ như công dân nước sở tại. Ngoài ra, khi được bảo lãnh, người phạm tội sẽ phải giao nộp hộ chiếu và cam kết không được phép rời khỏi nước Mỹ cho đến khi kết thúc xét xử, kể cả đó là 1 tuần, 1 tháng hay cả năm trời. 

Nếu là sinh viên đang theo học ở Mỹ, bị bắt đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị đình chỉ học, hoặc tệ hơn là đuổi học. Điều này cũng đe dọa tới khả năng được ở lại Mỹ của sinh viên đã vi phạm pháp luật. 

Trường hợp xấu nhất, người vi phạm và gia đình sẽ bị trục xuất khỏi nước Mỹ. Có tiền án ở đây cũng khiến người vi phạm có rất ít, hoặc không còn cơ hội quay trở lại xứ sở cờ hoa.