"Vào phòng mổ, tôi thở yếu rồi. Mẹ chồng nói, chết mẹ cũng được, phải cứu con"

Cao Thanh Hương, Theo Pháp luật và bạn đọc 10:02 05/01/2022

"Bác sĩ nói, tử cung của tôi không mở nên phải sinh mổ nhưng mẹ chồng bảo, bằng mọi cách phải đẻ thường vì sinh mổ thì xui xẻo", chị ruột Đặng Thu Thảo đau lòng nhớ lại.

Hiện tại, chị ruột hoa hậu Đặng Thu Thảo đang có một cuộc sống viên mãn bên người chồng thứ hai và các con. Còn nàng hoa hậu Đại dương 2014 thì vừa đi qua cú sốc hôn nhân khi chồng ngoại tình rồi bạo hành tới mức trầm cảm, từng ăn cả giấy vệ sinh.

Sau ly hôn, Đặng Thu Thảo ôm con ra đi với hai bàn tay trắng, nương nhờ tình yêu thương của những người ruột thịt.

Những tưởng số phận hai chị em quá trái ngược nhưng không phải vậy, trước khi có được hạnh phúc viên mãn như ngày hôm nay, chị ruột Đặng Thu Thảo cũng từng trải qua tất cả những đau khổ mà em gái cô đã và đang gặp phải.

"Hoàn cảnh của tôi và Thảo khi ly hôn đều gần giống nhau. Cho nên khi Thảo ly hôn, tôi rất ủng hộ, chứ không khuyên Thảo cố gắng chịu đựng. Bản thân tôi đã trải qua cái cảm giác địa ngục đó rồi nên hiểu cảm giác của Thảo.

Tôi nói Thảo, ly hôn thì nhất quyết phải đem 2 đứa con về, chứ không để con cho bố nó. Bởi vì, phụ nữ có thể hy sinh tất cả cho con nhưng người đàn ông thì khác.

Dù có những người đàn ông thương con thật nhưng khi có bồ, họ quên hết tất cả mọi thứ xung quanh. Phụ nữ, làm gì cũng thường suy nghĩ tới con", Đặng Thùy Trang - chị ruột Đặng Thu Thảo mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Vào phòng mổ, tôi thở yếu rồi. Mẹ chồng nói, chết mẹ cũng được, phải cứu con - Ảnh 2.

Đặng Thùy Trang và em gái Đặng Thu Thảo

Mẹ chồng không cho sinh mổ vì... sợ xui xẻo!

Như Trang nói, hoàn cảnh ly hôn của bạn và em gái gần giống nhau. Cụ thể là thế nào?

Ở cuộc hôn nhân đầu, tôi chia tay vì người ta đối xử với tôi quá tệ. Lúc sinh con, tôi suýt chết trên bàn mổ. Tôi hôn mê 1 ngày 1 đêm, tỉnh dậy thấy người ta đối xử với mình quá kinh khủng nên khi chia tay, mình còn cảm thấy may mắn. Đối với tôi, tất cả là cho con, vì con.

Khi con đầy tháng, tôi xin bố mẹ cho tôi ôm con về. Bố mẹ tôi bất ngờ vì khi đó, tôi chưa học xong, chưa có việc làm, không có tiền bạc gì hết.

Tôi nói với bố mẹ, thà con ôm con nhỏ nuôi một mình, vất vả, cực khổ cũng được chứ không muốn mình là công cụ đẻ con cho người ta. Họ thậm chí còn cho rằng, chết đứa này thì đẻ đứa khác. Khi ly dị là tôi đưa con về. Lúc đó, con tôi mới được mấy tháng tuổi.

Chuyện gì đã xảy ra trong lần Trang sinh bé tới nỗi hôn mê và suýt chết như vậy?

Hồi đó, ba mẹ tôi bảo về Cần Thơ sinh con nhưng tôi nghe lời gia đình chồng, ở lại Trà Vinh để sinh trong bệnh viện tỉnh, đó cũng là nơi người chồng đầu tiên của tôi làm việc.

Lúc gần sinh, mẹ chồng tôi lại nói sinh ở trạm xá vì ai cũng thế. Tới ngày chuyển dạ, tôi đẻ không được, mẹ chồng mới đưa lên bệnh viện tỉnh. Gia đình chồng khá giả nên tôi xin cho ở phòng dịch vụ nhưng mẹ chồng bảo sinh theo chế độ bảo hiểm.

Bác sĩ nói, tử cung của tôi không mở nên phải sinh mổ nhưng mẹ chồng bảo, bằng mọi cách phải đẻ thường vì sinh mổ thì xui xẻo.

3 ngày 3 đêm, tôi được uống thuốc kích đẻ nhưng bé không ra được. 3 ngày 3 đêm đó, tôi phải trải chiếu ngủ ngoài hiên bệnh viện, chứ không được nằm giường hay nằm phòng, bị muỗi cắn, đau đớn nên mất ngủ.

Vào phòng mổ, tôi thở yếu rồi. Mẹ chồng nói, chết mẹ cũng được, phải cứu con - Ảnh 3.

Trước khi có cuộc hôn nhân hạnh phúc, viên mãn như hiện tại, Thùy Trang từng trải qua nhiều đau khổ trong đời sống riêng. Ly hôn và làm mẹ đơn thân khi mới 21, 22 tuổi

Tới lúc tôi không còn sức, sắp xỉu thì gia đình chồng mới gọi bác sĩ cho tôi vào đẻ nhưng tử cung không mở. Hộ lý thọc tay vào, móc thằng bé ra nhưng không được. Lúc này, gia đình mới cho mổ để bắt con.

Bệnh viện yêu cầu viết giấy cam kết, vì lúc này, khả năng chỉ cứu được 1 trong 2, may mắn hoặc hy hữu lắm mới cứu được cả 2 mẹ con.

Mẹ chồng tôi nói: chết mẹ cũng được, phải cứu con. Vô phòng mổ, tôi thở yếu rồi. Bác sĩ mổ lấy con ra, chỉ mất vài phút, còn tôi thì bị hôn mê. Sau 1 ngày 1 đêm, tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong lồng kính.

Tôi đang trong cữ mà mẹ chồng sợ con dâu mập, chỉ cho ăn cà rốt luộc với kho quẹt, bảo tránh hậu sản. Lúc tôi sinh con, con nặng hơn 3 kg, sau 1 tháng chỉ còn 2,8 kg. Đầy tháng con, tôi năn nỉ bố mẹ cho tôi về.

Tôi nói Thảo gác hết tình cảm riêng tư lo cho con

Theo tôi biết thì thời điểm đó, Trang còn rất trẻ, mới 21, 22 tuổi, thậm chí còn chưa học xong đại học. Ôm con về nhà mẹ đẻ rồi bạn xoay sở thế nào?

Tôi nhờ bố mẹ chăm sóc bé để mình hoàn thành xong chương trình học đại học, bởi lúc đó tôi đang học năm cuối. Đã gửi con cho bố mẹ nuôi, tôi còn xin thêm 500.000 đồng để lên Sài Gòn. Tôi nói với bố mẹ "cho mượn nợ đi, nuôi giùm đi, khi nào có tiền, con gửi về".

Học xong, tôi đi xin việc làm và được làm quản lý nhà hàng của một công ty nước ngoài ở Việt Nam. Tôi không dám ăn uống gì nhiều, thậm chí, ăn những suất cơm nhà hàng ưu đãi cho sinh viên, có khi cả tháng ăn soup để dành tiền gửi về nhà nuôi con.

May mắn là người quản lý cấp trên hiểu hoàn cảnh của tôi nên tạo điều kiện tốt nhất cho tôi. Tôi vừa đi làm, vừa đi học thêm rất nhiều thứ, miễn sao để sau này lo cho con tốt nhất có thể.

Lúc đó, Thảo cũng vẫn còn đi học. Tôi vừa nuôi con vừa tiết kiệm để lo cho Thảo. Khi Thảo đăng quang hoa hậu, Thảo có kinh tế, Thảo gửi tiền về cho bố mẹ và lo ngược lại cho con tôi. Hai chị em tập trung lo cho thằng bé.

Vào phòng mổ, tôi thở yếu rồi. Mẹ chồng nói, chết mẹ cũng được, phải cứu con - Ảnh 4.

Cậu con trai đầu của Thùy Trang bây giờ đã 11 tuổi. Cậu bé đã được phẫu thuật đặt ốc tai và có thể nghe nói được

Vào phòng mổ, tôi thở yếu rồi. Mẹ chồng nói, chết mẹ cũng được, phải cứu con - Ảnh 5.

Hiện tại, cậu bé đang ở cùng mẹ, cha dượng và các em. Tuy nhiên, điều đáng nói là người chồng sau rất thương con riêng của vợ. Anh dạy dỗ và chăm sóc cậu bé như chính con ruột của mình

Làm mẹ đơn thân chưa bao giờ là chuyện dễ dàng nhất là khi tuổi đời còn trẻ như thế. Con khỏe mạnh còn đỡ, con ốm yếu, bệnh tật thì còn vất vả hơn gấp trăm ngàn lần?

Con tôi bị khiếm thính bẩm sinh. Bé không có dây thần kinh ốc tai. Nhà nội bỏ, không lo cho nó. Cách đây khoảng chục năm mà chi phí phẫu thuật đã gần 1 tỷ đồng. Tôi đưa con đi rất nhiều bệnh viện để khám nhưng không có hiệu quả. Chính vì vậy, lúc đó, hai chị em chỉ nghĩ, đi làm có tiền để thằng bé có cuộc sống tốt nhất thôi.

Trang từng tâm sự là đã từ chối nhiều lời có cánh của những người đàn ông khác để tập trung lo cho con?

Trong khoảng thời gian đó, có nhiều người đến với tôi nhưng họ chỉ có thể hỗ trợ kinh tế để tôi nuôi con chứ không đề cập tới chuyện sống cùng thằng bé.

Khi mình có đứa con, mà con mình đã bị thiệt thòi về tình yêu thương của cha mẹ, lại khuyết tật thì mình càng thương con hơn. Tôi hiểu lý do họ dè dặt nhưng đó cũng là điều khiến tôi không vội vàng vì không gì quan trọng bằng cuộc sống của con mình.

Tôi chỉ nghĩ, mình không nên vội vàng yêu đương hay kết hôn. Bây giờ, tôi cũng nói với Thảo như vậy, gác lại hết tình cảm riêng tư mà lo cho con. Khi mình có kinh tế, lo được cho con, không phụ thuộc ai thì con mình mới không khổ.

Hiện tại, Thảo đã nghỉ việc ở phòng khám nha khoa. Nhà tôi có mặt bằng ở chợ, đang tính mở spa cho Thảo để Thảo được gần con và bố mẹ. Gia đình muốn Thảo rời xa hẳn An Giang để không phải suy nghĩ quá nhiều mà trầm cảm. Thời điểm này, Thảo cần gia đình.

Cảm ơn Thùy Trang đã chia sẻ và chúc bạn cùng gia đình luôn hạnh phúc!

https://soha.vn/vao-phong-mo-toi-tho-yeu-roi-me-chong-noi-chet-me-cung-duoc-phai-cuu-con-20220103104636529.htm