Vì sao nước Pháp lại trở thành mục tiêu chính trong các cuộc khủng bố đẫm máu?

Ngọc Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 18:00 15/07/2016

Mới chỉ vỏn vẹn 9 tháng sau khi diễn ra vụ khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris hoa lệ, ngày hôm qua 14/7, nước Pháp lại một lần nữa lặng mình tiễn đưa ít nhất 80 người về với Chúa Trời.

Đêm qua 14/7 theo giờ địa phương, một chiếc xe tải màu trắng đã cố tình lao vào đám đông người đang xem trình diễn bắn pháo hoa, mừng ngày Quốc khánh Pháp, ở thành phố Nice, miền nam nước này. Vụ việc thương tâm xảy ra đã tước đi ít nhất 80 mạng người, và hàng trăm người khác bị thương cũng như ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý.

Những người thiệt mạng là những vợ, người chồng, người mẹ, người cha và nhiều những đứa trẻ vô tội khác, họ không làm gì sai, họ chỉ ăn mừng ngày kỷ niệm của đất nước họ. Nhưng niềm vui chưa kịp vẹn tròn, nước Pháp lại một lần nữa đổ lệ đưa tiễn những người ra đi. Vì lý do gì mà Pháp phải gánh chịu quá nhiều mất mát như vậy?

Vì sao nước Pháp lại trở thành mục tiêu chính trong các cuộc khủng bố đẫm máu? - Ảnh 1.

Thi thể các nạn nhân vẫn nằm trong vũng máu sau khi một chiếc xe tải cố tình lao vào họ trong đêm 14/7 ở thành phố Nice, miền nam nước Pháp.

Sự trả thù của IS sau đợt không kích đầu tiên của Pháp hồi tháng 9 năm 2015

Mới chỉ vỏn vẹn 9 tháng kể từ ngày vụ khủng bố liên hoàn ở Paris ngày 13/11/2015 gây rúng động toàn thế giới. Sự việc đã khiến 129 người chết, trở thành cuộc tấn công đẫm máu nhất ở Pháp kể từ sau Thế chiến 2. Và ngày hôm qua, với ít nhất 80 người thiệt mạng ở Nice, đây được đánh giá là vụ tấn công nghiêm trọng thứ 2 với người dân Pháp. Tuy chưa có kết luận chính thức nào về thủ phạm, nhưng dường như tất cả các chứng cứ đều khiến người ta liên tưởng ngay đến các tổ chức khủng bố.

Quay trở lại cuộc tấn công vào tháng 11 tại Paris, những kẻ khủng bố đã sử dụng súng và bom, tiến hành thảm sát kinh hoàng những người dân vô tội ở thành phố hoa lệ bậc nhất thế giới này. Khi đó, người ta đã đặt ra câu hỏi, vì sao Pháp lại trở thành mục tiêu chính của các nhóm khủng bố?

Vì sao nước Pháp lại trở thành mục tiêu chính trong các cuộc khủng bố đẫm máu? - Ảnh 2.

Nhiều người dân xuống đường bày tỏ sự lo lắng sau khi IS xả súng và bom khiến 129 người thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 13/11/2015 tại Paris.

Theo quan niệm của Nhà nước Hồi giáo cực đoan tự xưng IS (với nhiều tên gọi khác như Daesh hay ISIL), Paris không phải là thủ đô của những điều lãng mạn mà nó là "thủ đô của tệ nạn mại dâm." IS ngang nhiên tuyên bố đã đưa Pháp vào mục tiêu chính của mình, và chúng sẽ không ngừng lại.

Nguyên nhân khiến IS thịnh nộ như thế rất có thể là do vào hồi tháng 9 năm 2015, Pháp đã cho thực hiện các đợt không kích đầu tiên nhằm vào phiến quân IS ở Syria, một đất nước khá gần với các khu vực khác có nhiều quân IS chiếm đóng. Ngay tại thời điểm đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã nhận định, Pháp tấn công IS bởi những lo ngại tổ chức khủng bố này sẽ chuẩn bị tấn công Pháp từ điểm trú ẩn ở Syria.

Theo nhiều nhân chứng trong vụ thảm sát đẫm máu tại Paris ngày 13/11/2015, các tay súng đã hét lên bằng tiếng Pháp, "Đây là hậu quả thích đáng dành cho những kẻ dám gây ra cái chết cho người Hồi giáo trên khắp thế giới." Sự trả thù của IS quá sức tàn bạo, chúng làm vấy bẩn tên thánh Allah bằng cách giết chóc man rợ mà vẫn cực đoan cho rằng mình hoàn toàn đúng đắn.

IS dễ dàng tuyển quân ở Pháp hơn là các nước phương Tây khác

Những căng thẳng xoay xung quanh cộng đồng Hồi giáo ở Pháp từ lâu đã nhen nhóm và dường như chỉ chờ ngày bùng phát. George Packer, một phóng viên nước ngoài của tờ The New Yorker, người đã không ngần ngại lăn xả ở chiến trường Iraq, viết trong một tựa báo của mình có tiêu đề "The Other France" (Tạm dịch: Mặt trái của nước Pháp") rằng liệu Paris có phải là cái nôi nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố.

Vì sao nước Pháp lại trở thành mục tiêu chính trong các cuộc khủng bố đẫm máu? - Ảnh 3.

Theo phóng viên Packer "Ở Pháp có quá nhiều khu ổ chuột nằm ở ngoại thành được làm chủ bởi những người nhập cư… Các toà nhà chọc trời ở nội thành đã trở thành những bức tường ngăn cách người lao động với thế giới tráng lệ bên trong. Sự phân hoá giàu nghèo ngày càng rõ nét, sự cô lập những tầng lớp xã hội yếu kém thể hiện quá rõ trong Công ước Thành phố. Những người nhập cư trở thành đối tượng bàn tán, chỉ trích và đầy đe doạ với người dân nước này."

Và dường như chính sự phân hóa giàu nghèo hay những lời bàn tán, chỉ trích của người dân Pháp đã phần nào lại chính là nguyên nhân đẩy nhanh sự nguy hiểm tìm đến họ Một người phụ nữ đã viết lên Facebook dòng trạng thái "Tôi thấy sợ hãi những người Hồi giáo ở nước Pháp." Theo Packer, những phản ứng này đã khiến một bộ phận lớn người Hồi giáo ở Pháp hình thành sự căm ghét và nảy sinh những ý nghĩ trả thù lên người dân Pháp.

Andrew Hussey, một sinh viên người Anh tại Đại học London đang theo học Cao học ở Paris, nhận xét: "Những đứa trẻ sống trong các khu ổ chuột ở vùng ngoại ô vĩnh viễn không có khái niệm lịch sử, không biết được nguồn gốc của mình, không hiểu được văn hoá của ngôn ngữ Ả Rập và thánh Allah trong tâm thức của chúng không vẹn toàn." 

Vì những lý do đó mà người Hồi giáo nhập cư ở Pháp dễ dàng bị IS mua chuộc và tẩy não nhằm phục vụ mục đích khủng bố man rợ của chúng. Sự phân hoá giàu nghèo, sự cô lập từ phía cộng đồng đã đẩy người Hồi giáo ở đất nước này bán mình cho quỷ dữ.