Giáo sư Phạm Phụ qua đời ở tuổi 85

Trần Huỳnh, Theo Tuổi trẻ Online 15:47 14/10/2022

Giáo sư Phạm Phụ - người sáng lập khoa quản lý công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - đã qua đời tối qua 13-10.

Giáo sư Phạm Phụ qua đời ở tuổi 85 - Ảnh 1.

Giáo sư Phạm Phụ phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến về Luật giáo dục đại học năm 2011 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Sáng nay 14-10, PGS.TS Mai Thanh Phong - hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho hay gia đình GS.TS Phạm Phụ vừa báo tin ông đã từ trần lúc 23h tối qua 13-10.

Ông Phạm Phụ sinh năm 1937, quê Quảng Ngãi.

Giáo sư Phạm Phụ đã có gần 60 năm kinh nghiệm giảng dạy bậc đại học, chuyên gia về thủy điện, nhưng chính ông lại là người sáng lập khoa quản lý công nghiệp Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Những năm 1990, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM là một đại học thuần túy về kỹ thuật nên chưa từng có khoa "quản trị kinh doanh". Đến năm 1993, nhà trường thành lập khoa quản lý công nghiệp, mở chương trình thạc sĩ trước cử nhân, đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh thuộc loại sớm nhất ở Việt Nam.

Trước đó, từ năm 1985, thầy Phạm Phụ mở lớp "sư phạm đại học" và trực tiếp giảng dạy cho giảng viên trẻ ở trường này. Từ lúc đó, ông đã mở ra các môn học mới "quản lý cho kỹ sư", "kinh tế kỹ thuật" cho toàn bộ sinh viên trường, trực tiếp dạy "thị trường chứng khoán".

Khi trở thành đại biểu Quốc hội khóa IX và ủy viên, phó trưởng ban giáo dục đại học của Hội đồng quốc gia giáo dục, ông tập trung vào nghiên cứu về giáo dục đại học.

15 năm trước đây, giáo sư Phạm Phụ đã nổi tiếng trong giáo giới, được biết đến là chuyên gia phản biện sắc sảo tại các hội thảo, diễn đàn về giáo dục đại học. Các vấn đề "hội đồng trường", "tự chủ đại học" hiện đang còn là chủ đề nóng, nhưng ông đã nghiên cứu sâu từ năm 2000.

Ông là một trong những người đầu tiên kiến nghị xây dựng cơ chế hội đồng trường ở trường đại học, cần xem dịch vụ giáo dục đại học là loại "hàng hóa đặc biệt" và có sự can thiệp của Nhà nước.

Hơn 10 năm ông đã có trên 120 bài báo về giáo dục rất sâu sắc và được xã hội đánh giá cao vì đã khắc họa được khuôn mặt mới của giáo dục đại học nước nhà.