Vụ "con nợ cù nhây" nhất Vbiz, vay tiền từ bạn bè cho tới phóng viên và nghệ sĩ: Có thể khởi kiện nếu chứng cứ thuyết phục

Tứ Qúy, Theo Tổ Quốc 19:33 28/01/2019

Thông tin nhiều nghệ sĩ trong showbiz Việt bị một nhân vật lợi dụng quen biết để vay nợ với tổng số tiền lên tới gần 2 tỷ đồng và chưa có ý định trả đang gây xôn xao. Liên quan đến vấn đề này, luật sư Hùng cho biết các nạn nhân có thể làm đơn tố cáo, khởi kiện nếu có chứng cứ thuyết phục.

Những ngày cuối năm, ai cũng tất bật công việc, gom góp tiền bạc để gia đình có một cái Tết ấm no. Thế nhưng có lẽ, trên đời này, việc dễ nhất là đi vay tiền và khó nhất là đi đòi tiền đã cho vay. Chẳng thế mà, cứ mỗi dịp năm hết Tết đến chẳng khó để bắt gặp những đoạn chia sẻ của các "chủ nợ", thế nhưng đáp lại vẫn chỉ là những sự im lặng hoặc nhưng câu thờ ơ "thư thư vài bữa", "khi nào có thì gửi lại"...

Lúc đi vay niềm nở, hứa hẹn bao nhiêu thì khi bị đòi lại "cù nhây", khất lần bấy nhiêu, thậm chí người đi vay còn không dám đọc tin nhắn, thẳng tay block facebook, chặn số điện thoại hoặc lặn mất tăm... để mình chủ nợ "bơ vơ" chờ đợi mòn mỏi. 

Lợi dụng quen biết, nhiều nghệ sĩ có nguy cơ bị "quỵt nợ" tổng số tiền lên tới hàng tỷ đồng

Câu chuyện "nợ xấu" dường như chẳng từ một ai, kể cả là những nhân vật trong showbiz. Mới đây, thông tin một người có mối quan hệ sâu và rộng trong showbiz nay đã trở thành con nợ lớn theo đúng nghĩa đen đang làm xôn xao giới nghệ sĩ và mọi người. 

Vụ con nợ cù nhây nhất Vbiz, vay tiền từ bạn bè cho tới phóng viên và nghệ sĩ: Có thể khởi kiện nếu chứng cứ thuyết phục - Ảnh 1.

Theo đó, một nhân vật lợi dụng mối quan hệ với rất nhiều người làm trong showbiz, từ nghệ sĩ tên tuổi và lâu năm trong nghề như nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, cho đến các nghệ sĩ trẻ như Soobin Hoàng Sơn, Duy Khánh Zhou Zhou, Phở Đặc Biệt, Trương Mỹ Nhân, Tú Hảo, stylist Trần Quang Tuyến, MC Quang Bảo, quản lý của các ca sĩ, phóng viên... để vay tiền mãi không chịu trả, số tiền có tổng lên đến tiền tỷ thì quả thật sự quen biết này không - phải - dạng - vừa đâu.

Với hàng loạt lí do được người này đưa ra theo từng hoàn cảnh khác nhau như "trả lương cho nhân viên, nhờ mua đồ hộ mà "quên không trả tiền", thậm chí "nhây hơn cả là quỵt tiền cát xê của nghệ sĩ. 

Sau khi sự việc bị phanh phui trên mạng thì nhân vật ấy lại lặn mất tăm, thậm chí chỉ đọc tin nhắn mà chẳng có đôi lời hồi âm hay xin khất lần. Đọc xong câu chuyện của hội bạn thân trong showbiz chắc hẳn cũng không ít người thấy chính mình trong đó. 

Câu chuyện "vay - trả" dường như vẫn chưa đi đến hồi kết khi mà các "chủ nợ" đang ráo riết đòi nợ nhưng việc trả hay không lại phụ thuộc vào các “con nợ”.

Có thể khởi kiện nếu có chứng cứ thuyết phục

Về trường hợp của nhiều người trong giới nghệ sĩ và PV, BTV cho người này vay tiền nhưng đến hẹn không chịu trả, có nguy cơ bị “quỵt”, luật sư Trần Minh Hùng - Trường phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho rằng các nạn nhân có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng, khởi kiện để đòi lại quyền lợi cho mình. Tuy nhiên theo luật sư Hùng thì người kiện phải có chứng cứ thuyết phục. 

Vụ con nợ cù nhây nhất Vbiz, vay tiền từ bạn bè cho tới phóng viên và nghệ sĩ: Có thể khởi kiện nếu chứng cứ thuyết phục - Ảnh 2.

Luật sư Trần Minh Hùng - Trường phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP. HCM)

Cụ thể, nếu không có giấy biên nhận vay nợ thì có thể dùng ghi âm cuộc gọi, nội dung tin nhắn hoặc thông tin chuyển khoản đề cập đến vấn đề vay mượn tiền. “Nếu vay mà sử dụng sai mục đích, dùng thủ đoạn gian dối vay rồi không trả hoặc vay nhưng có tiền mà vẫn không trả nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì có dấu hiệu cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Người bị chiếm đoạt cần làm đơn tố cáo đồng loạt ra công an để được giải quyết theo thẩm quyền”, luật sư Hùng nêu quan điểm. 

Điều 175 Bộ luật dân sự 2015 về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau: 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: … 

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

Theo đó, nếu thông qua hợp đồng vay, nhưng đến hạn lại không trả thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chỉ trong những trường hợp sau: 

- Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản đã nhận được; - Có đủ điều kiện trả nhưng cố tình không trả lại tài sản; 

- Dùng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 

Như vậy, nếu người vay tiền có dấu hiệu cắt đứt liên lạc, bỏ trốn khỏi địa phương nhằm không trả lại số tiền đã vay. Hoặc có căn cứ cho rằng người vay có đủ điều kiện trả nợ nhưng không có thiện chí trả lại thì trách nhiệm hình sự với tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể sẽ đặt ra.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày