Câu chuyện "người đàn ông bại liệt" qua lời những người tiếp tế đồ ăn

Lê Nam, Theo Trí Thức Trẻ 18:33 18/10/2013

Nhóm bạn thường tiếp tế đồ ăn cho ông Anh chia sẻ: Ban đầu bác ấy buộc các băng gạc y tế lại thành một cái dây, luồn qua ô khóa cửa bé tí trên tầng 2 rồi thả xuống. Có hôm buộc đồ hơi nặng, cái dây đứt phựt.

Nhóm tình nguyện viên cũng đã có những chia sẻ chân thực về chặng đường gần 1 tháng tiếp tế đồ ăn cho bác Anh sau khi biết được tin từ một người thân trong gia đình chia sẻ. Bắt đầu từ câu chuyện nhóm tình nguyện nhận được điện thoại từ một bạn nhờ sự giúp đỡ, mang đồ ăn tiếp tế đến bác Anh, khoảng  60 tuổi bị nhốt trên tầng 2 một ngôi nhà phố Hồng Hà ( số 26 ngõ 823/19 đường Hồng Hà), bác ấy đói đã 4 ngày rồi. 

Câu chuyện "người đàn ông bại liệt" qua lời những người tiếp tế đồ ăn 1
Căn phòng chật hẹp của ông Anh. Ảnh: Dương Linh.

Tối hôm 13/9, nhóm mang cho bác ấy mấy cái bánh mì và mấy hộp sữa. Nhà 26 là 1 ngôi nhà 3 tầng, tầng 1 bị khóa 2 khóa to, tối om, tầng 2 thì điện nhấp nháy. Điện thoại cho bác ấy thì 1 lúc lâu sau thấy 1 cái dây được thả xuống, đầu dây là 1 cái túi bóng, trong đó để 1 cái hộp thuốc nặng để chiếc túi không bị bay lung tung.

Bỏ 3 hộp sữa tươi vào túi, nhưng kéo được 1 đoạn thì hộp sữa bị rơi xuống. Sau đó bác An điện thoại bảo “nặng quá, cháu cho một hộp sữa, 1 cái bánh mì thôi”. Phải mất đến gần 1h đồng hồ để bỏ đồ vào túi, chờ kéo lên, thả xuống rồi lại kéo lên.

Mô tả về việc thả dây nhận thức ăn của bác Anh với bên ngoài, nhóm tình nguyện chia sẻ: Ban đầu bác ấy buộc các cái băng gạc y tế lại thành một cái dây, luồn qua cái ô khóa cửa bé tí trên tầng 2 rồi thả xuống. Có hôm buộc đồ hơi nặng, cái dây đứt phừn phựt. Sau đó cháu gái của bác Anh kiếm được đoạn dây ni lon chuyển cho bác ấy nên công việc cũng dễ dàng hơn. Nói nôm na, vật dụng “kiếm cơm” của bác là một chiếc gậy, một đầu móc dây nối dài để thả xuống, hình dáng giống như một chiếc cần câu. Cứ như thế, mỗi lần nhóm tình nguyện đến đều gọi điện cho bác trước, một lúc sau thì bác sẽ thả cái “cần câu cơm” xuống… và mọi chuyện cứ diễn ra như thế suốt gần 1 tháng qua. 

Ông tổ trưởng tổ dân phố Nguyễn Hữu Cầm, tổ trưởng tổ dân phố 31, khu phố 8, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội – người phụ trách khu vực này trong nhiều năm qua cũng cho chúng tôi biết thêm về hoàn cảnh của ông Anh.

Ông Đàm Quang Anh, thời gian trước sống ở khu Bạch Mai, làm nghề tự do nên thu nhập thất thường, lúc nhiều lúc ít. Lúc có tiền thì không sao, lúc không có tiền bà vợ cho nhịn đói”. Nhiều lần, người anh trai gần nhà phải gọi sang ăn cơm cùng, “bác ấy ngồi ăn mà mắt ầng ậc nước” – lời cô cháu gái bác Anh tường thuật.

6 năm trước, trong 1 lần dắt xe máy cho con gái, bác Anh bị chân chống xe máy làm bị thương ở chân. Sau đó nhiễm trùng và mưng mủ, gây khó khăn trong di chuyển. Chân bên kia vì ít đi lại nên cũng teo lại… Thời gian đó, vợ con bác Anh bắt đầu có dấu hiệu bỏ bê, không chăm sóc. Một người thân bên nội của bác Anh đã chu cấp tiền thuê người chăm sóc, đồng thời con cháu trong nhà mỗi tháng ủng hộ một ít tiền để lo ăn cho bác ấy. Họ hàng nhiều lần khuyên gia đình nên cho bác Anh đi trại dưỡng lão nhưng bác Anh không chịu vì muốn ở nhà trông con gái trưởng thành.

Sau 6 năm chăm sóc và chu cấp tiền cho ông Quang Anh, gia đình bên nội đã không còn đủ khả năng để tiếp tục chu cấp. “Cách đây khoảng 2 tháng, đại diện bên nội và bà Loan có mời chính quyền địa phương đến nhà để bàn cách giải quyết và đưa ra phương án chăm sóc cũng như chu cấp tiền chữa bệnh, sinh hoạt cho ông Anh. Tuy nhiên, lần làm việc này vẫn chưa đưa ra được phương án cuối cùng”, ông Nguyễn Hữu Cầm nói.

Trong buổi họp đó, bà Loan trao trả chìa khóa nhà cho họ hàng bên nội, rồi cùng con gái đi ra bên ngoài sống. Tuy nhiên, họ hàng bên nội không chấp nhận hàng động này nên mới dẫn đến tình trạng khóa trái cửa. Bác Anh nằm một mình trên tầng 2, thỉnh thỉnh thoảng điện thoại nhờ con cháu mang bánh mì, ba tê hộp đến tiếp tế bằng con đường thả dây kéo.