Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân

Nhuggie; Ảnh: Dương Winamp; Clip: Anh Hiếu, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 09/10/2012

Di chứng của căn bệnh bại não đã làm cho đôi tay của Tuấn tê liệt. Nhưng gần 10 năm trời cố gắng phi thường, Tuấn đã làm mọi người kinh ngạc bởi khả năng viết, vẽ, sinh hoạt chỉ bằng đôi chân cực giỏi giang của mình.

Gần hai tuần nay, người dân ở cụm 8, xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) rộn rã trò chuyện về một cậu bạn 18 tuổi mà người dân nơi đây trìu mến gọi là “Nguyễn Ngọc Kí của xã Sen Chiểu”. Trở về nhà sau 8 năm rèn luyện, phục hồi thể trạng do di chứng bại não ngay từ lúc sinh, chàng trai Nguyễn Anh Tuấn đã gây xúc động cho người dân ở nơi đây và cả ngôi trường THCS Phúc Thọ mà Tuấn đang học lớp 8 bởi khả năng viết, vẽ, sinh hoạt bằng chân cực giỏi giang của mình. 


Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân 1

Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân 2
Viết chữ bằng chân, và chữ của Tuấn rất ngay ngắn, rõ ràng

Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân 3

Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân 4
Khăn được phơi cao, Tuấn cố gắng dùng chân với lấy

Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân 5

Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân 6
Mọi sinh hoạt hằng ngày, Tuấn tự làm bằng chân

Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân 7

Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân 8
Tuấn tự làm tất cả mọi việc bằng đôi chân của mình

Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân 9
Thậm chí là vẽ và tô màu cho những bức tranh của chính mình.

Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân 10
hay đánh cờ

Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân 11
Ăn cơm

Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân 12
và cả nhắn tin nữa

Di chứng của căn bệnh bại não khi còn nhỏ đã làm cho đôi tay của Tuấn không phát triển, các ngón tay quắp vào nhau tê liệt. Đó từng là nỗi đau tê tái của bố mẹ Tuấn, đó cũng đã từng là nỗi thiệt thòi  của cậu bé Tuấn vào những năm đầu tiên của cuộc đời. Đôi tay không có khả năng vận động, giọng nói của Tuấn cũng vì thế mà không được tròn trịa, việc đi lại cũng từng rất khó khăn, đau đớn.

Những ngày rét mướt đầu tháng Giêng năm 1994 là chuỗi ngày mà mẹ của Tuấn, cô Nguyễn Thị Hoa (SN 1972) mỗi khi nhắc lại vẫn nhiều xót xa, tiếc nuối. Ngày ấy, sinh Tuấn trong ngày đông rét đậm, sinh non 7 tháng, thể trạng yếu ớt của Tuấn cần phải chữa chạy để tránh biến chứng. Nhưng gia đình quá nghèo, không đủ tiền chạy chữa kịp thời đã khiến Tuấn mắc phải căn bệnh bại não. Đến bây giờ, “đó vẫn là một nỗi ân hận lớn đè lên cô trong mỗi giấc ngủ”.
 
Còn bố Tuấn, chú Nguyễn Kiều Hồng (SN 1968) nhìn Tuấn nói: “Nó là đứa con trai duy nhất của gia đình. Đau lắm. Những ngày nó lên ba, lên bốn, chú tập đi cho con mà nước mắt trào ra. Chân con yếu quá đi không được, chú nóng nảy quát gào lên mà thương con đau xót. 

Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân 13
Bố Tuấn không kìm được xúc động khi nói về con trai mình.

Chú kiên trì tập cho Tuấn đi, tay liệt nhưng chân phải đi được, đường đời còn dài mà bố mẹ không thể đi thay con được. Thế là từ những bước đi đầu tiên đó đến bây giờ nó đã có thể viết, có thể vẽ bằng chân, học hành giỏi giang, thực sự là niềm an ủi lớn lao của gia đình.”

Năm 2004, gia đình cho Tuấn vào rèn luyện, phục hồi thể trạng ở Trung tâm phục hồi chức năng Thụy An (Ba Vì, Hà Nội), tại đây Tuấn đã biến thiệt thòi thành nghị lực. Những vần thơ đầu tiên của Tuấn vào năm ấy: 

Từ thuở nào mẹ đưa con vào
Ở một nơi trung tâm trị bệnh
Có rất nhiều những người tàn tật
Con ngỡ ngàng như là trong mơ

Những tưởng, trước những khuyết tật trên cơ thể, Tuấn sẽ mặc cảm, giấu mình, tâm hồn bị chai sạn đi bởi nước mắt, thiệt thòi, đau đớn. Nhưng trước những lần quát tháo vô cớ của cha, nỗi âu do dăng dẳng của mẹ những ngày mất mùa, Tuấn biết, mình phải cố gắng nhiều hơn người khác trong cuộc sống: “Em khuyết tật nhưng không có nghĩa là em vô dụng, mình phải lạc quan sống chứ. Mỗi người đều có một cuộc sống của riêng mình, trước mắt, cuộc sống của em là sự nỗ lực, giảm gánh nặng cho bố mẹ. Còn về lâu dài,cuộc sống của em đó là cuộc sống của một công dân có ích cho xã hội, một người con có hiếu với bố mẹ”.

Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân 14

Tuấn có một tâm hồn trong sáng, lạc quan nhưng cũng rất già dặn, chín chắn. Em chọn thơ, chọn tranh để cùng mình lớn lên từng ngày. Tuấn đã sáng tác được hơn 50 bài thơ, 50 bài thơ này đều được Tuấn viết trang trọng vào vở và tặng lại cho trung tâm vào ngày chia tay trở về hòa nhập với cộng đồng: “Có thể đối với nhiều người, thơ là một cái gì đó đã cũ, đã xa xôi nhưng với em, đơn giản, thơ là thứ mà em thấy mình có khả năng, mỗi khi làm thơ, em cảm thấy tự tin, thấy yêu đời và trút được nhiều suy nghĩ”. Đối với Tuấn, thơ như là những bài hát hay mà cậu hát bằng trái tim nhiều suy nghĩ của mình.  

Những ngày đầu đưa Tuấn vào trung tâm điều trị, phục hồi chức năng, đó là năm Tuấn lên 10, giống như bao gia đình khác, Chú Hồng, cô Hoa và Tuấn phải trải qua rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Tuấn thích nghi rất nhanh. Ngày 8/3 đầu tiên mà cô Hoa hạnh phúc nhất trong cuộc đời đó là ngày 8/3 năm 2004, khi cô nhận được thư của Tuấn gửi về từ Trung tâm sau 3 tháng vào điều trị. Lúc đó, Tuấn chưa biết viết, bức thư đơn giản là một bức tranh, vẽ một bông hoa đơn giản, có 5 cánh hoa màu đỏ, lá màu xanh. Cô Hoa khóc nức nở thương con, cô đạp xe một mạch hơn 10km từ nhà đến ngay trung tâm thăm con trong niềm vui vỡ òa, hạnh phúc. 

Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân 15

Cậu học sinh 18 tuổi làm mọi thứ chỉ bằng đôi chân 16

"Cô xúc động lắm. Không nghĩ là thằng bé biết vẽ tặng mẹ đâu, tay nó thế kia... Nhưng rồi, cô mới biết nó vẽ tranh tặng mẹ bằng chân mà lòng cô nghẹn ngào không nói nên lời. Kể từ đó, cô liên tục nhận được tranh, được thơ của Tuấn. Thằng bé ngoan và thương mẹ lắm".

Nhìn vợ khóc, chú Hồng tâm sự: "Nhà 4 đứa con, nghèo lắm. Chú đi làm nhiều công trình trên thành phố, nhưng tiền công lần này qua lần khác bị khất. Không biết làm gì kiếm ra tiền. Nhiều khi bất lực, chú uống rượu say rồi lao xe ra ngoài đường cho chết đi, sống khổ quá. Nhưng, khi tỉnh dậy, lại nghĩ, may mà không chết, chết thì lấy ai nuôi các con. Chết thì xấu hổ với thằng Tuấn, nó khuyết tật mà nó vẫn mạnh mẽ, kiên cường, còn bố thì yếu lòng trước khó khăn thì làm sao sau này con trai vững vàng trên đường đời được..."

Những ngày đầu tập viết bằng chân, chân của Tuấn đau nhức, nhiều lần Tuấn bỏ cuộc. Hay khi học, viết chằng chân, chậm hơn các bạn, Tuấn trách mình kém cỏi. Những lần như thế, Tuấn gọi điện về nói với mẹ: "Con làm khổ mẹ quá, mẹ cho con đi tu cho mẹ đỡ khổ". Nhưng, sau những lần đó, Tuấn lại càng cố gắng hơn vì Tuấn biết bố mẹ bạn rất buồn. Dần dần, bỏ qua nhiều khó khăn, đau đớn, cuối cùng Tuấn đã sử dụng chân làm mọi việc thành thạo và đạt học lực Khá.

Khi được hỏi về tương lai của mình, Tuấn không ngại ngùng mà nói rằng: “Cuộc sống khó khăn, nhưng chán nản, buông xuôi thì khó khăn thêm khó khăn. Em sẽ không làm gì đó quá sức, nhưng sẽ cố gắng từng tí một, dù chậm hơn người khác nhưng em tin mình sẽ làm được nhiều điều có ích. Em sẽ không là gánh nặng của bố mẹ được.”

Nói về con trai mình, bố mẹ Tuấn không phủ nhận Tuấn từng là gánh nặng của gia đình. Tuy nhiên, khi nhìn vào Tuấn bây giờ, dường như cô chú lại trút đi được nhiều điều. Không phải vì tin Tuấn có thể làm được nhiều điều hơn nữa, mà đơn giản, khi nhìn vào con, biết con đang cố gắng từng ngày vì bố mẹ, là cô chú đã cảm thấy đôi vai nhẹ nhõm đi nhiều. Dù câu hỏi "Mai sau khi bố mẹ già đi, con sẽ ra sao?" vẫn luôn là niềm ám ảnh.